Cách xử lý khi nghi chó dại cắn

09-05-2014 06:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Con tôi không may bị một con chó hàng xóm cắn vào chân trái, gây chảy máu và có 2 vết răng chó. Tôi nghe nói chó cắn có thể làm lây bệnh dại cho người.

Con tôi không may bị một con chó hàng xóm cắn vào chân trái, gây chảy máu và có 2 vết răng chó. Tôi nghe nói chó cắn có thể làm lây bệnh dại cho người. Xin bác sĩ cho biết tôi phải làm gì để phòng chống bệnh dại cho con tôi?                                                                                   

Nguyễn Thị Nhài (Thái Nguyên)

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu ở chó, mèo lây sang người qua vết cắn và khi đã phát bệnh thì tỷ lệ tử vong là 100%.

Khi bị chó cắn, có 2 việc chính cần làm: một là xử lý vết thương do chó cắn để tránh nhiễm khuẩn; hai là phải tiêm phòng bệnh dại.

Xử lý vết chó cắn: phải dùng xà phòng và nước sạch dội rửa thật kỹ vết thương, cuối cùng rửa bằng nước sạch, lau khô vết thương và sát khuẩn bằng cồn iốt.

Vấn đề tiêm phòng bệnh dại: chó cắn người có 2 trường hợp: một là chó lành không có bệnh dại; hai là chó bị bệnh dại. Vì vậy, có 2 việc cần làm: nhốt và theo dõi con chó đó trong 20 ngày kể từ khi chó cắn con bạn. Trong thời gian đó, nếu chó vẫn sống bình thường thì con bạn không cần phải tiêm phòng bệnh dại. Nếu vì lý do nào đó mà con chó đó chết hay mất tích thì bạn cần đưa con đi tiêm phòng bệnh dại.

Bạn nên đưa con đến bệnh viện khám để cháu được tiêm phòng uốn ván và dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn vết thương. Đồng thời được tiêm huyết thanh kháng dại và tiêm vaccin phòng bệnh dại.

BS. Trần Thanh Tâm

 


Ý kiến của bạn