Cách vắt sữa mẹ
Buổi sáng trước khi mẹ đi làm, mẹ nên vắt sữa càng nhiều càng tốt để lại cho bé. Khi đến công ty, mỗi khi ngực căng sữa, mẹ cũng có thể vắt sữa ra rồi bảo quản để mang về cho con bú. Nếu mẹ vắt sữa đều đặn, nguồn sữa sẽ được duy trì.
Cách vắt sữa bằng tay: Chuẩn bị dụng cụ đựng sữa như cốc hoặc bình sữa đã được rửa sạch, tráng qua nước sôi và để ráo nước; túi đựng sữa chuyên dụng (nếu bảo quản trong ngăn mát hoặc ngăn đá tủ lạnh). Trước khi vắt sữa, người mẹ cần rửa tay sạch sẽ và dùng khăn mềm, sạch lau qua bầu vú; sau đó nên ngồi hoặc đứng một cách thoải mái và giữ cốc hoặc bình sữa ở gần vú.
Đặt ngón tay cái lên phía trên núm vú và quầng vú, ngón tay trỏ ở phía dưới, đối diện với ngón tay cái thành hình chữ C, đỡ vú bằng các ngón tay khác. Ấn ngón cái và ngón trỏ một cách nhẹ nhàng về phía trong và vào thành ngực (không nên ấn quá mạnh vì sẽ làm tắc ống sữa). Ấn ngón cái và ngón trỏ một cách nhẹ nhàng vào phía thành ngực, ấn vào rồi thả ra, ấn vào rồi thả ra; lúc đầu sữa có thể chưa xuống nhưng sau khi ấn vài lần, sữa sẽ bắt đầu xuống và chảy ra. Nó có thể chảy thành dòng nếu có sự giải phóng oxytocin.
Nên vắt mỗi bên tối thiểu từ 3-5 phút cho tới khi thấy sữa chảy chậm lại thì chuyển sang bên kia, sau đó vắt lại cả hai bên. Sau khi mẹ vắt sữa xong hãy cho bé bú tiếp để bé nhận được sữa cuối mà mẹ không thể vắt ra được. Sữa cuối là sữa có màu trắng đục chứa nhiều chất béo sẽ giúp bé nhanh tăng cân.
Cách vắt sữa bằng máy hút sữa: Chọn phễu chụp vú vừa với bầu vú của bạn. Phễu chụp vú phải khít với đầu vú, nhưng cũng vẫn đủ khoảng không để đầu vú không bị chèn vào thành của phễu. Đầu núm vú phải nằm giữa tâm của ống phễu chụp vú. Trước khi hút sữa, cũng cần rửa sạch tay, phễu chụp vú và bình đựng sữa. Có thể làm ẩm chụp vú để tăng độ mút, kín khít. Bắt đầu hút với áp lực chân không cao nhất mà bạn vẫn thấy thoải mái. Massage ngực trước và trong khi hút để giúp sữa dễ chảy ra. Có thể hút sữa cả hai bên vú cùng một lúc để rút ngắn thời gian vắt sữa.
Những lưu ý khi vắt sữa mẹ
Trước khi vắt sữa, phải rửa tay sạch bằng xà phòng và nước. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng dung dịch khử trùng tay có chứa ít nhất 60% cồn. Các mẹ có thể vắt sữa bằng tay hoặc bằng máy hút sữa bằng tay hoặc bằng điện. Nếu sử dụng máy hút sữa, hãy kiểm tra các bộ phận máy hút và đường ống đảm bảo sạch sẽ. Thay thế các ống dây hút đã bị bẩn, mốc.
Nếu sử dụng chung máy hút sữa tại cơ quan/ văn phòng làm việc: hãy lau sạch mặt đồng hồ máy hút, công tắc nguồn và mặt bàn bằng khăn lau khử trùng.
Bảo quản sữa mẹ sau khi vắt sữa bằng cách sử dụng túi trữ sữa mẹ hoặc hộp đựng thực phẩm sạch để đựng sữa mẹ đã vắt ra. Nên dùng hộp đựng được làm bằng thủy tinh hoặc nhựa và có nắp đậy kín. Tránh các loại chai/ túi có ký hiệu tái chế số 7 (Bisphenol-A), biểu tượng này cho thấy rằng vật chứa có thể được làm bằng nhựa có chứa BPA. Không bảo quản sữa mẹ trong túi nhựa không dùng để đựng sữa mẹ.
Nghiên cứu cho thấy rằng việc bảo quản sữa mẹ càng lâu - cho dù trong tủ lạnh hay trong tủ đông thì lượng vitamin C trong sữa bị mất đi càng nhiều. Điều quan trọng cần lưu ý nữa là dinh dưỡng trong sữa mẹ luôn thay đổi để đáp ứng nhu cầu của em bé. Sữa mẹ được vắt ra khi trẻ mới sinh sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ vài tháng tuổi. Ngoài ra, hướng dẫn bảo quản có thể khác nhau đối với trẻ sinh non hoặc nhập viện.
Khi lưu trữ sữa mẹ cần lưu ý ghi nhãn rõ ràng trên bình/túi sữa trước khi trữ đông. Trữ đông sữa mẹ bằng tủ đông riêng để đạt được thời gian bảo quản tốt tối đa. Không bảo quản lâu sữa mẹ trong ngăn mát tủ lạnh hoặc ngăn đá tủ lạnh. Thay đổi nhiệt độ từ việc đóng - mở cửa tủ lạnh thường xuyên có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa bảo quản.
Nếu sữa mẹ vắt ra không có ý định dùng trong vòng 4 ngày, hãy đông lạnh ngay để đảm bảo chất lượng của sữa mẹ.Lưu ý khi đông lạnh sữa mẹ. Chia nhỏ sữa lưu trữ vừa đủ cho 1 lần ăn của bé để tránh lãng phí. Không đổ sữa mẹ quá đầy trong bình chứa/ túi chứa vì sữa mẹ sẽ nở ra khi đông lại. Sữa mẹ có thể được bảo quản trong túi đá giữ nhiệt tối đa 24 giờ nếu bạn đi du lịch hoặc vận chuyển sữa đến nơi khác, sau đó hãy bảo quản trong tủ đông nếu chưa dùng đến.
Rã đông sữa mẹ đúng cách
Luôn luôn rã đông sữa mẹ cũ nhất trước. Theo thời gian, chất lượng sữa mẹ có thể giảm xuống. Một số cách rã đông sữa mẹ như để trong tủ lạnh qua đêm, đặt trong một ly/thau nước ấm hay để dưới vòi nước ấm. Không bao giờ rã đông hoặc hâm nóng sữa mẹ trong lò vi sóng. Lò vi sóng có thể phá hủy các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ và tạo ra các điểm nóng, có thể làm bỏng miệng trẻ.
Nếu rã đông sữa mẹ trong tủ lạnh, hãy sử dụng nó trong vòng 24 giờ (tính từ lúc sữa mẹ được rã đông hoàn toàn, không phải từ khi bạn lấy sữa ra khỏi tủ đông). Sau khi sữa mẹ được rã đông và làm ấm, chỉ sử dụng trong vòng 2 giờ. Không nên đông lạnh lại sữa mẹ đã rã đông.
Màu sắc của sữa mẹ có thể thay đổi một chút tùy thuộc vào chế độ ăn uống của bạn. Ngoài ra, sữa mẹ đã rã đông có thể có mùi hoặc độ đặc khác với sữa mới vắt. Sữa mẹ rã đông vẫn an toàn khi cho bé bú.Sữa mẹ không cần hâm nóng. Nó có thể được dùng ở nhiệt độ phòng hoặc dùng lạnh.
Nếu mẹ muốn hâm nóng sữa cho con, cần lưu ý luôn đậy kín bình/túi chứa sữa khi hâm nóng, hâm nóng trong nước ấm. Kiểm tra nhiệt độ của sữa trước khi cho bé bú bằng cách nhỏ vài giọt lên cổ tay. Không đun sữa mẹ trực tiếp trên bếp hoặc trong lò vi sóng. Xoay/ lắc nhẹ bình/túi sữa mẹ để trộn chất béo bị tách ra trong quá trình cấp đông và hâm nóng.
Sau khi hâm nóng, nếu trẻ bú không hết, sữa mẹ còn thừa lại chỉ nên dử dụng trong vòng 2 giờ, sau đó nên được đổ bỏ.Vệ sinh an toàn các vật dụng cho trẻ sơ sinh và thiết bị hút sữa. Làm sạch, khử trùng và bảo quản thiết bị hút sữa, bình sữa trẻ em và các vật dụng cho bú khác để đảm bảo sữa mẹ không bị nhiễm khuẩn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
4 Loại Vaccine Đắt Tiền Sẽ Được Tiêm Miễn Phí Cho Trẻ I SKĐS