Hà Nội

Cách trị bệnh da hay gặp mùa hanh khô

10-12-2019 07:03 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Vào mùa hanh khô, độ ẩm không khí thấp, gió nhiều nên các vi khuẩn gây bệnh sinh sôi và phát tán rất nhanh. Chính vì vậy, số lượng người mắc bệnh khô da cao hơn các mùa khác. Nhiều người do không hiểu nguyên nhân và có cách điều trị không đúng khiến bệnh càng thêm trầm trọng.

Những bệnh ngoài da thường gặp

Khi thời tiết chuyển mùa, hanh khô, khiến cơ thể ít tiết mồ hôi là điều kiện thuận lợi cho các bệnh về da như: viêm da, ngứa, bệnh da dị ứng, chàm, vảy nến... tấn công, phát triển. Đáng chú ý như bệnh viêm da ứ trệ thường xuất hiện ở vùng cổ chân, phần thấp của cẳng chân, ngứa, thô ráp, nhăn nheo, đỏ sần, có mụn nước hoặc mụn mủ. Nếu chà xát hoặc gãi mạnh sẽ làm vùng da này tổn thương, nhiễm khuẩn, lở loét khó liền.

Da bình thường (trái), nấm da (phải).

Da bình thường (trái), nấm da (phải).

Mùa này nhiều người còn dễ bị viêm da liên cầu. Bệnh thường biểu hiện bằng các đám da đỏ, mụn nước rải rác toàn thân, trên đầu nhiều vảy, ngứa. Người bệnh luôn cảm thấy lạnh do mất nhiệt qua da. Những trường hợp này bắt buộc phải tới cơ sở y tế để được khám và chỉ định dùng thuốc bôi tại chỗ kết hợp điều trị kháng sinh, kháng viêm.

Mặt khác, vào mùa hanh khô, chứng bệnh viêm da cơ địa thường tiến triển mạn tính, có thể khỏi một thời gian, sau đó lại tái phát. Vùng da dễ bị khô dày và tổn thương do gãi nhiều thường là nách, kẽ vú, bẹn, khuỷu tay, khoeo chân. Việc điều trị không dễ bởi các tổn thương bị nhiễm khuẩn, dùng thuốc hay có tác dụng phụ.

Một chứng bệnh nữa hay bị tái phát vào mùa hanh khô là bệnh vảy nến với các đám mảng đỏ kích thước khác nhau. Tuy nhiên, vảy nến lành tính, điều trị đơn giản bằng cách “làm sạch” tổn thương nhanh chóng và kéo dài thời gian tái phát.

Ngoài ra, nhiều người còn có thể bị chàm không tiết bã nhờn khiến da người bệnh căng lên, khô, nhiều đường nứt ngang dọc, có vảy trắng mỏng, bong ở rìa, ngứa rát khó chịu. Khi có những triệu chứng trên, người bệnh không nên tắm nước quá nóng, không kỳ, gãi mạnh. Cần đi khám chuyên khoa da liễu để được dùng thuốc kháng sinh, thuốc bôi làm mềm da, giữ ẩm cho da, đồng thời uống nhiều nước trong ngày.

Khi có biểu hiện mắc bệnh về da cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Khi có biểu hiện mắc bệnh về da cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Cách chăm sóc da mùa hanh

Việc chăm sóc da mùa hanh rất quan trọng, trong đó chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp cho làn da chống lại được sự hanh khô, ngoài lượng calo hợp lý còn phải đảm bảo đủ vitamin cho cơ thể. Nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin và nước được khuyến cáo nên dùng.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý là mỗi ngày ăn một ít thịt nạc, tránh ăn những thực phẩm có quá nhiều axit béo. Bổ sung những thực phẩm có nhiều vitamin A trong khẩu phần ăn hàng ngày như: cà rốt, gan bò, trứng, dầu cá... Ăn nhiều thức ăn có hàm lượng sắt phong phú, giúp bổ sung lượng máu cho da.

Muốn da không bị khô cần phải cấp đủ nước cho làn da bằng việc thường xuyên uống nước, cho dù không khát. Lượng nước tối thiểu phải uống trong một ngày là 2 lít/ngày. Để có thể đảm bảo được lượng nước cho cơ thể cũng như làn da vào mùa khô cần uống thật nhiều nước lọc và nước ép hoa quả tươi để thanh lọc thận và cung cấp đầy đủ các loại vitamin cho da, nhất là vitamin C. Lượng nước cần và đủ cho cơ thể là 1,5-2 lít nước/ngày.

Ngoài ra, nên ăn nhiều rau xanh, bổ sung đầy đủ lượng vitamin C như: cam, chanh, quýt, dưa hấu, cà chua... Vitamin C có mối quan hệ cực kỳ quan trọng với việc làm lành vết nứt của da nối, liền các mạch máu nhỏ.

Bên cạnh đó cần tránh các thực phẩm có tính chất cay nóng như cà phê, ớt, tiêu, đồ chiên rán, nướng... và các axit béo.

Hằng ngày, bạn đều cần phải tắm nhưng không nên tắm quá lâu, thông thường chỉ cần 5 - 10 phút mỗi lần tắm là đủ. Nếu tắm lâu, da bạn sẽ trở nên mất nước, khô da.

Nên tắm bằng nước ấm chứ không nên tắm nước nóng vì nước nóng làm mất lớp dầu tự nhiên của da, làm da khô, nứt. Nên dùng xà phòng trung tính vì xà phòng có tính kiềm nhiều sẽ làm da mất lớp lipid bảo vệ da, làm da mất nước và khô.

Khi tắm, nên đóng cửa phòng tắm để giữ không khí trong phòng đủ độ ẩm. Tắm xong nên lau người bằng khăn vải mềm, sau đó bôi các loại kem giữ ẩm trong vòng 3 phút sau khi tắm. Không nên để da khô quá lâu mới bôi kem giữ ẩm da.

Với làn da khô, nên thường xuyên sử dụng kem giữ ẩm. Nếu da vẫn còn khô hoặc có cảm giác ngứa, rát, khó chịu, bạn có thể tăng lần bôi kem trong ngày. Thường xuyên dùng kem giữ ẩm cũng giúp da không bị bong tróc, không bị nứt nẻ.

Nên chọn kem giữ ẩm phù hợp với da của mình, nên chú ý các thành phần của kem.

Để phòng các bệnh trong mùa hanh khô, mọi người chú ý mặc quần áo thoải mái, không nóng quá, không lạnh quá, ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi. Nếu có điều kiện, tùy theo nhu cầu sinh lý của cơ thể, tốt nhất mỗi ngày nên ăn hoa quả tươi hoặc rau xanh thường xuyên. Khi ra ngoài đường nên đeo khẩu trang, mang kính, mũ để hạn chế bụi, gió khiến các bệnh ngoài da sẽ tái phát và nặng hơn.


BS. Lê Thu Huyền
Ý kiến của bạn