Cách xử lý khi bị bong gân

22-04-2019 06:47 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Chồng tôi chơi môn bóng đá nên thỉnh thoảng bị bong gân. Xin hỏi bác sĩ cách xử lý khi bị bong gân thế nào?

Ngọc Anh (Hà Nội)

Khi bị bong gân, sẽ có tình trạng chảy máu nơi vùng dây chằng bị đứt, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà máu sẽ chảy nhiều hay ít. Máu chảy ra làm sưng nề vùng khớp bị bong gân. Dấu bầm tím quanh khớp do máu tụ lại, vùng bong gân nóng lên và ấn đau. Sau khi chấn thương, tình trạng viêm sẽ xảy ra ngay vùng bong gân. Nếu sau khi bị bong gân, chúng ta chườm nóng, bóp dầu, bóp rượu hay thuốc sẽ làm tình trạng chảy máu nặng hơn. Nạn nhân sau khi thấy đỡ đau do chườm nóng thì nay bị đau gấp nhiều lần do máu chảy nhiều hơn, phản ứng viêm nặng hơn. Khớp sưng nề lại càng sưng hơn do sự hồi lưu máu kém đi.

Sau khi bong gân dù nặng hay nhẹ cũng nên chườm lạnh ngay tức thì. Tránh không cho nước đá tiếp xúc trực tiếp lên da có thể gây bỏng lạnh. Tuyệt đối không xoa bóp bất kỳ thứ gì dù là mật gấu chính danh. Các phương pháp dân gian như chườm lá, bóp muối... là nên tránh. Băng ép bằng cách dùng băng thun băng nhẹ nhàng, không ép quá chặt cũng không lỏng quá. Kê cao chi bằng cách nằm gác chân lên gối ôm khoảng 10cm là vừa, nếu ngồi thì chân kê cao ngang hông (khung chậu). Mục đích không để máu dồn xuống chân làm sưng chân.

Nên tư vấn bác sĩ để dùng thuốc giảm đau, giảm sưng. Nếu bong gân cấp độ nặng có thể phải phẫu thuật nối dây chằng.

BS. Nguyễn Trung


Ý kiến của bạn