Mỗi loại hoa có những đặc tính sinh trưởng khác nhau. Nắm vững và hiểu rõ điều này, người trồng hoa có thể căn chỉnh, điều khiển để hoa nở đúng thời điểm mong muốn. Cách trồng và chăm sóc hoa cúc nở đẹp đúng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là thông tin được nhiều người quan tâm.
Hoa cúc là một trong những loài hoa rất được yêu thích trong dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam. Hoa cúc được yêu thích bởi dễ trồng, màu sắc rực rỡ, tươi lâu và nhiều ý nghĩa mang tính phong thủy. Theo đó, hoa cúc được cho là mang biểu tượng của sự sống, tăng thêm phúc lộc và sự hoan hỉ đến nhà. Đặt những chậu hoa cúc nhỏ hay cắm hoa cúc có thể giúp ổn định phúc khí trong nhà. Ngoài ra, hoa cúc còn biểu trưng cho sự trường tồn, sự hiếu thảo, lòng cao thượng...
Hoa cúc dễ trồng, dễ sống, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của nhiều khu vực nước ta. Có thể trồng hoa cúc quanh năm suốt tháng nhưng mùa chính của hoa cúc vẫn là dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy, để hoa cúc nở đúng mùa Tết thì người trồng cần nắm được kĩ thuật và có kinh nghiệm.
Cách xác định thời điểm gieo trồng để hoa cúc nở đúng dịp Tết Nguyên đán 2024
Theo nhiều nhà vườn, thời gian từ lúc gieo đến lúc nở hoa của hoa cúc là khoảng 60-65 ngày. Lấy mốc thời gian Tết Nguyên đán trừ ngược lại sẽ tính được thời điểm thích hợp để bắt đầu gieo hạt hoa cúc.
Theo đó, với việc mùng 1 Tết Nguyên đán Giáp Thìn là ngày 10/2/2024 Dương lịch thì thời điểm bắt đầu gieo hạt hoa cúc sẽ rơi vào khoảng cuối tháng 11 - đầu tháng 12/2023.
Cùng với đó, cần chú ý đến dự báo thời tiết. Nếu thời tiết lạnh nhiều thì gieo hạt sớm hơn 4-5 ngày, thời tiết lạnh ít thì gieo hạt sớm hơn 2-3 ngày.
Cách chăm sóc hoa cúc nở đúng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
Tưới nước, tỉa cành: Khi trồng hoa cúc, điều quan trọng là phải cung cấp đủ nước cho sự phát triển của cây, nhiều nước quá thì cây sẽ bị úng và thối rễ dẫn đến chết, thiếu nước thì cây sẽ bị còi cọc chết héo, chỉ có cung cấp lượng nước đủ cây mới phát triển khỏe mạnh, nở hoa đẹp.
Để bảo đảm cho hoa cúc phát triển tốt và nở rộ, người trồng phải thường xuyên kiểm tra và cắt bỏ các mầm phát sinh trên nách lá, chỉ chỉ giữ lại 3 đến 4 mầm nhánh để tập trung dưỡng chất nuôi hoa.
Một lưu ý quan trọng là trong quá trình trồng và chăm sóc hoa cúc, người trồng không nên đào xới đất để diệt cỏ, chỉ nên nhổ cỏ bằng tay để tránh việc làm đứt rễ của cây, gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây.
Tiết chế nhiệt lượng và ánh sáng: Hoa cúc là loài rất nhạy cảm với ánh sáng và nhiệt độ. Nhiệt độ cao, ánh sáng nhiều cũng có thể kích thích cho hoa ra sớm, đặc biệt là giai đoạn có nụ. Với trường hợp này, người trồng có thể sử dụng lưới che nắng để giảm đi sự tiếp xúc của cây với ánh nắng, giúp cho hoa có thể nở đúng dịp mong muốn. Ngược lại, với những mùa thiếu ánh sáng, phải thắp đèn sợi đốt để điều chỉnh thời gian nở hoa của cúc.
Bón phân: Để cây hoa cúc lớn khỏe mạnh và đẹp thì cần phải cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây. Bón phân gồm 2 đợt là bón lót trước khi gieo hạt và bón thúc trong giai đoạn cây đang phát triển. Cách bón là pha loãng phân với nước và tưới sát gốc, tránh tưới trên lá vì sẽ làm cây có tình trạng vàng lá.
Phòng trừ sâu bệnh: Người trồng cần đặc biệt chú ý thường xuyên kiểm tra quá trình sinh trưởng và phát triển của hoa cúc để phòng tránh bệnh, bảo đảm cây phát triển tốt, hoa nở rộ và đẹp.
Kỹ thuật xử lý để cúc ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán 2024
Nếu hoa có khả năng nở sớm hơn dự định, cần hãm tốc độ nở hoa bằng cách tưới thêm phân urê theo tỷ lệ 10gram/10 lít nước để tưới, tưới ngày 2 lần (sáng, chiều) để kéo dài thời gian sinh trưởng của cây, công việc này thực hiện lúc cây 50 ngày tuổi.
Nếu thấy hoa có khả năng nở muộn hơn dự định thì có thể xử lý bằng cách ngưng tưới nước 1-2 ngày để cây có triệu chứng thiếu nước nặng, khi lá vừa héo rũ thì tưới nước lại vừa đủ ướt đất. Những ngày tiếp theo thì tưới nước đậm pha với bánh dầu (6 lít nước bánh dầu với 400 lít nước) để cây chuyển sang sinh trưởng sinh thực. Có thể sử dụng Nitrat Kali (KNO3) theo nồng độ khuyến cáo để kích thích ra hoa sớm.