Cách “thoát” cháy nắng khi đi du lịch

21-07-2015 08:00 | Y học 360

SKĐS - Theo một cuộc khảo sát lữ hành quốc gia gần đây gọi là Rx for Travel Health, khoảng 63% khách du lịch Mỹ báo cáo rằng họ đã đổ bệnh trong thời gian đi nghỉ mát.

Theo một cuộc khảo sát lữ hành quốc gia gần đây gọi là Rx for Travel Health, khoảng 63% khách du lịch Mỹ báo cáo rằng họ đã đổ bệnh trong thời gian đi nghỉ mát. Trong bài viết này, bạn đọc sẽ tìm hiểu những rủi ro sức khỏe phổ biến nhất khi bạn đi du lịch.

Hơn 60% người đi du lịch nghỉ mát có khả năng phát bệnh trong hành trình này.

Cháy nắng là một trong những hiện tượng phổ biến nhất của du khách, khoảng 65% người bị cháy nắng trong khi đi nghỉ mát. Các triệu chứng sớm của bệnh cháy nắng bao gồm da đỏ ửng, đau rát. Tùy theo mức độ nhẹ hay nghiêm trọng, cháy nắng có thể ảnh hưởng xấu tới kỳ nghỉ của bạn. Mặt khác, rủi ro sức khỏe do cháy nắng còn nguy hiểm hơn. Theo Quỹ ung thư da Skin Cancer Foundation (SCF), nếu một người bị 5 hay nhiều hơn vệt cháy nắng, họ sẽ có nguy cơ gấp 2 lần đối mặt với dạng ung thư da. Việc tiếp xúc ánh nắng mặt trời cũng là căn nguyên chính gây nên 2 dạng ung thư da phổ biến nhất: ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy, thêm nữa bệnh cũng làm đẩy nhanh quá trình lão hóa và xuất hiện các nếp nhăn. Chính tia cực tím (UV) từ mặt trời là các căn nguyên hủy hoại da. Chỉ cần 15 phút tiếp xúc với tia UV cũng có thể gây các bệnh về da. Một trong những cách tốt nhất để tránh các bệnh về da từ ánh nắng mặt trời chính là bảo vệ da.

Khi nhiệt độ tăng quá cao có thể gây ra đột quỵ.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyên nên mặc quần dài và áo sơ mi dài tay khi đi ra nắng. Nếu đi biển mà mặc những đồ này có thể gây cảm giác bức bối, nóng nực thì có thể đội mũ rộng vành để che tai, mặt và gáy, đồng thời đeo kính râm để bảo vệ mắt bạn chống hủy hoại của mặt trời. Với những khu vực da vẫn có thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì hãy thoa kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) ít nhất là 15. Khoảng 2 muỗng kem chống nắng thoa lên cơ thể khoảng 30 phút trước khi ra nắng và lập lại mỗi 2 giờ - bạn nên thoa kem kiểu này khi bơi lội ngoài trời. Thêm nữa, SCF cũng khuyên du khách nên trú trong bóng râm khi trời nóng nhất, thường giữa 10 giờ sáng và 4 giờ chiều tùy vào nơi bạn đang có mặt. Nếu bạn làm theo cách này thì sự hủy hoại da và cháy nắng sẽ giảm đáng kể.

Chuẩn bị y tế khi đi du lịch

Bạn nên tiêm chủng trước khi đi du lịch nước ngoài, nhất là đến những quốc gia đang phát triển, nơi điều kiện vệ sinh tồi tàn và rủi ro lây nhiễm cao; hãy đem theo thuốc xịt hoặc kem thoa da để phòng ngừa muỗi và côn trùng đốt khi bạn đi du lịch đến nơi xa. Một điều cần chuẩn bị trước là bạn hãy nên kiểm tra trước các dịch vụ y tế tại nơi đến, cũng như bạn nên chuẩn bị một hộp thuốc dự phòng để lỡ may có thể khắc phục khi bị đứt tay, chân, trầy da hoặc bong gân và bảo hiểm y tế du lịch nhằm giảm bớt đi gánh nặng tài chính khi phải nhập viện điều trị hoặc tới phòng khám khi đang ở nước ngoài.

Mời độc giả đón đọc phần 2:"Cách tránh đột quỵ khi du lịch tới vùng nóng nực" vào lúc 14h ngày 21/7/2015

(Theo Tin tức y học ngày nay, 1/7/2015)

NGUYỄN THANH HẢI

 

 

 


Ý kiến của bạn