Cách tập luyện đẩy lùi cơn chóng mặt

03-08-2015 13:23 | Y học 360
google news

SKĐS - Thường người bệnh lo lắng, sợ hãi nhiều hơn là thực sự có một tổn thương thực thể. Gặp các loại chóng mặt kịch phát theo tư thế như trên, có thể chữa bệnh qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Chữa triệu chứng, từ 2-3 ngày, làm giảm các biểu hiện khó chịu.

Khi đang cơn, người bệnh cần nằm yên ở nơi yên tĩnh, ít ánh sáng, nằm nghiêng về phía không gây cơn.

Dùng thuốc an thần nhẹ (như seduxen, valium). Có thể dùng thuốc chống chóng mặt như uống tanganil, mỗi ngày 2 - 3 lần, mỗi lần 1 viên.

Ăn nhẹ, dễ tiêu.

Giai đoạn 2: Nâng đỡ sức khỏe, từ 10 ngày đến 2 tuần.

Có thể hoạt động nhẹ nhàng, tránh đi lại trên cao, cheo leo, tránh gần các vật chuyển động nhanh (như xe cộ...).

Có thể uống tiếp trong 7 ngày nữa, mỗi ngày 2 viên tanganil, chia ra 2 lần.

Chuẩn bị cho luyện tập ở giai đoạn 3.

Giai đoạn 3: Tập luyện là phương pháp chữa trị cơ bản. Giai đoạn này cần kéo dài trong nhiều tháng.

Bài tập nhằm rèn luyện cho tiền đình (bộ phận tai trong có chức năng cơ bản của thăng bằng) chịu đựng các thay đổi tư thế, dần dần phục hồi hoàn toàn.

Người bệnh ngồi trên mép giường, nhắm mắt thư giãn rồi dần dần nghiêng đầu về một bên cho đến khi đầu nằm ngang trên giường, giữ tư thế này ít nhất 30 giây, trả đầu về tư thế cũ, lại ngồi yên trong 30 giây, đoạn tiếp tục làm động tác nghiêng đầu về phía đối diện. Lần đầu tập chỉ làm 3-4 lần động tác trên, sau đó tiến lên làm mỗi buổi tập 5-7 lần. Mỗi ngày tập 2 buổi, vào sáng sớm và tối trước ngủ, kiên trì tập trong 4-5 tuần hoặc dài ngày hơn.

Hiện nay không có thuốc đặc trị chóng mặt. Cách rèn luyện nêu trên đã được ứng dụng ở nhiều nước trên thế giới và đã mang lại kết quả tốt trong 80% các trường hợp.

Song song với kiên trì luyện tập như trên, người bệnh cần tránh các yếu tố gây kích động tâm thần, tâm lý, thần kinh, tránh các chất kích thích như rượu, thuốc lá.

GS. Đặng Hiếu Trưng

 

 

 


Ý kiến của bạn