Tôi hay phải đi công tác nước ngoài. Sau mỗi lần đi công tác như thế sức khỏe của tôi bị giảm sút rất nhiều vì sai nhịp sinh học. Có cách gì để thích nghi một cách nhanh nhất với môi trường sống mới không, thưa bác sĩ?
Trần Anh Sơn (Thái Bình)
Cơ thể chúng ta hoạt động theo một quy định nghiêm ngặt: Ban ngày làm việc, đêm nghỉ ngơi; nhiệt độ cơ thể vào buổi sáng thấp nhất, buổi chiều tối cao nhất; nhịp tim, nhịp thở ban ngày nhanh, ban đêm thấp; số lượng hồng cầu và bạch cầu trong máu buổi sáng thấp nhất, buổi tối tăng nhiều; nội tiết tố hằng ngày cũng có tăng giảm... Quy định này chính là nhịp sinh học. Sự hình thành quy luật sinh học này liên quan mật thiết với sự biến đổi của thời gian chiếu sáng của mặt trời, nhiệt độ, áp suất không khí, độ ẩm của môi trường trong thời gian lâu dài. Khi môi trường sống thay đổi sẽ xảy ra tình trạng “phản ứng chênh lệch giờ”. Phản ứng này làm cho việc ngủ - thức, nhiệt độ, huyết áp... bị đảo lộn, thậm chí đảo ngược, từ đó dẫn tới mệt mỏi, lơ mơ buồn ngủ vào ban ngày, ăn không ngon miệng, buổi tối lại hưng phấn khác thường, khó ngủ, sức chú ý và hiệu suất làm việc giảm thấp. Để thích nghi với môi trường mới một cách nhanh nhất, dễ dàng nhất, bạn nên thực hiện: Một tuần trước khi khởi hành hãy thay đổi tất cả thói quen sinh hoạt của mình cho phù hợp với múi giờ của vùng sắp đến. Điều chỉnh chế độ ăn theo nguyên tắc ăn giàu protein vào buổi sáng và giàu carbohydrate vào buổi chiều nhằm làm chậm đỉnh chu kì sinh học (chế độ ăn này được đảo ngược lại cho các chuyến bay về hướng Đông). Trên các chuyến bay dài, tuyệt đối không dùng các thức uống có cồn và caffein. Không nên ngủ trên các chuyến bay ban ngày vì điều này sẽ càng làm rối loạn nhịp sinh học. Uống nhiều nước, mặc quần áo thoáng mát để tránh mệt mỏi.
BS. Phương Hà