Phạm Văn Thống (Bắc Ninh)
Để hạn chế mùi hôi ở chân, vấn đề vệ sinh là rất quan trọng, nhưng cần đúng cách. Trước hết, bạn cần lựa chọn tất được làm từ vật liệu thấm hút mồ hồi có khả năng giảm mùi khó chịu cho bàn chân. Mỗi ngày nên thay tất nhiều lần, tất thay ra cần được giặt sạch và phơi dưới ánh nắng. Đối với giày, cần được thay đổi mỗi ngày (ít nhất bạn nên có 2 đôi giày để thay đổi) mỗi khi thay cũng nên phơi cho giày khô, chọn giày có lỗ thoáng khí, không đi giày làm bằng nhựa, cao su, giả da... Miếng lót giày cũng cần được thay hằng ngày.
Trước khi đi tất, giày, bạn có thể sử dụng sản phẩm xịt khử mùi có chứa nhôm clorua hexahydrat. Chất này có thể giúp giảm quá trình tiết mồ hôi ở chân, giảm mùi hôi và tránh tình trạng ẩm ướt khó chịu. Ngoài ra thành phần này còn có chức năng kháng khuẩn, giúp làm giảm nguy cơ nhiễm nấm và viêm da. Ngoài ra bạn cũng có thể dùng một số sản phẩm tinh dầu như: bạc hà, quế, trà xanh... để khử mùi hôi.
Nếu các biện pháp trên không giúp hạn chế được mùi hôi, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn, bởi tình trạng hôi chân của bạn quá nặng sẽ cần sử dụng đến biện pháp y khoa. Tùy từng tình trạng, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn cách chữa hôi chân bằng một trong những cách sau:
Chạy ion: Với phương pháp này, bác sĩ sẽ cho một dòng điện nhẹ chạy qua bàn chân để giảm tỷ lệ đổ mồ hôi chân, theo thời gian, mùi hôi chân sẽ được kiểm soát.
Tiêm botox: Phương pháp này được áp dụng cho những người có mùi hôi chân rất nặng. Bác sĩ sẽ dùng kim tiêm chuyên dụng để tiêm botulium hoặc botox vào bàn chân. Dù có tác dụng ức chế mùi hôi chân nhanh chóng nhưng những mũi tiêm này có thể gây đau. Phương pháp này sẽ hạn chế mùi hôi khoảng 3-4 tháng, sau đó mùi hôi trở lại và có thể bạn sẽ cần tiêm tiếp tục để điều trị.