Cách tránh ngộ độc hải sản

10-06-2014 00:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tôi và gia đình chuẩn bị đi nghỉ hè ở Sầm Sơn 5 ngày. Gần đây thấy nhiều vụ ngộ độc thức ăn xảy ra nên tôi rất lo lắng.

Tôi và gia đình chuẩn bị đi nghỉ hè ở Sầm Sơn 5 ngày. Gần đây thấy nhiều vụ ngộ độc thức ăn xảy ra nên tôi rất lo lắng. Xin quý báo tư vấn cho tôi cách phòng tránh ngộ độc thức ăn, nhất là đồ hải sản khi đi du lịch biển.

Lò Thị Vân (Yên Bái)

Dịp hè, nhiều gia đình lựa chọn đi du lịch nghỉ ngơi ở biển và thưởng thức hải sản. Tuy nhiên, nhiều người “mất vui” khi không may ăn hải sản bị dị ứng. Vậy, ăn hải sản thế nào cho an toàn? Cần thận trọng khi ăn các loại hải sản lạ, ít khi được ăn. Chỉ ăn loại hải sản được biết chắc chắn không có chất độc, đó là chúng ta nên ăn những loại hải sản mà mình vẫn thường ăn. Mặc dù, khám phá ăn món mới lạ là sở thích của nhiều người, nhưng vì lý do an toàn, bạn nên cân nhắc khi ăn thử. Bởi lẽ, các loại hải sản lạ này ít biết là có thể gây ngộ độc, hoặc không ai biết có gây ngộ độc hay không. Chỉ nên ăn thức ăn được chế biến từ hải sản tươi sống và được nấu chín.

Hải sản nói chung là các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, rất giàu chất đạm (protein), khi bị chết hoặc bảo quản ở nhiệt độ thông thường sẽ nhanh chóng bị các vi khuẩn xâm nhập và phát triển nên dễ gây bệnh. Vì vậy, không nên ăn các thức ăn hải sản đã chế biến từ lâu. Có nhiều loại hải sản với nhiều loại nguyên nhân gây độc khác nhau nên biểu hiện ngộ độc hải sản cũng rất đa dạng: từ đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt đến các biểu hiện thần kinh như tê môi lưỡi, co giật, liệt, mờ mắt, lẫn lộn, hôn mê; hay tim mạch như loạn nhịp tim, tụt huyết áp; hay hô hấp như khó thở, thậm chí tử vong. Các ngộ độc sẽ nguy hiểm nếu bạn có các biểu hiện thần kinh, tim mạch, hô hấp hoặc khi các biểu hiện ngộ độc kéo dài không đỡ. Khi có biểu hiện ngộ độc, cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí và thải độc kịp thời.

BS. Phương Anh


Ý kiến của bạn