Hà Nội

Cách tập luyện phù hợp cho trẻ mắc u não

05-11-2024 08:20 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Các bài tập thể dục phù hợp có thể giúp tâm trạng của trẻ trở nên phấn chấn, vui vẻ, xoa dịu nỗi lo âu, căng thẳng trong quá trình điều trị bệnh u não ở trẻ em.

1. Tầm quan trọng của tập luyện trong điều trị và phục hồi bệnh u não ở trẻ em

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), u não là loại u chiếm tỉ lệ cao ở trẻ em. Các triệu chứng thần kinh thường gặp ở trẻ mắc u não là đầu to, thóp phồng, giãn khớp sọ; mắt bị phù gai thị, sụp mi, giãn đồng tử, đồng tử không cân xứng, lác mắt, mất thị lực. Nhiều trường hợp bị liệt dây thần kinh số 7, hoặc liệt nửa người, hoặc liệt hai chi dưới.

Trẻ mắc u não thường kêu đau đầu, buồn nôn, bước đi lúc nhanh lúc chậm, loạng choạng. Trẻ có thể nhìn không rõ, hình dạng vật khi nhìn bị méo mó. Tính tình trẻ trở nên trầm hoặc dữ dằn, hay cáu bẳn.

Khi mắc bệnh, trẻ sẽ trở nên chậm lớn hoặc không tăng cân nặng, chiều cao. Nếu trẻ đã đi học thì sa sút chất lượng học tập, nhiều bậc cha mẹ do không biết trẻ mắc bệnh lại cho rằng trẻ mải chơi nên mới dẫn đến kết quả học tập sút kém.

Cách tập luyện phù hợp cho trẻ mắc u não- Ảnh 1.

Tập thể dục phù hợp có thể giúp tâm trạng của trẻ tốt hơn, xoa dịu nỗi lo âu, căng thẳng trong quá trình điều trị bệnh u não ở trẻ em.

Cũng theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, điều trị u não thường áp dụng đa mô thức kết hợp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và di truyền học. Đây là bệnh nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ, do vậy cần được đưa trẻ đến khám phát hiện sớm để điều trị kịp thời.

Đối với những trường hợp còn sống sót khi mắc khối u não ở trẻ em, trẻ có thể gặp những di chứng như: Chậm trong nhận thức (vấn đề học tập và suy nghĩ), động kinh, bất thường về tăng trưởng, thiếu hụt hoóc môn, thị lực và thính giác và khả năng phát triển ung thư thứ hai, bao gồm cả khối u não thứ hai.

Trong một số trường hợp, các tác động ngắn hạn có thể cải thiện với sự trợ giúp của liệu pháp vật lý, nghề nghiệp hoặc ngôn ngữ và có thể tiếp tục cải thiện khi não hồi phục.

Trong những trường hợp khác, trẻ em có thể có các phản ứng phụ kéo dài, kể cả những khiếm khuyết trong học tập; các vấn đề y tế như tiểu đường, chậm phát triển, hoặc chậm dậy thì hoặc dậy thì sớm; khiếm khuyết về thể chất liên quan đến vận động, nói, hoặc nuốt và các vấn đề cảm xúc liên quan đến những căng thẳng của chẩn đoán và điều trị. Một số vấn đề này có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.

Vì vậy, trong quá trình điều trị u não, cha mẹ nên trao đổi với các bác sĩ về tình trạng của con cũng như cách chăm sóc dinh dưỡng và vận động cho trẻ tại nhà. Bên cạnh đó, nói chuyện với giáo viên về cách thức điều trị đã ảnh hưởng đến trẻ như thế nào và thảo luận về một kế hoạch thử nghiệm học tập, sửa đổi bài tập ở nhà cho phù hợp với thể trạng của trẻ.

Việc cho trẻ em tập thể dục nhẹ nhàng sau điều trị u não là một phương pháp rèn luyện thể chất và tinh thần cho trẻ. Các bài tập thể dục phù hợp có thể giúp tâm trạng của trẻ trở nên phấn chấn, vui vẻ, xoa dịu nỗi lo âu, căng thẳng trong quá trình điều trị bệnh u não ở trẻ em.

2. Các bài tập phù hợp với bệnh u não ở trẻ em

2.1 Bài tập chánh niệm

Theo các chuyên gia, trong quá trình điều trị bệnh u não, nếu trẻ có biểu hiện căng thẳng, hay cáu gắt hoặc quấy khóc, bố mẹ nên đề nghị trẻ thử áp dụng một số bài tập chánh niệm để thư giãn đầu óc.

Cách tập luyện phù hợp cho trẻ mắc u não- Ảnh 2.

Bài tập chánh niệm cho trẻ.

Các bài tập chánh niệm thường tập trung vào việc cảm nhận hơi thở và nhịp tim của cơ thể. Phải mất một khoảng thời gian nhất định để trẻ có thể làm quen với chánh niệm. Tuy nhiên thông qua cách tiếp cận này sẽ giúp trẻ cảm thấy thư giãn hơn, từ đó giúp đánh thức những suy nghĩ tích cực của trẻ, tránh lo lắng quá mức về bệnh tật.

2.2 Bài tập phát triển sự tập trung

Tập thăng bằng: Trẻ có thể tập đứng trên một chân trong khoảng thời gian nhất định, hoặc tập giữ thăng bằng trên tấm ván nhỏ. Bài tập này giúp tăng cường khả năng cân bằng và tập trung.

Trò chơi phản xạ nhanh: Các trò chơi như bắt bóng, bật nhảy để chạm vào vật thể nhất định giúp trẻ rèn luyện phản xạ và sự linh hoạt.

2.3 Các hoạt động kích thích não bộ

Trò chơi xếp hình, lắp ráp: Giúp trẻ rèn luyện khả năng tư duy logic và sáng tạo, đồng thời kích thích hoạt động của não.

Chơi các trò chơi trí tuệ: Cờ vua, cờ vây hoặc các trò chơi tương tự giúp phát triển tư duy và rèn luyện trí nhớ, sự kiên nhẫn.

Giải đố và tìm kiếm từ: Các bài tập như tìm từ trong bảng chữ cái, đố vui giúp trẻ rèn luyện khả năng quan sát và tư duy.

3. Gợi ý một số bài tập có ích sau điều trị u não ở trẻ em

Bài tập chạm khuỷu tay

Đây là bài tập cải thiện sự phối hợp giữa não phải và não trái, tăng khả năng tập trung, rèn luyện phản ứng cho trẻ.

Cách thực hiện:

Bước 1: Đứng thẳng với hai chân rộng bằng vai, ưỡn ngực, mắt nhìn thẳng.

Bước 2: Đưa tay phải lên trên đầu, duỗi thẳng.

Bước 3: Nâng chân trái lên khỏi sàn, vuông góc với mặt đất, đồng thời uốn cong khuỷu tay phải, cố gắng chạm vào đầu gối trái.

Bước 4: Trở lại vị trí bắt đầu. Làm tương tự với tay trái và chân phải. Thực hiện 8 lần với mỗi lần kéo dài 30 giây.

Động tác con cú giúp cải thiện lưu thông máu, sự chú ý và trí nhớ của trẻ

Cách tập luyện phù hợp cho trẻ mắc u não- Ảnh 3.

Động tác con cú.

Cách thực hiện: Yêu cầu trẻ đứng hoặc ngồi thoải mái. Đưa một tay lên vai đối diện. Dùng tay xoa nhẹ phần vai đồng thời ngả đầu về hướng bên vai đó giống như mô phỏng hình dáng con cú.

Hít một hơi thật sâu, sau đó xoay đầu sang bên đối diện. Trẻ đổi bên và lặp lại tương tự. Thực hiện liên tục 6-8 lần.

Bài tập tàu lượn kéo căng gân kheo, tăng cường lưu lượng máu, oxy

Cách thực hiện: Trẻ ngồi thẳng trên sàn hoặc ghế, duỗi thẳng chân, lưng thẳng. Hít một hơi thật sâu, cúi người về phía trước và duỗi cánh tay để chạm tới bàn chân. Lặp lại động tác 5-6 lần.

U não ở trẻ em: Đặc điểm, nguyên nhân và những dấu hiệu nhận biếtU não ở trẻ em: Đặc điểm, nguyên nhân và những dấu hiệu nhận biết

SKĐS - Bệnh u não ở trẻ em thường chiếm 15% đến 20% trong tất cả các khối u ác tính ở trẻ. Đây là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất trong số tất cả các bệnh ung thư ở trẻ em.

Chế độ ăn tốt cho trẻ mắc u nãoChế độ ăn tốt cho trẻ mắc u não

SKĐS - Đối với bệnh u não ở trẻ em, nếu trẻ được quan tâm đến chế độ dinh dưỡng thì tình trạng sức khỏe của trẻ có thể sẽ tốt hơn, khỏe mạnh hơn. Trẻ cũng có thể khắc phục được những tác dụng không mong muốn do quá trình điều trị bệnh gây ra.


Anh Khôi
Ý kiến của bạn