Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án sai phạm đấu thầu xảy ra ở Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức liên quan.
Trong vụ án này, CQĐT đề nghị truy tố 30 bị can về các tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan.
Trong đó, bị cáo Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về đầu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị can Vũ Hải Tùng, cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý xây dựng đường bộ (Cục Đường bộ Việt Nam), bị can Dương Văn Thái (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang) bị đề nghị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Bị can Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An.
Theo kết quả điều tra, CQĐT kết luận bị can Nguyễn Duy Hưng và bị can Nguyễn Quang Huy (cựu Giám đốc Ban QLDA 4, Cục Đường bộ Việt Nam) thông đồng, móc ngoặc, thỏa thuận chi tiền "cơ chế". Đồng thời, Nguyễn Quang Huy trao đổi, thống nhất với bị can Vũ Hải Tùng ủng hộ để Tập đoàn Thuận An được trúng thầu thi công gói thầu XD01, XD02, Dự án Quốc lộ 14E.
Từ đó, nhóm bị can ở Tập đoàn Thuận An như Nguyễn Ngọc Hòa (Phó Chủ tịch HĐQT), Trần Anh Quang (Tổng giám đốc), Nguyễn Khắc Mẫn (Phó Tổng giám đốc) và nhóm bị can là lãnh đạo các Phòng của Ban QLDA 4 như Võ Tá Thanh (cựu Trưởng phòng Dự án 3); Vương Đình Kiều (Trưởng phòng Kinh tế-Kế hoạch, Chi cục Quản lý xây dựng đường bộ) thực hiện nhiều hành vi sai phạm.
Cụ thể, các bị can đã thông đồng, phối hợp Dự án; tiết lộ, cung cấp thông tin, phối hợp tham gia nghiên cứu thiết kế, lập dự toán và viết hồ sơ mời thầu. Từ đó, điều chỉnh, mở rộng tiêu chí trong hồ sơ mời thầu từ "cấp phối đá dăm" thành "đá dăm", bỏ hạng mục "tường chắn có cốt" trước thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu XD01.
Chi cục Quản lý xây dựng đường bộ thẩm định, tham mưu lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam ký Quyết định phê duyệt điều chỉnh dự toán; Ban QLDA 4 thực hiện nhanh thủ tục đấu thầu Gói thầu XD01 và XD002, tạo điều kiện để Tập đoàn Thuận An và liên danh đủ điều kiện năng lực đấu thầu, trúng thầu Gói thầu XD01, XD02 Dự án Quốc lộ 14E.
Tại Gói thầu số 26 Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, bị can Trần Viết Cương, cựu Giám đốc Ban quản lý dự án Tuyên Quang (BQLDA) đã chỉ đạo cấp dưới tiết lộ dự toán chi tiết Gói thầu số 26 cho nhóm Thuận An. Doanh nghiệp này cùng Công ty Hiệp Phú và Licogi 14 lập liên danh, tham gia đấu thầu.
Quá trình thầu, các bị can dùng "quân xanh, quân đỏ" thông thầu nên liên danh của Thuận An – Hiệp Phú – Licogi 14 trúng thầu giá hơn 90 tỷ đồng vào tháng 8/2021.
Sau khi liên danh của Thuận An trúng thầu, Nguyễn Duy Hưng thống nhất, đồng ý giao cho ông Nguyễn Văn Huy quản lý, điều hành 3 đội thi công, nhà thầu phụ thực hiện thi công toàn bộ phần khối lượng công việc của Tập đoàn Thuận An nhưng phải cắt lại 14% tiền "cơ chế", gồm 5% chi phí quản lý thu trên hợp đồng, và 9% Hưng thu ngoài.
Từ thỏa thuận này, Nguyễn Duy Hưng thu 4 tỷ đồng tiền ngoài hợp đồng. Ngoài ra, để có tiền chi cho chủ đầu tư, Nguyễn Duy Hưng gửi giá, thu tổng số hơn 5,8 tỷ đồng tiền chênh lệch giá vật liệu đầu vào của nhà cung cấp vật liệu, thi công nổ mìn.
CQĐT xác định Chủ tịch Tập đoàn Thuận An có vai trò chủ mưu, cầm đầu trong hành vi vi phạm đấu thầu, gây thiệt hại tài sản Nhà nước số tiền 120 tỷ đồng tại 5 dự án gồm Dự án Cầu Đồng Việt, Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, Dự án cầu Vĩnh Tuy 2, Dự án Đường ven sông Hạ Long - Đông Triều, Dự án Quốc lộ 14E.
Quá trình điều tra vụ án, các bị can, đối tượng liên quan tự nguyện nộp khắc phục hơn 102 tỷ đồng và 90.000 USD.
CQĐT phong tỏa 7 sổ tiết kiệm trị giá hơn 32 tỷ đồng do gia đình bị can Nguyễn Duy Hưng tự nguyện giao nộp để khắc phục hậu quả vụ án. Tổng số tiền đã thu hồi, phong tỏa là hơn 134 tỷ đồng và 90.000 USD, đã khắc phục toàn bộ thiệt hại của vụ án là 120 tỷ đồng.
Xem thêm video được quan tâm:
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và những ai liên quan đến vụ án Tập đoàn Thuận An? | SKĐS