Hà Nội

Cách trị bong gân ở trẻ

23-09-2017 13:43 | Đời sống
google news

SKĐS - Bong gân rất thường gặp ở mọi lứa tuổi. Đối với trẻ em khi bị bong gân cha mẹ cần đưa trẻ đến khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa để có hướng xử trí phù hợp với tình trạng của từng trẻ.

Bong gân là những tổn thương làm căng dãn, đứt một phần hoặc hoàn toàn dây chằng - là cấu trúc kết nối xương với xương, có vai trò làm vững khớp - dẫn đến tình trạng mất vững khớp nhưng chưa gây trật khớp.

Bong gân có 3 mức độ khác nhau: mức độ 1 dây chằng chỉ bị căng giãn nhẹ mà không đứt; mức độ 2 dây chằng bị đứt một phần và mức độ 3 dây chằng bị đứt hoàn toàn.

Bong gân có thể gặp ở tất cả các khớp nhưng ở trẻ em thường gặp nhất ở khớp cổ chân.

Triệu chứng bong gân ở trẻ em

Đau tại chỗ; sưng nề tại vùng chi thể bị tổn thương; khó khăn khi vận động hoặc sử dụng phần chi thể bị tổn thương; Nóng đỏ, tụ máu dưới da vùng chi thể bị tổn thương.

Các triệu chứng của bong gân thường không điển hình và rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng khác, đặc biệt là gãy bong sụn tiếp và gãy xương thể cành tươi ở trẻ. Vì vậy bố mẹ nên đưa con mình đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn đầy đủ khi trẻ bị bong gân.

Triệu chứng cận lâm sàng gồm: Chụp Xquang để loại trừ các tổn thương gãy xương, đặc biệt là gãy bong sụn khớp và gãy xương cành tươi ở trẻ em. Chụp cắt lớp vi tính cho đánh giá chính xác tổn thương xương và các cấu trúc có liên quan trên các bình diện khác nhau. Chụp cộng hưởng từ trong những trường hợp bong gân nặng nhằm xác định mức độ tổn thương của dây chằng, bao khớp.

Điều trị

Điều trị cụ thể từng trường hợp bong gân được xác định bởi các bác sĩ, dựa vào các yếu tố sau: tuổi, tình trạng sức khỏe chung và tiền sử bệnh; độ nặng của tổn thương; sự phối hợp của trẻ nhỏ đối với điều trị; kết quả kỳ vọng sau điều trị; kinh nghiệm của bác sĩ.

Điều trị ban đầu cho các trường hợp bong gân cần được tiến hành theo trình tự: để chi thể bị bong gân được nghỉ ngơi - chườm lạnh - băng ép- nâng cao chi thể.

Các điều trị khác có thể bao gồm:

Thuốc: thuốc giảm đau chống viêm có thể dùng cho trẻ nhỏ như paracetamol, ibuprofen, aspirin…

Hạn chế vận động: tùy vào vùng chi thể bị tổn thương và mức độ tổn thương mà bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh hạn chế các vận động thể lực ở các mức độ khác nhau trong thời gian ngắn dài khác nhau.

Bất động bằng bó bột hoặc nẹp trợ đỡ: được sử dụng đối với những trường hợp bong gân nặng hoặc những trường hợp bong gân nhẹ nhưng trẻ hiếu động nhằm giúp bất động tạm thời vùng chi thể bị tổn thương ở tư thế nghỉ ngơi.

Di chuyển bằng nạng hoặc xe lăn: được chỉ định cho những trường hợp bong gân nặng ở chi dưới.

Tập phục hồi chức năng nhằm lấy lại biên độ vận động của khớp, tăng sức mạnh của gân cơ, dây chằng và bao khớp. Tập phục hồi chức năng được thực hiện khi bệnh nhân hết đau cấp tính.

Phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp đứt hoàn toàn dây chằng gây lỏng khớp, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của trẻ hoặc ở những trẻ có nhu cầu vận động thể lực cao.

BS. Đỗ Văn Minh


Ý kiến của bạn