Cách trả lời 'siêu ngầu' những câu hỏi kém duyên ngày Tết

12-02-2024 16:50 | Đời sống
google news

SKĐS - Tết có những nỗi sợ đặc biệt, đó là lo bị người khác hỏi những câu “kém duyên”. Nhiều bạn trẻ đã có cách để đáp trả lại những câu hỏi này.

Chị Mai Loan (Yên Bái) vừa mới qua sinh nhật tuổi 29, mỗi năm về quê ăn Tết chị đều rất ngại đi chúc Tết cùng bố mẹ, vì đi đâu cũng bị mọi người hỏi: "Có người yêu chưa?" hoặc "sắp lấy chồng chưa?". Chị Loan bị hỏi nhiều đến mức phát chán, không muốn trả lời.

"Ở quê mình con gái 29 tuổi mà chưa chồng con gì là coi như ế nặng, nên đi đâu cũng bị hỏi. Mình rất nhạy cảm với những câu hỏi kiểu như vậy, cảm giác như họ đang soi mói mình, chứ không phải hỏi vì quan tâm.

Tôi cũng có công việc đàng hoàng, vẻ ngoài ưa nhìn, chưa yêu vì mình chưa tìm được người phù hợp. Mình tính 35 tuổi mà chưa tìm được người ưng ý thì sẽ làm mẹ đơn thân bằng cách đến ngân hàng tinh trùng…Vì bị hỏi quá nhiều nên Tết năm nay mình không đi chúc Tết", chị Mai Loan cho hay.

C:\Users\User\Desktop\cau-hoi-kem-duyen.jpg

Những câu hỏi "kém duyên" khiến nhiều người không muốn đi chơi Tết. Ảnh: Internet.

Chị Minh Hương (Hà Nội) cũng trong tình cảnh tương tự. Chị Hương cho biết, mỗi lần tụ tập ăn uống vào dịp Tết chị đều bị họ hàng "tra tấn" bằng những câu hỏi vô duyên. Không chỉ là: "sắp lấy chồng chưa?", "không đưa người yêu về à?", "sao mà mày kén chọn thế?"… mà chị còn phải nghe những lời chê bai khác như: "già rồi, không lo mà tìm chồng đi" hay "mày chỉ giỏi kén chọn"… khiến chị thực sự cảm thấy khó chịu.

"Mình chưa hề già. Mình thấy mình vẫn còn trẻ nên muốn được khám phá văn hóa của nhiều vùng đất. Còn việc "có người yêu hay chưa" thì nếu cảm thấy đủ thân thiết và thoải mái thì mới chia sẻ chứ không phải ai hỏi cũng có thể trả lời. Nhưng nhiều người không hiểu được điều đó. Nhiều khi bị hỏi mình cũng đành cười rồi "lảng" sang chuyện khác, nhưng cũng có lúc tâm trạng không vui là mình "bật" lại ngay", chị Hương chia sẻ.

Cũng như nhiều cặp đôi khác, sau khi kết hôn chị Tươi và chồng (quê Hải Dương) cũng mong muốn sớm sinh được con. Thế nhưng, đã 4 năm sau khi kết hôn anh chị vẫn chưa nhận được tin vui dù cả hai đều đã đi thăm khám nhiều nơi.

Chị Tươi chia sẻ, chị từng mang thai sau 1 năm kết hôn nhưng không may lại bị chửa ngoài tử cung nên phải nhập viện cấp cứu. Từ đó đến nay, dù đã "vái tứ phương" nhưng vợ chồng anh chị vẫn chưa có kết quả, đi khám thì sức khỏe sinh sản hai vợ chồng đều không có vấn đề gì.

Chưa có con khiến tình cảm vợ chồng anh chị cũng không còn được như xưa, nhất là vào những ngày lễ Tết về gặp gia đình nhà chồng, chuyện anh chị chưa có con lại bị mang ra làm tâm điểm. Không hiểu sao câu hỏi "có gì chưa?" cứ "truyền" từ người này sang người khác trong suốt mấy ngày Tết?

"Mọi người bên nhà chồng đều nghĩ là do mình có vấn đề nên mới không thể có con, nên những câu nói của họ khiến mình đau lòng, 2 vợ chồng vì thế mà xích mích. Nhiều người còn "ác khẩu" nói mình "không biết đẻ"…", chị Tươi tỏ ra chán nản.

Còn chị Trang (Hà Nội), tuy mới sinh bé đầu được 2 năm nhưng đã luôn bị gia đình nhà chồng giục đẻ tiếp. Cứ "hở" ra là lại nhắc chuyện đẻ khiến chị cảm thấy vô cùng áp lực.

"Vợ chồng mình kinh tế không phải là dư giả, trong khi vẫn chưa mua được nhà Hà Nội, nhưng lúc nào cũng bị giục đẻ. Vì chồng mình là con trưởng, bé đầu nhà mình lại là con gái nên bố mẹ chồng lúc nào cũng mong có cháu trai để "nối dõi tông đường".

Đồng ý là sẽ đẻ tiếp nhưng phải tính toán xem lúc nào mới có thể đẻ vì kinh tế còn chưa ổn định, nhà cửa chưa có, đẻ con ra có phải cứ vứt đấy xong nó tự lớn được đâu mà cứ suốt ngày hỏi "bao giờ định đẻ tiếp?" Kể ra nhà lầu, xe hơi, tiền tiêu không phải nghĩ thì cứ cho mình ở nhà rồi muốn mình đẻ bao nhiêu cũng được", chị Trang nói.

Không chỉ vậy, ngoài những câu hỏi vô duyên kể trên thì nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ còn bị "tra tấn" bằng những câu hỏi vô duyên khác như: "sao mà béo thế?", "lương được bao nhiêu?", "thưởng Tết được thế nào?", "vẫn ở trọ à?", "mua được nhà chưa?", "giúp được bố mẹ gì chưa?"... khiến họ không khỏi khó chịu.

Trả lời những câu hỏi kém duyên thế nào cho "ngầu"?

Nhiều bạn trẻ cho rằng, vào ngày Tết khi gặp những câu hỏi kém duyên, thay vì khó chịu thì nên thông cảm và thoải mái với người hỏi. Nên cho rằng mọi người là đang quan tâm tới mình, còn nếu thực sự không thể vui vẻ thì hãy "bơ" đi.

Một số bạn trẻ khác lại "hiến kế", khi bị hỏi những câu hỏi kém duyên, có thể tham khảo các cách trả lời kiểu "chung chung" như sau:

Sao béo thế? - Chắc được nuôi tốt; Béo cho nó ấm; Béo nó mới vui; Béo cho đúng mốt;...

Lương thưởng thế nào? - Cũng bình thường như mọi người; Cũng đủ ăn; Cũng tàm tạm;...

Sắp lấy chồng chưa? - Sắp rồi ạ; Chắc sắp ạ; Vài năm nữa ạ;...

Có gì chưa? - Của trời cho biết lúc nào hay lúc ấy; Có nhiều chứ;...

Bao giờ đẻ tiếp? - Sắp rồi ạ; Cho tiền đi thì đẻ ạ; Chuẩn bị đẻ liền mấy đứa luôn đây;...

Mua được nhà chưa? - Cháu/em thích ở trọ; Để tiền làm việc khác;...

Mời bạn đọc xem tiếp video: Xe khách chở gần 40 người về quê ăn Tết lao xuống vực sâu khiến nhiều người bị thương

Xe khách chở gần 40 người về quê ăn Tết lao xuống vực sâu khiến nhiều người bị thương.


Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn