Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong tuần từ ngày 16-22/6, cả nước đã ghi nhận gần 1.800 ca mắc tay - chân - miệng (TCM). Theo các chuyên gia y tế, bệnh TCM thường xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh rất dễ lây lan và chỉ có thể phòng tránh, chưa có thuốc ngừa cũng như thuốc đặc trị. Tuy nhiên, theo ngành y tế, bệnh TCM có thể dự phòng được bằng cách thực hành tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường...
Trẻ nghỉ hè, vẫn ghi nhận nhiều ca bệnh TCM
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, so với tuần trước, số ca mắc TCM trong tuần này đã tăng 9%. Theo ông Phu, mặc dù dự đoán từ đầu năm 2014 số mắc TCM năm nay sẽ tăng cao theo chu kỳ dịch, nhưng thực tế đến nay (đang ở đỉnh dịch thứ nhất trong năm, đỉnh dịch thứ hai là tháng 9-11) tổng số ca mới từ đầu năm vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2013, nhưng lại gia tăng cục bộ ở các tỉnh phía Nam, kể cả TP. Hồ Chí Minh.
Trong đó, 4 địa phương ghi nhận số mắc tăng so với tuần trước: TP. Hồ Chí Minh (tăng 28 trường hợp), Đồng Tháp (tăng 25 trường hợp), Bà Rịa Vũng Tàu (tăng 23 trường hợp) và TP. Hải Phòng (tăng 14 trường hợp).
BS. Dư Tuấn Quy - Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, những tuần trước, trung bình chỉ có khoảng 40-50 ca bệnh TCM phải nằm viện điều trị, nhưng trong tuần từ ngày 16-22/6, số ca bệnh tại khoa đã lên tới 83 trường hợp, trong đó có 2 ca nặng độ III. Bệnh TCM thường diễn ra theo chu kỳ từ tháng 4 đến tháng 6 và tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Hiện đang là đỉnh thứ nhất trong năm của dịch TCM.
Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại Bệnh viện Nhi đồng 2, BS. Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm cho biết, hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận điều trị nội trú cho khoảng 40 trường hợp mắc TCM. So với thời điểm của những tháng đầu năm, khoảng 2 tuần trở lại đây, bệnh đang có biểu hiện tăng tuy không nhiều nhưng cũng là vấn đề đáng quan tâm bởi hiện tại trẻ đang trong thời gian nghỉ hè. Vào đầu tháng 7, nhiều trường mầm non trên địa bàn thành phố sẽ bắt đầu nhận học sinh trở lại, khi đó nguy cơ trẻ mắc bệnh TCM sẽ tăng cao nếu không triển khai các giải pháp phòng bệnh hiệu quả.
Tại BV Nhi TW, trong tuần qua cũng đã ghi nhận nhiều ca mắc bệnh TCM, đa phần đều là các ca mắc nhẹ (TCM độ 1).
Phát hiện sớm - Chặn biến chứng
Từ thực tế công tác khám chữa bệnh và điều trị bệnh nhân, BS. Tuấn Quy cho biết, sau nhiều nỗ lực tuyên truyền, tập huấn của ngành y tế cũng như các phương tiện truyền thông, ý thức và kiến thức phòng bệnh TCM nói riêng và phòng chống các bệnh truyền nhiễm nói chung cho trẻ của các bậc phụ huynh và giáo viên mầm non, mẫu giáo đã đạt được tín hiệu vui. Qua điều tra bệnh sử của bệnh nhi khi đến khám và điều trị, chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp bệnh mới chớm tới nhưng trẻ đã được đưa đi khám. Hỏi ra thì phụ huynh cho biết cô giáo là người phát hiện bệnh của trẻ nên tư vấn cho gia đình. Nhiều phụ huynh cũng biết làm “bác sĩ” cho con mình khi sớm xác định được những biểu hiện của bệnh nhờ đó thời gian qua số ca bệnh nặng đã giảm hẳn.
TCM là bệnh chưa có vaccin dự phòng, để hạn chế nguy cơ mắc bệnh cho trẻ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Đối với người chăm sóc trẻ, ngoài việc vệ sinh cá nhân sạch sẽ cần rửa tay trước khi chế biến thức ăn; rửa tay trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi làm vệ sinh cho trẻ.
BS. Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi TW khuyến cáo, với bệnh TCM, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là rửa tay sạch cho trẻ và người chăm sóc, nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chế biến thức ăn cho trẻ. Gia đình và các trường mẫu giáo cũng cần thường xuyên rửa sạch đồ chơi, mặt sàn nhà bằng xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn để phòng bệnh.
Nguyễn Hoàng - Hồng Ánh
Bệnh TCM do vi khuẩn đường ruột Ente’virus (E71) và Coxcakieruses gây nên. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá, từ người sang người nên các yếu tố sinh hoạt tập thể như ở trường học khiến nguy cơ lây bệnh tăng cao, đặc biệt là trong các đợt bùng phát bệnh. Ban đầu, trẻ thường sốt nhẹ, đau họng, đau miệng, chảy nước miếng và biếng ăn hơn. Trẻ nhỏ thường đau khóc, bỏ bú. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu sốt hay nổi bóng nước ở bàn tay bàn chân, nên đưa trẻ đi khám ngay. Nếu trẻ được chẩn đoán mắc bệnh TCM, cần cách ly trẻ ngay và thông báo cho địa phương để có biện pháp khử khuẩn môi trường xung quanh, hạn chế tối đa khả năng lây lan bệnh tạo nên ổ dịch.