Người dễ mắc bệnh: Tuổi cao, béo phì, làm những nghề phải đứng nhiều, ngồi nhiều, phụ nữ có thai nhiều lần, tăng cân nhiều trong thai kỳ; hoặc người có bố, mẹ anh chị em bị suy tĩnh mạch. Ngoài ra, lối sống góp phần làm tăng nguy cơ bị suy tĩnh mạch hoặc làm nặng thêm bệnh như: lười vận động, thích ngồi một chỗ, làm những nghề nghiệp đòi hỏi đứng hoặc ngồi nhiều như công nhân dây chuyền, giáo viên, nhân viên văn phòng…
Cảm giác kiến bò, chuột rút ở chân: Đây là những biểu hiện chủ quan dễ cảm nhận được như cảm giác tê bì, tức nặng, kiến bò ở chân. Nặng hơn một chút là cảm giác chuột rút thường về đêm, phù chân 2 bên không rõ lý do.
Biến đổi sắc tố, loét chân: Đây là những biểu hiện nặng của suy tĩnh mạch mạn tính. Bệnh nhân thường bị biến đổi sắc tố vùng cổ bàn chân, loét chân. Các triệu chứng này nặng lên vào cuối ngày, hoặc khi tiếp xúc với nhiệt độ cao.
Biểu hiện thực thể bác sĩ có thể chỉ ra cho bệnh nhân: Khi được thăm khám, các bác sĩ sẽ chỉ ra những đám giãn tĩnh mạch nông dưới da, dạng lưới, mạng nhện, hoặc búi giãn như con giun vùng cẳng, đùi. Nặng hơn là đám chàm hóa, viêm da, loét da vùng cổ bàn chân. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh dựa vào các biểu hiện trên cùng với siêu âm hệ tĩnh mạch để tìm dấu hiệu suy van tĩnh mạch nông.
Nếu không được điều trị ở giai đoạn sớm, khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng với các biến chứng với rối loạn sắc tố trên da, viêm da, loét da… Người bệnh sẽ bị giảm rõ rệt khả năng lao động, điều trị loét khó khăn và tốn kém. Ngoài ra, do hiện tượng ứ máu ở các búi giãn tĩnh mạch có thể hình thành cục máu đông, đi từ tĩnh mạch nông vào tĩnh mạch sâu gây viêm tắc tĩnh mạch. Cục máu đông có thể đi về tim, lên phổi gây tắc động mạch phổi và tử vong.
Tuy là bệnh mạn tính nhưng suy tĩnh mạch có thể điều trị khỏi triệt để bằng nhiều phương pháp khác nhau và có thể dự phòng tái phát. Do vậy ngay khi có những biểu hiện ban đầu nghi ngờ suy tĩnh mạch mạn tính, người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.