Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh mãn tính, có yếu tố di truyền, do hậu quả tình trạng thiếu insulin tuyệt đối hay tương đối. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết cùng với các rối loạn chuyển hóa đường - đạm - mỡ và chất khoáng.
Bệnh đái tháo đường và chẩn đoán
Bệnh được các nhà y học phân loại bao gồm: ĐTĐ týp I là do tụy tạng hoàn toàn không tiết ra được insulin; týp II do insulin được tụy sản xuất ra chỉ một phần không đủ cho cơ thể chuyển hóa hết lượng đường cơ thể ăn vào hoặc cơ thể đề kháng với insulin; ĐTĐ thai kỳ là tình trạng bệnh xảy ra trong giai đoạn mang thai; ĐTĐ thứ phát là tình trạng bệnh xảy ra sau một bệnh nào đó như: sau phẫu thuật cắt bỏ tụy, viêm tụy mạn…
Các yếu tố nguy cơ của bệnh ĐTĐ thường xảy ra ở người có tiền căn gia đình như: cha-mẹ anh chị em ruột bị ĐTĐ; người rối loạn chuyển hóa mỡ trong máu, đặc biệt người có tăng triglyceride; người thừa cân hay béo phì; người có tuổi trên 40.
Có 3 cách để giúp người bệnh phát hiện ĐTĐ. Cách thứ nhất là xét nghiệm đường huyết (glycemie) lúc đói khi đã nhịn ăn trên 8 giờ. Bình thường đường máu trung bình là từ 60 - 110mg/dl (3,6 - 6,4 mmol/l), nếu đường máu lúc đói trên 126mg/dl được kiểm tra 2 lần thì bị bệnh ĐTĐ. Cách thứ 2 là xét nghiệm đường máu bất kỳ thời điểm nào trong ngày, nếu đường máu trên 200mg/dl kèm theo các triệu chứng như ăn nhiều nhưng vẫn sụt cân, khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, thì chẩn đoán bệnh ĐTĐ. Cách thứ 3 bằng cách xét nghiệm đường huyết 2 giờ sau khi uống 75g đường glucose, nếu đường huyết trên 200mg/dl thì chẩn đoán bệnh ĐTĐ.
BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG
Mới xem tiếp bài 2: Cách sinh hoạt ngăn chặn tiểu đường ra ngày 22/7/2015