Cách thực hiện xông hơi đúng cho người mắc bệnh nền

SKĐS - Hiện nay, xông hơi (khô và ướt) có mặt ở hầu hết các spa làm đẹp. Tuy nhiên, cần tuân thủ các bước cũng như các lưu ý cần thiết, đặc biệt là người có bệnh nền khi xông hơi, để mang lại lợi ích cho sức khỏe...

Xông hơi là biện pháp sử dụng nhiệt để chăm sóc sức khỏe và làm đẹp được nhiều người biết đến. Thực tế hiện nay không ít người có điều kiện, có thể đi spa, thực hiện xông hơi 1-2 lần/tuần, tuy nhiên những người mắc bệnh nền như tăng huyết áp hoặc cơ thể suy nhược... cần lưu ý để xông hơi an toàn.

1. Xông hơi có lợi gì với sức khỏe?

Có hai hình thức xông hơi thường được áp dụng trong các spa, bao gồm xông hơi khôxông hơi ướt.

Xông hơi khô là phương pháp xông bằng nhiệt khô ở trong phòng kín. Nhiệt khô được lấy từ sỏi, thậm chí từ các loại đá quý như ruby, saphia, thạch anh... được hun nóng để làm tăng nhiệt độ trong phòng lên khoảng 60 độ C.

Xông hơi ướt làm nóng phòng xông bằng hơi nước. Nhiệt độ phòng xông thường ở mức trên 40 độ C.

Cả xông hơi khô và xông hơi ướt đều gây tác động nhiệt lên cơ thể làm tăng bài tiết mồ hôi, đào thải độc tố, làm sạch các chất bã nhờn, tăng cường lưu lượng tuần hoàn nuôi dưỡng da khiến cho da khỏe và mịn màng hơn. Ngoài ra, xông hơi khô còn giúp thư giãn tinh thần, giảm đau nhức và mệt mỏi cũng như làm tiêu hao năng lượng, phân hủy một lượng mỡ nhất định, qua đó đạt được mục đích giảm cân với các trường hợp muốn giảm cân.

photo-1689556191444

Xông hơi khô hay ướt đều có cơ chế giống nhau là giúp cơ thể tăng bài tiết mồ hôi, đào thải độc tố.

2. Trường hợp nào không nên xông hơi, vì sao?

Mặc dù xông hơi có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện. Các trường hợp cần tránh xông hơi bao gồm:

- Người vừa uống rượu bia: Xông hơi khô có thể làm cho mạch máu giãn nở quá mức dẫn đến những biểu hiện mệt mỏi, choáng váng, chóng mặt, buồn nôn... nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến đột quỵ hoặc tử vong tại chỗ nếu không phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời.

- Người đang bị sốt: Xông hơi làm cho cơ thể mất nước, đặc biệt xông hơi khô gây mất nhiều nước hơn, nhất là mất các chất điện giải và chất khoáng khiến cơ thể càng mệt thêm.

- Người mắc bệnh tăng huyết áp mà huyết áp chưa được kiểm soát tốt: Người bệnh không nên xông hơi do mạch máu có thể bị giãn nở đột ngột gây ra những biến chứng nghiêm trọng.

- Người già yếu, cơ thể suy nhược, phụ nữ có thai và các trường hợp cấp cứu: Những trường hợp này không nên xông hơi khô.

photo-1689556193155

Người bệnh tăng huyết áp không nên thực hiện xông hơi.

3. Người mắc bệnh nền thực hiện xông hơi đúng cách để có lợi cho sức khỏe

Với người mắc bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim mạch... cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện xông hơi để có lợi cho sức khỏe.

Tuy nhiên, để đảm bảo quá trình xông hơi được thực hiện một cách an toàn và hiệu quả, người thực hiện xông hơi cần phải làm theo những bước sau:

+ Bước 1: Chuẩn bị trước khi vào phòng xông hơi

Nên tắm hoặc làm sạch cơ thể khi vào xông lần đầu để cơ thể có thể làm quen tốt hơn với sự thay đổi nhiệt độ trong phòng xông. Mặc quần áo mỏng hoặc quấn một tấm khăn mềm khi vào phòng xông hơi. Nên uống một cốc nước để bù lại lượng nước sẽ bị mất qua đường mồ hôi trong phòng xông.

+ Bước 2: Trong phòng xông hơi

Đối với xông hơi khô, có thể tăng độ ẩm phòng bằng cách đổ nước hoặc tinh dầu thơm lên các viên đá trên máy xông hơi khô.

Nếu xông hơi tinh dầu (hương liệu) hãy nhỏ vài giọt tinh dầu vào một miếng bông y tế nhỏ rồi đặt vào bên trong bộ phận mà tại đó hơi nước đi qua trước khi vào không gian bên trong phòng xông hơi, hơi nước sẽ được hòa trộn đều với mùi tinh dầu thơm đem lại cảm giác thư giãn, dễ chịu.

Đối với xông hơi ướt, bạn có thể mang theo khăn mỏng để trải ở chỗ ngồi hoặc nằm nhằm tránh da bị bỏng khi nhiệt độ trong phòng quá cao và cũng tránh được sự lây nhiễm vi khuẩn.

Trong khi xông hơi nên kết hợp với massage nhẹ để giúp tuần hoàn máu tốt hơn.

Lưu ý: Không nên cho quá nhiều tinh dầu vì rất dễ dẫn đến tình trạng khó thở do thiếu oxy.

+ Bước 3: Sau khi ra khỏi phòng xông hơi

Lau khô người bằng khăn khô, thay quần áo khô sạch.

Uống bù nước ấm sau khi xông, chú ý không uống nước lạnh vì gây mất cân bằng nhiệt trong cơ thể, tránh uống bia hoặc các nước có ga.

4. Một số lưu ý không thể bỏ qua

  • Trong quá trình xông, không để hơi nóng quá gần da gây bỏng và không được xông quá 20 phút/ lần.
  • Không nên tắm ngay sau khi xông vì khi ấy lỗ chân lông đang mở, nếu gặp lạnh sẽ dễ bị cảm lạnh.
  • Không được xông hơi khô liên tục các ngày trong tuần, tối thiểu 3 ngày mới nên xông một lần với điều kiện sau mỗi lần thực hành cơ thể cảm thấy khỏe mạnh và khoan khoái. Xông nhiều lần hoặc xông liên tục sẽ khiến cơ thể bị mất nước quá nhanh, gây nguy hiểm cho sức khỏe.
photo-1689556193658

Không nên thực hiện xông hơi quá lâu hay quá thường xuyên để tránh ảnh hưởng sức khỏe.

Khi thực hiện xông hơi không đúng cách như xông thời gian dài, nhiều lần trong tuần có thể gây nguy cơ cơ thể bị mất nước, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, khô da, ở nam giới có thể gây vô sinh…

Mời bạn xem tiếp video:

Vì sao dân văn phòng hay bị đau vai gáy? I SKĐS

ThS.BS. Phạm Đức Thắng
Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh
Ý kiến của bạn