Hà Nội

Cách thoát 'lưỡi hái tử thần' khi bị rắn cắn

23-11-2023 10:34 | Xã hội
google news

SKĐS - Việt Nam là nơi cư ngụ của nhiều loài rắn độc, tỉ lệ tử vong do bị rắn độc cắn ở mức cao trên thế giới. Việc nhận biết, phòng ngừa và ứng phó nhanh với tai nạn rắn độc cắn là việc làm cần thiết.

Cứu sống bé 10 tuổi nguy kịch sau khi đắp thuốc nam chữa rắn độc cắnCứu sống bé 10 tuổi nguy kịch sau khi đắp thuốc nam chữa rắn độc cắn

SKĐS - Bị rắn cạp nia cắn vào chân, cháu K. được gia đình đưa đến thầy thuốc gần nhà để chữa bằng thuốc nam dẫn đến nguy kịch phải nhập viện cấp cứu.

Việt Nam có nhiều loài rắn độc

Ngày 22/11, PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có bài giảng đại chúng "Rắn độc Việt Nam: Đa dạng loài, tầm quan trọng trong nghiên cứu và quản lý tai nạn rắn độc cắn ở Việt Nam". Tại Lớp học công chúng, các đại biểu tham dự được giao lưu, trao đổi và thảo luận với PGS.TS. Nguyễn Thiên Tạo các vấn đề liên quan đến sự đa dạng loài rắn độc; các tai nạn rắn độc cắn; việc xử lý sơ cứu ban đầu và điều trị khi bị rắn độc cắn; thông tin dịch tễ về rắn độc; thông tin về nghiên cứu phát triển sản xuất huyết thanh kháng nọc độc hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới;.…

Rắn độc cắn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là một trong 20 bệnh nhiệt đới bị lãng quên (Neglected Tropical Diseases, NTDs). Ước tính, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,7 triệu trường hợp bị rắn độc cắn, trong đó có khoảng 140.000 người tử vong. Tuy nhiên, các nghiên cứu về rắn độc và dịch tễ rắn độc cắn ở Việt Nam còn ít được quan tâm.

Cách thoát 'lưỡi hái tử thần' khi bị rắn cắn- Ảnh 2.

Việt Nam là nơi có nhiều loài rắn độc.

Theo PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nước ta là nơi cư ngụ của khoảng 60 loài rắn, trong đó có các loại rắn độc như hổ mang, cạp nong, cạp nia, rắn lục xanh… Mỗi năm, ở nước ta có khoảng 30.000 trường hợp bị rắn cắn với tỷ lệ tử vong do rắn độc cắn ở mức tương đối cao: 80 người/1 triệu dân. Nọc rắn độc gồm hơn 20 thành phần khác nhau, chủ yếu là protein chứa các men và độc tố polypeptide; tùy loại rắn mà thành phần chất độc cũng khác nhau.

Các loại rắn độc ở nước ta chia làm 2 nhóm chính: Rắn hổ và rắn lục. Rắn hổ cắn có thể gây hoại tử tổ chức tại chỗ, suy đa phủ tạng toàn thân, liệt cơ có thể gây tử vong cho nạn nhân từ vài phút đến vài giờ; rắn lục cắn gây rối loạn đông máu, chảy máu không cầm, nạn nhân có thể tử vong nếu không có thuốc điều trị đặc hiệu.

Để nhận biết vết cắn có phải do rắn độc không, người ta thường dựa vào vết răng. Rắn có răng độc thì chắc chắn là rắn độc. Răng độc có hai loại: một là, răng móc câu, trên răng có một rãnh dẫn nọc độc. Hai là, răng ống, gồm một đôi răng dài hơi cong, đầu nhọn rất nhỏ, giống như đầu của kim thêu hoa, bên trong răng là rỗng cũng giống như chiếc ống, cho nên gọi là răng ống. 

Phần gốc của răng ống thông với ống dẫn của tuyến độc, nó giống như răng rãnh, khi cắn người, cơ ở phía ngoài tuyến độc co lại, ép dịch độc ở bên trong vào đường ống của răng độc, rồi chích vào trong cơ thể người, dịch độc theo máu toả ra khắp cơ thể người sẽ làm cho người bị trúng độc. Vì vậy, khi bị rắn cắn, có thể căn cứ vào vết răng để phân biệt bị loại rắn độc cắn hay là rắn không độc cắn. Nếu là rắn độc thì nhất định có một vết răng hoặc hai vết răng của răng độc, còn nếu là rắn không độc cắn thì chỉ có hai hàng răng nhỏ li ti.

Phản ứng nhanh khi rắn độc cắn

Theo PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo, hiện nay số người nghiên cứu về rắn độc ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết nạn nhân bị rắn cắn là người nghèo; trong khi, để xác định chính xác độc tố, phải làm rất nhiều xét nghiệm và điện não đồ, vừa tốn kém vừa mất thời gian. Chi phí mua huyết thanh kháng độc cũng 20-30 triệu đồng, mà nếu truyền không đúng huyết thanh loài rắn cắn, vẫn có thể tử vong.

Những năm gần đây, số bệnh nhân bị rắn cắn vẫn gia tăng, nhiều người tử vong do không được sơ cấp cứu đúng cách. Trước tình hình này, nhóm các nhà khoa học thuộc Quỹ Thành Đông Tươi Sáng đã triển khai dự án "Phản ứng nhanh hỗ trợ giảm thiểu rủi ro do tai nạn rắn độc cắn ở Việt Nam và khu vực", nhằm hỗ trợ các nạn nhân bị rắn độc cắn trên toàn quốc và những khu vực lân cận. Dự án do PGS. TS. Nguyễn Thiên Tạo phụ trách chuyên môn cùng sự tham gia của Ths. Dược sĩ Vũ Tinh Tế và BS. Nguyễn Thiên Lương.

Theo PGS. TS. Nguyễn Thiên Tạo, dự án "Phản ứng nhanh hỗ trợ giảm thiểu rủi ro do tai nạn rắn độc cắn ở Việt Nam và khu vực" sẽ hỗ trợ tư vấn nhận dạng, phân loại, xác định loài rắn độc và không độc từ xa (gửi ảnh, video…) và hỗ trợ xác định mẫu vật là rắn bằng phương pháp hình thái và xác định gen, sinh học phân tử trên toàn quốc và khu vực. Các chuyên gia cũng hỗ trợ tư vấn từ xa để chẩn đoán, xử trí, sơ cấp cứu, vận chuyển an toàn nạn nhân bị rắn cắn trên toàn quốc. Dự án còn hỗ trợ vận chuyển nạn nhân bị rắn cắn bằng xe cứu thương và nhân viên y tế được đào tạo chuyên nghiệp. Số điện thoại hotline hỗ trợ 24/24h nạn nhân bị rắn cắn: 0789.215.115.

Khi nạn nhân bị rắn cắn, tại hiện trường, đưa bệnh nhân ra khỏi khu vực bị rắn tấn công, chuẩn bị phương tiện nhanh chóng vận chuyển, quấn kín chi bị cắn, cố định nó ở ngang mức tim, và tháo bỏ các vật dụng gây bó, thắt như nhẫn và đồng hồ: không cắt, rạch vào vết thương hay thực hiện garo. Theo dõi bệnh nhân có các vết cắn của rắn lục thường xuyên trong ít nhất 08 giờ, lâu hơn nếu phát hiện thấy có nhiễm nọc độc rắn. Điều trị vết thương và triệu chứng, và hội chẩn với trung tâm chống độc. Dùng thuốc kháng nọc độc sớm với liều hợp lý, trẻ em được dùng liều đủ như người lớn.

Theo PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo, hiện nay việc nghiên cứu về các loài rắn làm cơ sở khoa học quan trọng cho công tác nghiên cứu phát triển sản xuất huyết thanh kháng nọc là rất cần thiết. Là nước đầu tiên trên thế giới chế tạo ra huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu, tính đến nay, Việt Nam đã điều chế thành công các loại huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất, lục tre, hổ chúa và chàm quạp. Tuy nhiên, một số loại huyết thanh kháng nọc rắn khác vẫn phải nhập khẩu.

PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo đã và đang xây dựng được cơ sở dữ liệu ban đầu về dịch tễ rắn độc và xác định được các loài rắn độc thường gặp để có cơ sở khoa học quan trọng cho công tác nghiên cứu phát triển sản xuất huyết thanh kháng nọc độc của một số loài rắn thường gặp.

Bản tin y tế 19/10: Bé trai 7 tuổi liệt toàn thân vì bắt rắn độc chơiBản tin y tế 19/10: Bé trai 7 tuổi liệt toàn thân vì bắt rắn độc chơi

SKĐS - Bản tin Y tế ngày 19/10 với các thông tin y tế nổi bật trong ngày được thực hiện bởi Báo Sức khoẻ & Đời sống - Cơ quan Ngôn luận của Bộ Y tế.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Dự báo thời tiết hôm nay mới nhất ngày 23/11: Bắc Bộ chuyển mưa, rét sâu; Trung Bộ giông tố quay lại / SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn