Hà Nội

Cách tập luyện an toàn cho phụ nữ có thai chậm phát triển trong tử cung

29-10-2024 09:47 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Theo các chuyên gia, nếu phụ nữ mang thai không vận động, để cơ thể tăng cân quá mức có thể dẫn tới béo phì cùng các biến chứng thai kỳ, ảnh hưởng không có lợi cho sự phát triển của thai nhi, nhất là thai chậm phát triển trong tử cung.

1. Lợi ích của tập luyện với người có thai chậm phát triển trong tử cung

Trước đây, nhiều người thường có quan niệm phụ nữ mang thai nên tránh vận động quá sức, nên đi lại nhẹ nhàng mới tốt cho sức khỏe của thai nhi. Thậm chí, một số người còn cho rằng, những bà mẹ lo tập luyện để giữ dáng khi mang thai là ích kỷ, không quan tâm đến sự an toàn của em bé.

Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, việc tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn và phù hợp trong suốt thai kỳ mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

Ngược lại, với thai phụ, việc không vận động, để cơ thể tăng cân quá mức có thể dẫn tới béo phì cùng các biến chứng thai kỳ, ảnh hưởng không có lợi cho sự phát triển của thai nhi, nhất là thai chậm phát triển trong tử cung.

Cách tập luyện an toàn cho phụ nữ có thai chậm phát triển trong tử cung- Ảnh 1.

Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho phụ nữ mang thai.

Theo ThS.BS Lê Võ Minh Hương, Bệnh viện Từ Dũ, tập thể dục đều đặn trong thai kỳ đem lại nhiều lợi ích, bao gồm các lợi ích về sức khỏe sinh lý và tâm lý. Tập thể dục khi mang thai là an toàn nếu chị em phụ nữ có sức khỏe và thai kỳ bình thường. Hoạt động này không làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non hoặc thai nhỏ.

Một số lợi ích cụ thể khi tập luyện đều đặn trong thai kỳ bao gồm:

  • Giảm đau lưng và đau vùng xương chậu;
  • Giảm táo bón;
  • Phòng ngừa tăng cân quá mức;
  • Giảm nguy cơ đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật và mổ lấy thai;
  • Cải thiện thể lực chung, tăng cường sức mạnh cho tim và mạch máu của người mẹ, rất có ích cho em bé trong bụng.

2. Cách tập luyện an toàn cho phụ nữ có thai chậm phát triển trong tử cung

2.1 Thời điểm tập luyện

Theo các chuyên gia, nếu không mắc các bệnh lý phải kiêng tập luyện và có sức khỏe ổn định, phụ nữ mang thai có thể bắt đầu tập thể dục bất cứ lúc nào suốt trong thai kỳ. Tuy nhiên, trước khi thực hiện các bài tập, phụ nữ mang thai, nhất là có thai chậm phát triển trong tử cung nên xin tư vấn của bác sĩ sản khoa đang theo dõi để đưa ra các bài tập cũng như mức độ tập phù hợp với sức khỏe của mẹ ở từng thời điểm của thai kỳ, nhằm đảm bảo an toàn cho cả mẹ lẫn bé.

Trong tam cá nguyệt đầu tiên (tuần 1 đến 13), chị em có thể tiếp tục vận động một cách nhẹ nhàng như trước khi mang thai, trừ những động tác có nguy cơ gây va đập, té ngã hoặc chấn thương.

Trong tam cá nguyệt thứ hai (tuần 14 đến 27), mẹ bầu có thể chuyển sang những bài tập như yoga, đi bộ hoặc bơi lội để lưu thông máu.

Trong tam cá nguyệt thứ ba (tuần 28 đến 40), chị em có thể tiếp tục tập các bài thể dục cho bà bầu miễn là cảm thấy khỏe và thoải mái. Nếu cảm thấy ổn, có thể duy trì hoạt động cho đến khi sinh em bé.

2.2 Những bài tập thể dục tốt cho sức khỏe phụ nữ mang thai

Cách tập luyện an toàn cho phụ nữ có thai chậm phát triển trong tử cung- Ảnh 2.

Phụ nữ mang thai nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn bài tập phù hợp với sức khỏe của mình.

Đi bộ: Đây là một bài tập phổ biến và dễ thực hành. Phụ nữ mang thai được khuyên tập 20-30 phút mỗi ngày.

Bơi hoặc bài tập dưới nước: Phương pháp tập này ít nguy cơ gây chấn thương. Thường được khuyến cáo cho những thai phụ thừa cân hoặc béo phì.

Tập với xe đạp cố định: Do giảm khả năng thăng bằng khi mang thai, mẹ bầu nên tập với xe đạp cố định thay vì lái xe trên đường để giảm nguy cơ ngã.

Yoga và Pilates được điều chỉnh cho thai phụ: Yoga giúp giảm căng thẳng, tăng cường sự dẻo dai, sức cơ cũng như chức năng hô hấp. Một số bài tập yoga được thiết kế riêng cho phụ nữ mang thai.

Nếu là một vận động viên chạy bộ hoặc chơi các môn thể thao dùng vợt có kinh nghiệm, bạn có thể tiếp tục tập luyện trong khi mang thai. Tuy nhiên, cần thảo luận việc này với bác sĩ sản khoa trước khi tập luyện.

2.3 Cường độ tập như thế nào là phù hợp?

Phụ nữ có thai chậm phát triển trong tử cung nên tập ít nhất 150 phút mỗi tuần với các bài tập nhẹ nhàng. Để tạo một thói quen tập đều đặn, nên chia thời gian tập mỗi ngày khoảng 30 phút. Nếu đã có thói quen tập trước khi mang thai, có thể giữ nguyên chương trình tập sau khi thảo luận với bác sĩ.

Nếu là người không có thói quen tập thể dục hoặc chỉ bắt đầu tập khi có thai, nên bắt đầu chậm hơn và tăng dần. Bắt đầu từ 5 phút mỗi ngày và tăng thêm 5 phút sau một tuần cho đến khi tập được 30 phút mỗi ngày.

3. Những lưu ý khi tập luyện với phụ nữ có thai chậm phát triển trong tử cung

- Luôn khởi động trước khi thực hiện những bài tập thể dục cho bà bầu.

- Không tập những động tác quá sức, khó thực hiện.

- Cố gắng duy trì ít nhất một hoạt động trong ngày: đi bộ, vận động nhẹ…

- Nếu có huấn luyện viên, cần báo cáo đầy đủ tình trạng sức khỏe của bản thân cho huấn luyện viên của mình.

- Uống nhiều nước trước, trong và sau khi tập. Dấu hiệu thiếu nước bao gồm chóng mặt, tim đập nhanh và mạnh, tiểu ít và nước tiểu vàng sậm.

- Lựa chọn trang phục tập thấm hút mồ hôi và bảo vệ ngực. Ở giai đoạn sau của thai kỳ, mang đai hỗ trợ bụng có thể giúp thoải mái hơn khi tập đi bộ hoặc chạy.

- Tránh để nóng quá mức, đặc biệt là ở 3 tháng đầu.

- Không đứng hoặc nằm ngửa quá lâu.

4. Các bài tập cần tránh cho phụ nữ có thai chậm phát triển trong tử cung

Thai phụ cần tránh các hoạt động có nguy cơ gây chấn thương như: Các môn thể thao đối kháng, có nguy cơ va chạm vùng bụng như boxing, bóng đá, bóng rổ …

Cách tập luyện an toàn cho phụ nữ có thai chậm phát triển trong tử cung- Ảnh 3.

Phụ nữ mang thai không nên vận động quá mạnh, không nằm ngửa quá lâu vì có nguy cơ gây hại cho thai nhi.

Các hoạt động có thể dẫn đến ngã như trượt tuyết, lướt sóng, lướt ván, lái xe đạp địa hình, thể dục dụng cụ, đua ngựa …

Tập Yoga hoặc Pilates cường độ nặng gây nóng quá mức.

Các dấu hiệu cảnh báo nên ngưng tập:

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu thai phụ có những dấu hiệu như: Xuất huyết âm đạo; cơn gò tử cung đều đặn và đau; cảm thấy chóng mặt hoặc choáng; thở ngắn, khó thở trước khi tập; đau ngực; đau đầu; yếu cơ; phù hoặc sưng đau bắp chân, hãy ngưng tập và đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và thai nhi.

Không nên tập thể dục nếu thai phụ có các vấn đề sức khỏe sau: Bệnh tim hoặc bệnh phổi; có khâu eo cổ tử cung; đa thai và có yếu tố nguy cơ sinh non; nhau tiền đạo sau 26 tuần; ối vỡ non hoặc chuyển dạ sinh non; tiền sản giật hoặc tăng huyết áp thai kỳ; thiếu máu nặng.

Cách đi bộ tốt cho phụ nữ mang thaiCách đi bộ tốt cho phụ nữ mang thai

SKĐS - Đi bộ là một bài tập rất tốt và an toàn cho phụ nữ mang thai. Đây là một hoạt động thể chất nhẹ nhàng nhưng lại mang lại rất nhiều lợi ích cho cả mẹ và em bé.


Anh Khôi
Ý kiến của bạn