Viêm xoang tái phát mùa mưa bão – Chuyên gia cảnh báo nguyên nhân

09-08-2023 15:07 | Y học 360

SKĐS - Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bệnh viêm xoang bao gồm: chảy dịch nhầy xuống cổ họng; chảy dịch mũi màu vàng, xanh lá cây, hay nghẹt mũi; căng tức vùng mặt nhất là quanh mũi, mắt và trán.

Phó trưởng Phòng khám Đa Khoa Bệnh viện ĐH Y HN, cơ sở Cầu giấy -Ths. BS Đỗ Thu Trang chuyên khoa Tai - Mũi - Họng cho biết: Vào mùa mưa với những cơn mưa bất chợt, kèm theo những cơn giông, mưa rải rác, nắng - mưa bất chợt gây chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau đầu và cũng là nguyên nhân chính khiến viêm xoang tái phát.

Viêm xoang do nấm: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trịViêm xoang do nấm: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị

SKĐS - Viêm xoang do nấm là tình trạng viêm niêm mạc xoang hàm do tác nhân là nấm. Trong hai thập kỷ gần đây trên thế giới ghi nhận bệnh viêm xoang do nấm tăng lên. Viêm xoang do nấm chiếm khoảng 10% trong tổng số các dạng xoang.

Nguyên nhân khiến viêm xoang tái phát

Những ngày này, dự báo thời tiết miền Bắc cục bộ mưa rất to ở vùng núi và trung du, Nam bộ và Tây Nguyên ngày nắng, mưa rào vài nơi…Khi thời tiết thay đổi thất thường, cơ thể con người luôn tự điều chỉnh để thích nghi, nhưng khi cơ thể không thích ứng kịp hoặc người sức đề kháng yếu thì điều tiết chậm, gây nên bệnh về đường hô hấp, trong đó có viêm mũi xoang.

Những người bị viêm xoang thường có các triệu chứng tăng thêm và cảm thấy khó chịu vào mùa mưa. Ảnh minh họa

Những người bị viêm xoang thường có các triệu chứng tăng thêm và cảm thấy khó chịu vào mùa mưa. Ảnh minh họa

Ngoài ra, khi mưa nhiều, độ ẩm môi trường luôn ở mức cao, người có cơ địa nhạy cảm, niêm mạc đường hô hấp dễ bị kích ứng bởi sự thay đổi này. Độ ẩm cao cũng là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus, nấm mốc phát triển gây bệnh. Áp suất khí quyển đặt thêm áp lực lên cơ thể, áp lực này được cảm nhận rõ ở những cơ thể nhạy cảm. Đau đầu do khí áp có thể kéo dài vài giờ, thậm chí vài ngày. Do đó, những người bị viêm xoang thường có các triệu chứng tăng thêm và cảm thấy khó chịu vào mùa mưa.

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bệnh viêm xoang bao gồm: chảy dịch nhầy xuống cổ họng; chảy dịch mũi màu vàng, xanh lá cây, hay nghẹt mũi; căng tức vùng mặt nhất là quanh mũi, mắt và trán. Đau đầu và hoặc đau răng hoặc tai, hơi thở hôi, ho; mệt mỏi và sốt.

Khi bệnh nhân bị tái phát viêm xoang hoặc bệnh trở nặng hơn vào mùa mưa cần đến bác sĩ thăm khám và chữa trị kịp thời. Ảnh minh họa

Khi bệnh nhân bị tái phát viêm xoang hoặc bệnh trở nặng hơn vào mùa mưa cần đến bác sĩ thăm khám và chữa trị kịp thời. Ảnh minh họa

Phòng tránh viêm xoang tái phát mùa mưa lũ

Mặc dù không thường xuyên xảy ra nhưng viêm xoang không được điều trị có thể gây viêm màng não hoặc nhiễm trùng não, mắt hoặc xương gần đó. Do đó, khi bệnh nhân bị tái phát viêm xoang hoặc bệnh trở nặng hơn vào mùa mưa cần đến bác sĩ thăm khám và chữa trị kịp thời.

Để viêm mũi xoang không làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của bạn, hãy chủ động phòng tránh bệnh bằng các biện pháp:

  • Tránh bị dính nước mưa, cảm lạnh. Luôn mang theo ô, áo mưa vào mùa mưa.
  • Vệ sinh mũi họng hằng ngày.
  • Rửa tay thường xuyên.
  • Chế độ dinh dưỡng đảm bảo đủ chất.
  • Rèn luyện thân thể thường xuyên.
  • Thường xuyên vệ sinh điều hòa và điều chỉnh ở chế độ vừa phải, không chênh lệch quá nhiều với nhiệt độ ngoài trời.
  • Hạn chế dùng các chất gây mùi trong nhà như nước giặt, xả mùi mạnh, nước xịt phòng…vì đó có thể là nguyên nhân kích thích đường thở, ảnh hưởng tới mũi, xoang.
  • Hạn chế hút thuốc.
  • Khi có các dấu hiệu bất thường như chảy mũi, ngạt mũi kéo dài hoặc các biểu hiện như đau đầu, sưng mắt, lồi mắt, nhìn mờ... phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa.

Rửa mũi đúng cách

  • Đứng trước bồn rửa. Hơi cúi người về phía trước. Nghiêng đầu sang trái, đưa bình rửa mũi vào lỗ mũi bên phải, dùng tay bóp với lực vừa phải để dung dịch đủ mạnh chảy vào mũi phải và ra ở mũi trái.
  • Thở bằng miệng trong lúc đang rửa mũi. Sau đó đổi bên, đưa dung dịch vào từ mũi trái để nước chảy ra mũi phải. Dùng hết dung dịch có trong bình. Sau đó nhẹ nhàng xì mũi để tống hết dung dịch và chất nhầy trong mũi ra bên ngoài. Lưu ý không xì quá mạnh khiến dung dịch vào tai gây viêm tai.
  • Pha dung dịch nước rửa mũi dùng cho 1 lần. Một chai nước muối sẵn chỉ dùng cho 1 lần duy nhất.
  • Dụng cụ rửa mũi phải được tiệt trùng, bảo quản cẩn thận.
  • Thao tác nhẹ nhàng để không làm tổn thương thành mũi và niêm mạc mũi.
  • Chỉ rửa mũi ngày 1 - 3 lần, không nên rửa quá nhiều và không áp dụng hình thức rửa mũi cho trẻ nhỏ.
  • Nước mũi khi rửa mà xuống họng thì cần khạc nhổ ra, không được nuốt vào trong dễ làm nhiễm khuẩn đường ruột.

Xem thêm video được quan tâm

Cẩn trọng với 5 bệnh mùa đông - xuân ai cũng có thể mắc phải


Ths. Bs Đỗ Thu Trang
Bv ĐHYHN
Ý kiến của bạn