Bệnh có thể xuất hiện ở một vùng da hoặc lan rộng ra nhiều khu vực trên cơ thể. Phân loại mề đay như sau:
- Mề đay cấp tính: có thể tự khỏi trong vòng 6 tuần.
- Mề đay mãn tính: Sau hơn 6 tuần, mề đay có thể biến mất hoặc kéo dài thành mãn tính.
- Mề đay dạng viêm mạch: là một biến thể ít gặp đặc trưng bởi tình trạng viêm các mạch máu dưới da. Những tổn thương do loại mề đay này gây ra thường kéo dài hơn 24 giờ, đi kèm với cảm giác đau và có thể để lại vết thâm tím trên da.
Nguyên nhân gây mề đay
Mề đay là một tình trạng có thể xảy ra ở bất kỳ ai, đặc biệt ở người có tiền sử dị ứng. Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên kết chặt chẽ giữa mề đay cấp tính với các bệnh: hen suyễn, viêm mũi dị ứng và viêm da dị ứng, đặc biệt ở trẻ em. Điều này có nghĩa là những người đã từng mắc các bệnh trên có nguy cơ bị mề đay cao hơn.
Khi tiếp xúc với một tác nhân bên ngoài, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ được kích hoạt, dẫn đến việc giải phóng một lượng lớn histamine và các chất dẫn truyền hóa học khác trực tiếp lên bề mặt da. Sự giải phóng này gây ra hiện tượng giãn nở các mạch máu tại khu vực bị ảnh hưởng, khiến da trở nên đỏ hoặc hồng. Đồng thời, các mạch máu bị rò rỉ, làm cho các chất dẫn truyền hóa học thấm sâu vào các mô, từ đó gây ra tình trạng sưng tấy và ngứa ngáy đặc trưng của bệnh mề đay.

Khi nổi mề đay, người bệnh cần gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân gây bệnh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc histamine được giải phóng: Tiếp xúc với các chất gây dị ứng: Thực phẩm, nọc độc của côn trùng; Tiếp xúc với nhiệt độ cao hoặc thấp; Nhiễm trùng thông thường, điển hình như cảm lạnh; Sử dụng một số loại thuốc…
Mặc dù vậy, rất nhiều người bị nổi mề đay không thể xác định được nguyên nhân cụ thể. Một số trường hợp mề đay kéo dài có thể là do hệ miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào các tế bào khỏe mạnh, dẫn đến việc giải phóng histamin và các chất hóa học khác.
Bệnh mề đay có chữa khỏi được không?
Tuỳ vào cơ địa, thể trạng và nguyên nhân gây bệnh bác sĩ sẽ chỉ định tư vấn cách chữa hiệu quả. Nếu người bệnh có sức đề kháng tốt, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, tập thể dục, tìm ra nguyên nhân gây dị ứng để cách ly kịp thời… bệnh nhân sẽ tự khỏi sau vài ngày mà không cần uống thuốc.
Tuy nhiên, người bệnh không nên chủ quan khi nổi mề đay vì bệnh rất dễ gây nhầm với những bệnh ngoài da khác. Nếu điều trị sai cách hoặc để lâu bệnh sẽ dẫn đến bệnh nặng hơn, khó phục hồi. Vì thế cần bác sĩ khám để đưa ra lời khuyên thích hợp cho mỗi người.
Cách trị nổi mề đay tại nhà
Nổi mề đay là phản ứng lành tính của da, chủ yếu gây ngứa, da nổi sần. Do đó, trước hết người bệnh cần phòng ngừa bằng cách:
- Tránh tiếp xúc với các yếu tố gây nổi mề đay: côn trùng cắn, stress, ánh nắng mặt trời, một số thành phần dị ứng trong thuốc điều trị (kháng sinh, aspirin, ibuprofen), khói bụi, lông động vật, phấn hoa, thực phẩm mà người bệnh dị ứng…
- Luôn giữ cơ thể mát mẻ: người dễ nổi mề đay cần mặc quần áo rộng rãi, thoáng, chất liệu cotton hút ẩm tốt, không dùng vải khô cứng dễ tổn thương.
- Hạn chế sử dụng sản phẩm gây kích ứng da: mỹ phẩm, hóa chất, nước hoa, sản phẩm chăm sóc da…
Mề đay nhẹ có thể tự chữa trị tại nhà:
- Dùng dung dịch chống ngứa làm dịu da: người bị nổi mề đay thường gãi nhiều dễ dẫn đến tổn thương da, do đó cần vệ sinh bằng các dung dịch giảm ngứa như bột yến mạch, baking soda, tắm nước mát,…
- Cách ly hoàn toàn với yếu tố gây bệnh.
- Dùng thuốc: với những thuốc không kê đơn, người bệnh có thể mua nhưng cần nhờ bác sĩ tư vấn như: thuốc kháng histamin, calamine (thuốc bôi ngoài da), cetirizine, loratadine, fexofenadine, benadryl.
- Bổ sung vitamin và các dưỡng chất: Bổ sung bằng thực phẩm giàu dinh dưỡng, rau, trái cây tươi, uống nhiều nước… giúp tăng sức đề kháng cho da, hạn chế nổi sẩn mề đay.