Cách xử lý an toàn thuốc hết hạn, thuốc điều trị không dùng hết

20-10-2017 10:34 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Thuốc đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị bệnh tật, nhưng khi không còn cần thiết, chúng ta phải biết cách loại bỏ đúng nhằm giảm thiểu nguy cơ gây hại cho môi trường hoặc ngộ độc do nhầm lẫn hay cố ý lạm dụng.

Dưới đây là một số hướng dẫn giúp xử lý các loại thuốc hết hạn, thuốc điều trị không sử dụng hết một cách an toàn.

Những trường hợp thương tâm

Trước đây, Trung tâm Kiểm soát nhiễm độc Mỹ đã báo cáo một số trường hợp trẻ bị ngộ độc thuốc của người lớn. Điển hình là một bé trai 2 tuổi đã được tìm thấy bên cạnh lọ thuốc giảm đau gây nghiện opioid-methadone đang mở. Bé đã được cấp cứu và cho phép xuất viện, nhưng sau đó lại trong tình trạng ngừng thở, không có nhịp tim và có dấu hiệu nôn mửa. Trường hợp khác là bé gái 2 tuổi về nhà với các triệu chứng mệt mỏi, tiếp theo là đau bụng. Bố mẹ nghi ngờ con ăn phải thứ gì đó ở bên ngoài nên đưa bé đi cấp cứu. Khi tình trạng đã ổn định, con được đưa về nhà chăm sóc. Song, sáng hôm sau, bé đột nhiên mất ý thức. Mặc dù được cấp cứu tại bệnh viện sau đó nhưng bé vẫn không qua khỏi. Kết quả xét nghiệm mẫu máu được lấy vào khoảng thời gian tử vong dương tính với oxycodone - một thuốc giảm đau opioid tương tự methadone. Cũng trong báo cáo nói trên là trường hợp một bé gái 4 tuổi được ông bà nội phát hiện tử vong trong nhà. Trong quá trình khám nghiệm tử thi, một miếng dán fentanyl (thuốc giảm đau mạnh) được tìm thấy trong đường tiêu hóa của trẻ. Rõ ràng, bé có thể đã tìm thấy miếng dán này bị vứt trong thùng rác và nuốt phải, gây quá liều fentanyl và tử vong.Tiêu hủy thuốc hết hạn, quá date. (ảnh minh họa)

Tiêu hủy thuốc hết hạn, quá date. (ảnh minh họa)

Nguy cơ khi dùng thuốc hết hạn và hủy không đúng cách

Thông thường, với các thuốc không dùng đến do còn thừa khi điều trị hay thuốc hết hạn, với người cẩn thận thì cất trong tủ thuốc gia đình, có thể là tủ được thiết kế đặc biệt không cho trẻ mở được hoặc bỏ nguyên vẹn vào thùng rác, còn đa số là để lăn lóc ở một nơi nào đó trong nhà. Việc làm này tưởng chừng vô hại nhưng thực tế lại cho thấy tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bao gồm:

Gây hại sức khỏe các thành viên trong gia đình: Một nghiên cứu xem xét các trường hợp trẻ em vô tình tiếp xúc với thuốc của người thân cho thấy có tới 45% trường hợp liên quan đến các loại thuốc chứa trong hộp đựng chống trẻ em. Trong đó, đã có 255.732 trường hợp sử dụng thuốc không hợp lệ được báo cáo tới Trung tâm Kiểm soát nhiễm độc Mỹ. Khoảng 9% trong số những trường hợp này (23.783) liên quan đến ngộ độc do phơi nhiễm với thuốc của người khác. 5.000 trường hợp phơi nhiễm tình cờ liên quan đến trẻ em dưới 6 tuổi.

Ảnh hưởng đến vật nuôi và môi trường: Việc bỏ thuốc đi không đúng cách cùng với rác sinh hoạt gây hại cho con người, động vật hoang dã vô tình hay cố ý nuốt phải. Xối vào nhà vệ sinh (thuốc kháng sinh, hormon…) gây ô nhiễm nước mặt ao hồ, sông suối, nước sinh hoạt. Hoặc đốt những sản phẩm xông hít gây ảnh hưởng tới tầng ozone…

Cách an toàn để xử lý với những loại thuốc không dùng đến

Cách đơn giản và an toàn nhất để xử lý những loại thuốc hết hạn hoặc không cần dùng đến là mang thuốc tới các nhà thuốc, quầy thuốc bệnh viện hoặc những cơ sở có chương trình thu gom thuốc, rác thải y tế. Tại đây, họ sẽ có cách xử lý thích hợp với những loại rác thải đặc biệt này. Trường hợp ở những cơ sở gần gia đình không có chương trình thu gom thuốc để xử lý, chúng ta có thể tham vấn bác sĩ, dược sĩ và các nhân viên y tế về cách tốt nhất để loại bỏ thuốc không dùng đến. Ngoài ra, có một số phương pháp dưới đây để lựa chọn:

Làm theo hướng dẫn: Người dùng thuốc có thể làm theo hướng dẫn xử lý cụ thể ghi trên tờ hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc tờ thông tin cho bệnh nhân đi kèm với thuốc. Không xả thuốc xuống bồn rửa hoặc nhà vệ sinh trừ khi có thông tin hướng dẫn làm như vậy

Bỏ vào thùng rác gia đình: Hầu hết các loại thuốc có thể được bỏ đi trong thùng rác thải sinh hoạt của gia đình. Nhưng cần tuân theo các bước: Trộn thuốc (chú ý không nghiền nhỏ viên nén và viên nang) với một số loại rác bẩn như bã cà phê, mùn cưa, đất, giấy vụn - hỗn hợp này không còn hấp dẫn đối với trẻ nhỏ và vật nuôi nếu không may bị tìm thấy. Cho hỗn hợp vào một chiếc hộp nhựa hoặc túi ziplock bịt kín, sau đó bỏ vào thùng rác.

Xối bỏ xuống bồn rửa hoặc nhà vệ sinh: Một số thuốc có dược tính mạnh, chỉ cần một liều lượng rất nhỏ cũng có thể gây khó thở, ngừng tim và tử vong (như các thuốc nhóm giảm đau gây nghiện opioid hay một số thuốc hướng thần…). Do đó, để loại bỏ cần xối xuống bồn rửa hoặc nhà vệ sinh khi không còn cần dùng đến và không thể gửi tới cơ sở có chức năng thu gom, xử lý. Chúng ta có thể tham khảo danh sách các loại thuốc được đề nghị xử hủy bằng cách xối vào nhà vệ sinh do FDA phê duyệt.

Với các sản phẩm xông hít: Các sản phẩm này thường được dùng cho người bị hen hoặc các vấn đề về hô hấp khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần có cách xử lý đặc biệt hơn. Vì những ống hít này có chứa chlorofluorocarbons (CFCs) - một chất đẩy gây thủng tầng ozone bảo vệ trái đất.Mặc dù CFC đang được thay thế bằng các loại chất đẩy khác thân thiện hơn với môi trường nhưng tốt nhất không nên đốt những ống thuốc này mà cần đọc các hướng dẫn xử lý ghi trên nhãn thuốc.


ThS. Mai Ngọc Tú
Ý kiến của bạn