Cách xử lý khi trẻ bị côn trùng cắn

20-04-2015 08:29 | Đời sống
google news

SKĐS - Trẻ em thường hiếu động nên là đối tượng dễ bị côn trùng cắn, chích. Việc nhận biết dấu hiệu trẻ bị côn trùng cắn và xử trí ban đầu đúng là quan trọng.

Dấu hiệu trẻ bị côn trùng cắn

Những dấu hiệu cơ bản khi trẻ bị côn trùng cắn thường đa dạng và phức tạp. Có trẻ em có thể bị ngứa, sưng tấy nhẹ và tự khỏi. Một số trẻ có cơ địa mẫn cảm thì nơi bị côn trùng cắn đốt có thể sưng đỏ và phù nề, đôi khi xuất hiện mụn nước, bóng nước, gây đau do cơ thể phản ứng các dị nguyên từ vết cắn, ngòi, lông của côn trùng.

Tùy vào loại côn trùng và cơ địa trẻ mà các thương tổn trên da của mỗi bé sẽ khác nhau. Kiến, ruồi, muỗi, rệp cắn thì trên da xuất hiện vết hồng ban, hơi sưng, cảm giác ngứa châm chích. Với vết cắn của kiến lửa thì xuất hiện thêm triệu chứng sưng phù và mụn nước, gây đau nhức.

Với ong đốt, nhất là ong vò vẽ thì gây nhức dữ dội, khó chịu vì trong vòi ong có nọc độc. Nếu bị đốt nhiều nhất là vùng mặt, cổ thì có triệu chứng: nôn ói, tim đập nhanh, khó thở, toàn thân bị phù nề, tụt huyết áp gây nguy hiểm đến tính mạng.

Với bọ, ve cắn thì sốt kéo dài, kèm theo triệu chứng nổi mẩn đỏ khắp người. Với nhện cắn thì phồng da, sưng đỏ và nhức; có thể gây sốt, chóng mặt.

Cần biết mức độ nặng nhẹ để tự chăm sóc hay nhờ đến thầy thuốc. Biểu hiện nhẹ sau khi bị côn tràng cắn như: đau nhức tại vết cắn mức độ vừa phải, sau đó giảm dần, các vết hồng ban phẳng mặt da hay sưng nề kèm theo chỗ, ngứa nhiều. Với độ nặng: nổi mề đay toàn thân, khó thở, sốc phản vệ, mạch nhanh tay chân lạnh, mạch nhẹ..., cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị.

Xử trí bước đầu

Tùy thuộc vào loài côn trùng mà xử trí cho thích hợp. Với ruồi, muỗi, kiến, thường gây sẩn ngứa, nổi phồng trên da rất khó chịu. Trước tiên cần rửa kỹ vết đốt bằng xà phòng, sau đó có thể giảm nốt sẩn ngứa bằng cách lấy một cục đá chườm lên da khoảng 5 phút. Bọ chét, chấy rận, ve chó, thường sống ký sinh ở trên lông các vật nuôi trong nhà nên rất gần gũi với trẻ em. Khi cắn, chúng hút máu và gây ngứa khó chịu. Và khi cắn, chúng bám rất chắc vào da, do đó trước tiên cần bắt chúng kéo từ từ ra khỏi da để răng chúng không sót lại ở chỗ cắn, sau đó rửa sạch vết cắn bằng xà phòng.

Sâu róm khi chạm vào da trẻ em gây dị ứng làm ngứa rát, mẩn ngứa, nổi mề đay vùng da tiếp xúc. Cần nhanh chóng dùng găng tay hay que cây gạt sâu róm ra, dùng vắt cơm nguội lăn vào chỗ sâu tiếp xúc để lấy hết lông sâu ra, sau đó rửa sạch da bằng xà phòng, chườm đá giảm sưng - ngứa và giảm đau, tránh gãi nhiều lên vết ngứa vì điều này có thể làm lông và gai đâm sâu vào trong da.

Nếu bị ong mật đốt, lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra, vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra, sau đó rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm, bôi dung dịch sát trùng như Povidine 10% hoặc cồn 700C lên vết đốt mỗi ngày 2 lần, có thể chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng. Trong trường hợp bị ong vò vẽ, rết, bò cạp đốt, nọc độc của chúng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, do đó ngay sau khi xử trí bước đầu như: rửa các vết ong đốt bằng xà phòng hoặc chất kiềm nhẹ rồi chườm lạnh; sau đó chuyển nhanh em bé đến cơ sở y tế để được xử trí và điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng.

Phòng tránh côn trùng cắn

Cần chú ý dọn dẹp nhà cửa, dọn hết các vật dụng như: chổi, đồ gỗ cũ, thảm, vải ướt ra ngoài hoặc kê lên cao, để tránh côn trùng làm tổ. Không nên nuôi chó mèo trong nhà, vì trẻ em rất thích chó mèo. Không nên cho trẻ em chơi nơi có nhiều đồ đạc, gạch ngói mục cũ, nơi thường có nhiều rết, bọ cạp, ong... Cho trẻ đi chơi hoặc ra ngoài khi trời đã sáng. Khi trời đã chập tối nên cho trẻ mang những bộ quần áo tay dài, bôi thuốc chống muỗi lên da em bé.

BS.CKI.TRẦN QUỐC LONG

 


Ý kiến của bạn