Hà Nội

Cách trị chai chân tại nhà và cách phòng bệnh

03-10-2023 09:17 | Bệnh thường gặp

SKĐS- Chai chân là sự dày sừng khu trú ở lòng bàn chân, những vị trí tì đè, chịu lực trong thời gian dài. Trên thực tế không ít trường hợp nhập viện do tự xử trí không đúng dẫn tới làm lan rộng tổn thương hoặc tổn thương bị nhiễm trùng.

Những trường hợp nhập viện do tự xử trí không đúng như: dùng hương nhang để châm vào vị trí tổn thương, dùng bấm móng tay khoét sâu vào tổn thương… dẫn tới làm lan rộng tổn thương hoặc tổn thương bị nhiễm trùng, không những không giúp cải thiện triệu chứng mà còn làm nặng hơn tình trạng ban đầu.

Nguyên nhân gây chai chân

Chai chân là hiện tượng một khu vực ở bàn chân trở nên dày cứng khi phải chịu một áp lực tì đè cường độ thấp nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần. Chai chân chủ yếu gặp tại vị trí cạnh ngón chân, vùng rìa bàn chân hoặc mặt gan bàn chân.

Nguyên nhân xuất hiện chai chân:

- Cứng các khớp hoặc hạn chế vận động khớp làm gia tăng áp lực bàn chân, thường gặp ở bệnh nhân bị thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, goute mạn…

- Tiểu đường.

- Biến chứng thần kinh ngoại vi - một biến chứng rất thường gặp ở người bệnh tiểu đường làm teo lớp mỡ vùng mặt dưới gan bàn chân dẫn tới thay đổi cấu trúc giải phẫu bàn chân và gây ra biến dạng bàn chân. Ngón chân hình vuốt, hình búa là những biến dạng bàn chân thường gặp nhất. Những biến đổi này dẫn tới gia tăng áp lực tại gan bàn chân và hình thành các nốt chai chân.

- Sử dụng giày dép chật cũng là nguyên nhân dẫn tới chai chân. Giày dép chật tạo nên một áp lực nhỏ nhưng kéo dài liên tục vào vùng rìa bàn chân và làm cho các ngón chân bị ép chặt đè vào nhau. Thêm vào đó, sử dụng giày dép không phù hợp còn gây ra biến dạng bàn chân như tật ngón cái vẹo ngoài. Chai chân có thể xuất hiện nếu người bệnh không kịp thời thay đổi các loại giày dép phù hợp.

Chai chân chữa thế nào và cách phòng bệnh - Ảnh 2.

Vết chai cần được xử lý đúng cách.

Phân biệt chai chân và mắt cá chân

Rất nhiều người nhầm lẫn giữa mắt cá chân và chai chân. Trên thực tế mắt cá và chai chân biểu hiện lâm sàng hơi khác nhau và thường xuất hiện ở các vị trí khác nhau.

Mắt cá thường có kích thước nhỏ hơn, giới hạn rõ và có nhân ở giữa. Phần nhân này thường là một nút sừng vùi trong lớp bì, và là tác nhân gây đau.

Mắt cá cứng phổ biến hơn, điển hình xuất hiện ở phần lưng bên của ngón chân út hoặc mặt lưng của khớp liên đốt của các ngón còn lại. Mắt cá mềm là tổn thương dạng xốp, rất đau, nằm vùng kẽ ngón, thường ngón 4 và 5. Sự phá vỡ hàng rào thượng bì của thương tổn này sẽ dẫn đến tình trạng bội nhiễm nấm hoặc vi trùng, cùng với sự hình thành sâu bên dưới. Thương tổn có dạng "nụ hôn" khi có 2 thương tổn ở vị trí đối diện nhau trong cùng một kẽ ngón.

Vết chai thường có kích thước lớn hơn, giới hạn không rõ. Không có nhân ở giữa, và da dày lên khá đồng đều. nó có thể đau hoặc không đau tùy thuộc vị trí và độ nặng của thương tổn. vị trí thường gặp là ở các vùng chịu lực như vùng gót chân hoặc phần mô mềm phía trước của bàn chân. Vết chai cũng có thể gặp ở vùng đặt của nhạc cụ hoặc tại nơi ma sát lặp đi lặp lại của vận động viên khi luyện tập.

Tại sao chai chân cần được phát hiện và điều trị sớm?

Do chai chân là phản ứng bảo vệ của cơ thể chống lại những áp lực tì đè lên bàn chân. Chai chân là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ bàn chân có thể bị loét. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời chai chân sẽ có tác dụng phòng loét bàn chân cho người bệnh.

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra chai chân sẽ có biện pháp điều trị cụ thể.

- Nếu chai chân do sử dụng giày dép chật, việc điều trị chỉ đơn giản là thay đổi kích cỡ và chọn loại giày dép phù hợp. Những tổn thương chai chân do biến dạng bàn chân, điều trị các biến dạng bàn chân như điều trị tật ngón cái vẹo ngoài, ngón chân hình vuốt, hình búa có tác dụng phòng ngừa chai.

- Ở những bệnh nhân bị cứng khớp, hạn chế vận động khớp, lựa chọn các loại giày đi bộ, sử dụng lót giày mềm làm giảm áp lực tì đè cũng làm giảm nguy cơ xuất hiện chai chân.

- Đối với các tổn thương chai dày cứng gây đau và gây khó khăn khi vận động, chai chân cần được gọt bỏ. Kỹ thuật gọt chai chân là kỹ thuật tiểu phẫu rất đơn giản, rẻ tiền, thường không gây đau và ít gây chảy máu. Thời gian thực hiện kỹ thuật khoảng 10 - 30 phút. Người bệnh thường được điều trị ngoại trú và không cần phải nhập viện.

photo-1696233544940

Lời khuyên thầy thuốc

Việc đánh giá thương tổn chai chân cần dựa vào bệnh sử và thăm khám lâm sàng. Ngoài việc khai thác tiền sử về nghề nghiệp, hoạt động thể thao hoặc các thói quen liên quan tới tình trạng tăng áp lực quá mức lên vị trí liên quan.

Một số tiền sử bệnh lý như đái tháo đường hay viêm đa khớp dạng thấp cũng đánh giá thêm và điều trị. Cần hoàn tất về một đánh giá đầy đủ về đặc điểm giải phẫu tại vị trí tổn thương, có thể cần chẩn đoán hình ảnh đối với các bất thường về xương bên dưới.

Điều trị chai chân bao gồm việc loại bỏ thương tổn và giảm thiểu áp lực lên vị trí thương tổn. Đối với bệnh nhân đái tháo đường, việc nhận thức và chăm sóc tốt mắt cá và chai chân sẽ giúp phòng ngừa loét trong tương lai… Chính vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Không tự ý sử dụng thuốc, không gọt hay chữa bệnh theo biện pháp truyền miệng dễ gây biến chứng.

Bài thuốc đông y chữa chai chânBài thuốc đông y chữa chai chân

SKĐS - Chai chân hay còn gọi là mắt cá chân, là tình trạng tăng sinh dày lớp thượng bì nhất là lớp sừng, thường gặp ở các điểm tì ép nhiều trong lòng bàn chân như gót chân, các điểm đối diện với ngón chân 3 và 5, có khi ở lưng ngón chân. Tổn thương nổi thành từng đám dày sừng, màu vàng xẫm, ở giữa có ‘‘nhân’’, ấn vào đau chói. Bệnh không nguy hiểm nhưng gây nhiều phiền toái vì ảnh hưởng đến việc đi lại do đau đớn, đặc biệt là mắt cá ở gót chân.

TS. BS Lê Văn Tùng
Ý kiến của bạn