Điểm chung của những vụ cháy này đều xảy ra vào lúc rạng sáng và những căn nhà này đều là nhà hộp, nhà ống, không có lối thoát hiểm. Khi xảy ra hỏa hoạn, đa phần nạn nhân đều đang ngủ, phản ứng không kịp trước tình huống bất ngờ, dẫn đến tử vong do bị ngạt khói và khí độc. Đây là những bài học rất đau lòng, đòi hỏi mỗi chúng ta phải rút kinh nghiệm để làm tốt hơn công tác phòng ngừa cháy nổ.
Những loại nhà ống, nhà hộp vốn chỉ có một cửa phía trước (tầng trệt) để ra - vào. Vào buổi tối khi đi ngủ, các hộ gia đình thường để đồ đạc, vật dụng, xe máy ở tầng trệt rồi khóa trái cửa từ bên trong. Để đề phòng trộm cắp, nhiều người còn gắn các loại khóa cửa chắc chắn, nên khi xảy ra hỏa hoạn, người bên ngoài không thể phá cửa để cứu nạn.
Tại các tỉnh, thành phía Nam đang bước vào giai đoạn nắng nóng cao độ, rất dễ xảy ra những vụ cháy, gây hậu quả lớn. Do thời tiết oi bức, nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt với các thiết bị làm mát công suất lớn, tiêu thụ điện cao như: điều hòa, quạt điều hòa, máy lạnh... tăng đột biến, nhiều hộ gia đình trang bị thêm các thiết bị làm mát mà quên tính toán tới sự an toàn của lưới điện trong gia đình, nên dễ dẫn đến hiện tượng quá tải chập mạch làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ cháy...
Theo nhận định của cảnh sát PCCC, tình hình cháy, nổ ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh luôn chiếm tỉ lệ cao về cả số vụ (trên 50%) và thiệt hại về người, tài sản (83%). Các vụ cháy nhỏ ở khu dân cư lại thường gây thiệt hại nhiều hơn về người.
Vụ cháy ở số 311 Tôn Đức Thắng, Hà Nội khiến 4 người trong nhà tử vong.
Nguyên nhân cơ bản gây cháy
Do sự cố hệ thống điện và thiết bị tiêu thụ điện.
Do sử dụng bình gas không đảm bảo an toàn để khí gas rò rỉ ra ngoài gây cháy, nổ.
Do bất cẩn trong quá trình sử dụng ngọn lửa, do thắp hương thờ cúng, do cất trữ các chất lỏng nguy hiểm dễ gây cháy, nổ như xăng, dầu, cồn với số lượng lớn trong nhà.
Cách phòng ngừa hỏa hoạn
Khi xây dựng, cải tạo nhà ở, phải quan tâm đến việc lắp đặt hệ thống dây điện đảm bảo đủ tiết diện dây dẫn tránh quá tải; phải lắp aptomat tổng của toàn bộ ngôi nhà; khi ra khỏi nhà phải ngắt aptomat tổng.
Tuyệt đối không sử dụng bình gas mini cũ đã nạp lại để đun nấu; đối với bình gas lớn sau khi đun nấu phải đóng van bình, trong thời gian khoảng 2 năm phải thay van, vòi bình gas để tránh rò rỉ khí gas.
Không nên cất trữ các chất lỏng dễ cháy như xăng, dầu, cồn với số lượng lớn trong nhà và không bố trí những chất lỏng dễ cháy gần các nguồn nhiệt, gần các thiết bị tiêu thụ điện, gần ổ cắm, bảng điện...
Hiện nay, các nhà dân thường làm kiên cố hoặc hàn các khung thép đề phòng kẻ trộm nhưng quên mở lối thoát hiểm, do đó, mỗi nhà phải bố trí ít nhất 2 lối thoát phía sau nhà, ở ban công hoặc bố trí lối đi lên sân thượng để có thể thoát nạn khi có cháy nổ. Không để các chất dễ cháy nổ gần lối thoát nạn...
Khi ngọn lửa đang bao trùm lối thoát nạn, các thành viên trong gia đình phải tập trung nhau lại, không chạy tán loạn, trong quá trình di chuyển phải hạ thấp độ cao, bò theo tường đến cửa thoát ra ngoài. Muốn băng qua lửa để thoát ra ngoài có thể sử dụng chăn mỏng nhúng nước trùm lên người, dùng khăn mặt nhúng nước để che mũi hạn chế ngửi khói khí độc, bằng mọi cách nhanh chóng thoát ra khỏi ngôi nhà bị cháy để tránh thương vong. Tuyệt đối không vào nhà vệ sinh đóng cửa lại, không chui dưới gầm giường, gầm bàn, nếu làm như vậy chỉ kéo dài sự sống thêm vài phút, khói và khí độc sẽ nhanh chóng xâm nhập và gây ngạt khói, dẫn đến tử vong. Sau khi đã thoát ra ngoài ngôi nhà bị cháy, huy động mọi lực lượng và phương tiện để chữa cháy.