1. Mụn bọc sưng đỏ do đâu?
Mụn bọc thường chứa nhiều mủ, gây sưng đỏ và đau. Mụn bọc thường xuất hiện nhiều ở trên khuôn mặt như má, cằm, mũi, trán… nhưng mụn bọc ở má nhiều nhất và dễ để lại di chứng sẹo thâm, sẹo rỗ.
Mụn bọc thường gặp ở người có lỗ chân lông to, type da dầu tiết nhiều bã nhờn, tích tụ dân cùng với bụi bẩn hoặc phấn trang điểm gây bít tắc... Quá trình này tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây tổn thương và kích ứng nang lông nặng hơn, dẫn đến mụn bọc hình thành.
Mụn bọc thường có kích thước lớn, cứng và gây đau nhức. Mụn sưng đỏ xung quanh và vùng nhân mụn có dịch mủ màu trắng hoặc vàng. Dịch mủ này có thể nổi rõ hoặc nằm sâu trong da. Giai đoạn này nếu xử lý sai, ví dụ như nặn, bóp... thì sẽ gây tổn thương nặng hơn, gây viêm nhiễm cho các vùng da xung quanh. Vùng da mụn bọc đã bị viêm nên nếu không phục hồi tốt, sẽ để lại thâm, sẹo lõm rất khó khắc phục.
Ở giai đoạn mụn chín, mụn có thể tự vỡ ra và chảy dịch mủ lẫn máu ra ngoài, sau đó da sẽ dần lành lại. Tuy nhiên vết thâm mụn để lại rất lâu, nếu xử lý không tốt mụn bọc còn để lại sẹo vĩnh viễn.
2. Cách trị mụn bọc tại nhà để không bị sẹo thâm, sẹo rỗ
Phòng ngừa mụn bọc
Trước hết, muốn không có sẹo thì phải tránh có mụn. Do đó biện pháp quan trọng nhất đó là thường xuyên làm sạch da mặt trước khi mụn xuất hiện.
Các bước làm sạch da mặt bao gồm:
- Buổi sáng: Sữa rửa mặt - nước hoa hồng (hoặc toner) - dưỡng ẩm - kem chống nắng. Lưu ý với người có type da dầu, lỗ chân lông to nên hạn chế trang điểm với các lớp makeup quá dày.
- Buổi tối: Tẩy trang - sữa rửa mặt - nước hoa hồng (hoặc toner) – thực hiện các bước skincare.
Mỗi tuần nên tẩy da chết 2 lần. Bước tẩy da chết thực hiện sau khi tẩy trang, sau đó tiếp tục thực hiện các bước khác. Với người đang bị mụn bọc sưng đỏ thì tuyệt đối không nên trang điểm hoặc thực hiện các bước skincare mà chỉ nên thực hiện các bước vệ sinh da mặt với nước ấm.
Xử trí mụn bọc tại nhà
Trường hợp có mụn bọc xuất hiện, sau khi vệ sinh da sạch, có thể áp dụng một số cách sau để giải quyết mụn nhanh và tránh thâm, sẹo.
- Tinh dầu tràm: Tinh dầu tràm trà có khả năng diệt vi khuẩn và ngăn ngừa sẹo sau khi mụn bọc đã lành.
Cách thực hiện: Lấy tăm bông sạch thấm tinh dầu tràm trà rồi thoa lên nốt mụn. Để nguyên trong khoảng 10 - 15 phút rồi rửa sạch lại với nước ấm. Có thể thoa 2 đến 3 lần trong một ngày.
Lưu ý: Với người có làn da nhạy cảm, tinh dầu tràm có thể gây kích ứng. Để khắc phục cảm giác bỏng rát nên pha tinh dầu tràm với dầu dừa hoặc dầu jojoba.
- Lá bạc hà: Lá bạc hà có chứa hoạt chất menthol. Menthol có tác dụng giảm đau, tiêu viêm, sát khuẩn và gây tê tại chỗ. Vì vậy nó sẽ giúp làm giảm tình trạng sưng đỏ, đau nhức do mụn bọc.
Cách thực hiện: Lấy một nắm lá bạc hà tươi, rửa sạch, xay nhuyễn. Đắp lá bạc hà đã xay nhuyễn lên nốt mụn, giữ yên khoảng 10-15 phút sau đó rửa sạch lại với nước ấm. Mỗi ngày thực hiện điều này mỗi ngày một lần cho đến khi sạch mụn.
- Giấm táo: Giấm táo có thể hỗ trợ trị mụn bọc ở mũi khá hiệu quả, ngay cả khi mụn sưng to hơn và lan ra những vùng khác. Trong giấm táo có một số acid có tác dụng kháng khuẩn, làm sạch da và ngăn ngừa nhiễm trùng, giúp loại bỏ dầu thừa, bụi bẩn.
Cách thực hiện: Lấy 1 - 2 giọt giấm táo thoa trực tiếp lên các nốt mụn bọc ở mũi và để nó khô tự nhiên. Rửa sạch lại mặt với nước ấm sau 15 phút. Mỗi ngày thực hiện 1 lần.
Lưu ý: Không nên áp dụng với các mụn nhẹ, nhỏ.
- Trứng gà: Cả lòng đỏ và lòng trắng trứng gà đều chứa các thành phần dinh dưỡng rất tốt cho da. Vì thế, người ta sử dụng mặt nạ trứng gà từ rất sớm để làm đẹp và chăm sóc làn da. Trứng gà giàu protein, collagen, vitamin A, vitamin B vừa có tác dụng dưỡng da vừa có tác dụng chữa lành. Có thể kết hợp trứng gà với các nguyên liệu như dầu oliu, mật ong, chanh để trị mụn bọc.
Cách thực hiện: Lấy 1 lòng trắng trứng gà đánh thật nhuyễn + 10ml mật ong + 2 muỗng nước cốt chanh trộn đều. Thoa hỗn hợp trên lên vùng da bị mụn (hoặc có thể làm thành mặt nạ đắp cho toàn bộ da mặt), để nguyên khoảng 20 phút rồi rửa lại mặt với nước ấm. Mỗi tuần thực hiện 3 lần.
Hoặc có thể lấy 1 lòng đỏ trứng gà đánh nhuyễn + 2 thìa dầu oliu rồi trộn đều. Thoa hỗn hợp này lên vị trí có mụn bọc, để nguyên 30 phút rồi rửa sạch lại mặt. Mỗi tuần thực hiện 3 lần.
Trong dầu oliu có chứa hàm lượng vitamin E, vitamin A khá cao, ngoài ra còn có một số số polyphenol. Các chất này giúp diệt khuẩn, chống lại oxy hóa, giảm vết thâm mụn. Khi kết hợp với trứng gà sẽ làm tăng hiệu quả trị mụn và giảm sẹo thâm.
- Tỏi tươi: Tỏi chứa nhiều hoạt chất như diallyl disulfide, allicin và sulphur. Các hoạt chất này có tác dụng kháng viêm, diệt khuẩn, giảm sưng đỏ. Khi sử dụng tỏi để trị mụn bọc sẽ giúp giảm đau, tiêu viêm nhanh hơn. Tỏi còn có khả năng phục hồi những vùng da bị tổn thương, ngăn ngừa sẹo...
Cách thực hiện: Tách tỏi tươi khỏi vỏ, rồi xay/giã nhuyễn tép tỏi. Đắp trực tiếp lên vùng da bị mụn bọc, để nguyên khoảng 15 phút. Sau đó rửa lại mặt thật sạch bằng nước ấm.
Lưu ý: Tránh để tỏi quá lâu trên da vì thành phần sulfur sẽ khiến da bị bỏng rát. Tránh đắp tỏi lên mụn bọc ở gần mắt vì sẽ gây cay mắt. Trường hợp da nhạy cảm, dễ bị kích ứng cũng không nên áp dụng phương pháp này.
3. Những điều cần lưu ý khi trị mụn bọc tại nhà
Những cách điều trị mụn nêu trên chỉ phù hợp với tình trạng mụn thưa. Trường hợp mụn bọc, mụn mủ mọc dầy trên da, cần đi khám tại chuyên khoa da liễu/nội tiết để được hướng dẫn cách vệ sinh da mặt cũng như thuốc uống, thuốc bôi cùng chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Khi điều trị mụn tại nhà, các nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên thường an toàn, ít tác dụng phụ nhưng hiệu quả tương đối chậm. Do đó cần kiên trì áp dụng trong thời gian dài, kết hợp với quá trình chăm sóc da hợp lý sẽ có được làn da sạch mụn.
Tuy nhiên, dù dùng phương pháp nào cũng cần lưu ý không nên bỏ qua các bước sau:
- Luôn luôn giữ gìn vệ sinh da mặt.
- Hạn chế tối đa sử dụng mỹ phẩm make up trong thời gian bị mụn bọc để tránh gây tắc lỗ chân lông.
- Bỏ ngay thói quen sờ tay lên mặt và nặn mụn bằng tay, đặc biệt khi mụn còn non.
- Chỉ nên lấy nhân mụn khi chúng đã khô và nổi nhân màu trắng.
- Sử dụng dưỡng da, kem chống nắng dịu nhẹ, có kết cấu lỏng.
- Che chắn da khi tiếp xúc với ánh mặt trời.
- Chế độ ăn hạn chế tối đa dầu mỡ, thực phẩm chiên xào, cay nóng...
Mời độc giả xem thêm video:
Chăm sóc da bằng caffeine có hiệu quả không? | SKĐS