Theo chị Anh Thư - chuyên gia tổ chức tiệc và đào tạo đầu bếp tại Hà Nội, khi tổ chức tiệc vào dịp nghỉ Lễ, nên chọn ngày giữa kỳ, tức sau khi tổ chức tiệc, hôm sau bạn vẫn được nghỉ ngơi chứ không phải tất bật đi làm lại ngay. Như vậy, giúp bạn có thêm thời gian thư giãn sau một ngày vui nhưng cũng khá mệt mỏi, đồng thời khách mời cũng đỡ ngại khi ở lại muộn nếu tiệc tối.
Hãy lên thực đơn cho bữa tiệc từ trước, và ghi ra những thứ cần mua trước khi ra chợ hay siêu thị sắm đồ, để tránh mua những thứ không cần thiết hoặc thiếu gia vị này, nguyên liệu kia.
Khi lên kế hoạch món ăn, nên nghĩ ngay xem món nào là chính và thêm vài món phụ nhấm nháp. Chẳng hạn, nếu định nấu lẩu gà nấm là chính, có thể chuẩn bị thêm ít khoai tây chiên, bánh khoai môn hay bánh mì nướng, salad…
Khi lên kế hoạch món ăn, nên nghĩ ngay xem món nào là chính và thêm vài món phụ nhấm nháp.
Trước khi lên thực đơn, cần biết rõ khẩu vị ăn uống của các thành viên gia đình, khách mời. Chẳng hạn, nếu khách là một gia đình có con nhỏ, người ăn chay hay kiêng một món nào đó thì bạn càng cần lưu ý để họ không bị "bỏ đói" giữa rừng món ngon.
Ngoài ra, nếu gia đình bạn có trẻ nhỏ và khách của bạn cũng vậy, hãy dành thời gian chuẩn bị trước những trò chơi hay các hoạt động giúp bọn trẻ dễ dàng làm quen với nhau, thích thú tham gia (có sự góp mặt của người lớn càng tốt).
Khi tổ chức tiệc gia đình nên lựa các món đơn giản, dễ làm và sao cho các thành viên trong nhà đều có thể góp tay, tạo không khí vui nhộn, gắn bó. Cách này cũng giúp chị em – thường là người phụ trách chính khoản nấu nướng – đỡ vật vả, mệt mỏi.
Sườn nướng, thịt ba chỉ nướng, dạ dày nướng… là những món có thể nghĩ tới. "Nam giới hay nhậu khoái các món này. Trẻ nhỏ cũng dễ ăn. Món ăn không cần chuẩn bị cầu kỳ từ trước nhiều. Có thể chỉ cần ướp sơ qua rồi đặt bếp tại nơi tổ chức tiệc, dùng tới đâu nướng tới đó và nam giới thường có thể phụ trách tốt việc này", chị Anh Thư chia sẻ.
Sườn nướng, thịt ba chỉ nướng, dạ dày nướng… là những món có thể nghĩ tới.
Ngoài ra, các món lẩu hay bánh mì ăn kèm chả giò, salad, một nồi phở to… cũng có thể là lựa chọn hay.
Theo chuyên gia ẩm thực, nhiều người cho rằng tổ chức tiệc đông người trong gia đình cần phải cầu kỳ, nhiều món, mâm cao, cỗ đầy mới đúng nghi thức và đáp ứng nhu cầu của mọi người, nhưng thực tế, trong bữa ăn sum vầy dịp nghỉ lễ, điều quan trọng là không khí ấm áp, thân tình, vui vẻ. Vì vậy, không cần quá câu nệ nhiều món sơn hào hải vị, mà hãy làm sao để mọi người dễ quây quần, có nhiều thời gian chia sẻ, trò chuyện và cùng làm, cùng ăn.
Chuyên gia Anh Thư cũng cho biết: nếu có thể nên để trẻ nhỏ tham gia chuẩn bị bữa cơm gia đình vì đó là cơ hội để các bé tham gia góp sức, tìm thấy niềm vui từ các hoạt động chung và trân trọng ý nghĩa gia đình hơn.