Triển lãm chuyên đề Tranh sơn mài Việt Nam - 2008 đang diễn ra tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội nhân kỷ niệm 57 năm ngày truyền thống của giới mỹ thuật Việt Nam (10/12/1951-10/12/2008). Với 78 tác phẩm của 78 tác giả trong toàn quốc, triển lãm là dịp để các họa sĩ cũng như các nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật nhìn lại sự phát triển của một dòng tranh độc đáo từ đó nhận ra những đổi mới, sáng tạo và cách tân.
Mảnh đất rộng hơn ươm mầm sáng tạo
Tranh sơn mài thời gian qua “ra lò” khá nhiều. Một số triển lãm cá nhân còn trưng bày toàn tranh sơn mài. Điều này chứng tỏ tranh sơn mài vẫn có sức hấp dẫn lớn đối với các họa sĩ, kể cả các họa sĩ trẻ vốn ưa thích cái mới lạ và hiện đại
Tranh sơn mài trên đá đen. |
Sự thật không thể phủ nhận là, cho đến nay nghệ thuật sơn mài Việt Nam đã có những cách tân đáng kể. Thông qua sự thể nghiệm, tìm tòi, các họa sĩ trẻ đã ít nhiều làm cho bộ mặt hội họa sơn mài truyền thống có nhiều nét mới, đa dạng, độc đáo hơn! Sự sáng tạo đầu tiên mà những người ít am hiểu hội họa nhất cũng rất dễ dàng nhận thấy, đó là bên cạnh cái sắc lóng lánh của vàng bạc, cái sắc đỏ tươi tắn của son và sắc đen quyến rũ của sơn ta, người ta còn thấy những sắc tím, sắc xanh, sắc hồng... khiến cho tranh sơn mài mất hẳn sự đơn điệu, nhàm chán về màu sắc.
Rồi để tranh sơn mài có sức sống và mềm mại hơn, đồng thời tránh được sự cong vênh do thời gian và điều kiện khí hậu thời tiết, có họa sĩ đã nghĩ ra cách thay thế những tấm vóc đen bóng với vẻ đẹp thô cứng, góc cạnh bằng những quả bầu khô hay những tấm đá đen. Sự sáng tạo độc đáo này đã mang đến cho bức tranh sơn mài sự sống động và thanh thoát.
Không ít yếu tố mới trong kỹ thuật sơn mài cũng được các họa sĩ khai thác và phát huy. Chẳng hạn như họa sĩ Võ Xuân Huy ở Huế đã tạo ra những hiệu ứng như “nhăn nhúm”, “mòn vẹt” khi phun những giọt nước li ti lên mặt sơn còn ướt hay tận dụng những vết nứt gãy xuất hiện do sự biến đổi bất ngờ của nhiệt độ ở một thời điểm nhất định trong quá trình ủ tranh để gửi gắm ý tưởng nghệ thuật. Những cách tân, sáng tạo đã mang lại cách biểu đạt phong phú hơn cho chất liệu sơn mài...
Sáng tạo đến đâu để không xa rời cội rễ?
Công chúng yêu hội họa ai cũng mừng khi thấy dòng tranh “quốc hồn quốc túy” của dân tộc có những nét mới hứa hẹn sự khởi sắc trước sự sáng tạo không ngừng của lớp họa sĩ trẻ. Nhưng không ít người trong số đó nhanh chóng cảm thấy ái ngại khi biết có họa sĩ chỉ trong vòng 2-3 năm sáng tác ra vài chục bức sơn mài. Con số ấy đã ít nhiều cho thấy chất lượng của tranh thế nào. Bởi theo cách làm sơn mài truyền thống thì để hoàn thành một bức tranh người họa sĩ phải mất đến hàng tháng, thậm chí hàng năm. Để chạy theo số lượng, nhiều họa sĩ đã sử dụng các hóa chất nhập ngoại như sơn điều, sơn Nhật Bản để vẽ, các công đoạn khác cũng ứng dụng máy móc công nghiệp chứ không hoàn toàn là thủ công như trước. Có người nói, thế thì đâu còn là tranh sơn mài nữa mà có lẽ nên gọi là tranh sơn Nhật thì đúng hơn. Người làm tranh sơn mài truyền thống đích thực phải là người tuân thủ và phát huy những truyền thống quý của nghệ thuật dân tộc, chỉ dùng sơn ta chứ không dùng sơn công nghiệp để vẽ.
Lại có những họa sĩ đương đại vẽ tranh sơn mài nhưng lại bỏ qua khâu mài, và thay vì làm nhẵn thì họ lại làm sần sùi đi hoặc dùng thêm các chất liệu khác để phủ, đắp, gắn lên tranh sơn mài. Tuy cách làm đó vẫn chưa đến được những tạo hình có nghệ thuật, có thẩm mỹ và tương đối mới lạ, song đã đi khá xa so với nghệ thuật truyền thống. Theo ông Lê Huy Tiếp - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam thì thế giới vẫn gọi chung “sơn mài” là “lacquer” (vẽ bằng chất liệu sơn) - tức là có mài hay không cũng không quá quan trọng, còn ở Việt Nam, sơn mài có nghĩa là sơn và mài. Như vậy nếu chỉ còn phần sơn mà bỏ đi phần mài thì không thể gọi là sơn mài được.
Nhiều người không phản đối việc dùng các chất liệu sơn khác nhau trong dòng tranh sơn mài kể cả việc không mài trong tranh. Điều mà họ quan tâm là bức tranh đó có đẹp không, có chứa đựng sự sáng tạo nào không? Thậm chí họ còn cho rằng đó là những cách để thổi hơi hướng hiện đại vào nghệ thuật truyền thống, đó mới là sự sáng tạo thực thụ của người nghệ sĩ đương đại... Vậy nhưng, có một điều cần phải nhắc lại là: Thế giới quan tâm đến hội họa Việt Nam chính bởi Việt Nam có chất liệu sơn mài. Những họa sĩ làm tranh sơn mài được thế giới thừa nhận cho đến nay vẫn chỉ là những người trung thành với kỹ thuật truyền thống. Dù những tìm tòi sáng tạo của các họa sĩ có phong phú đa dạng đến thế nào thì tranh sơn mài của Việt Nam chỉ thực sự có giá trị độc đáo khi giữ được chất liệu truyền thống và quy trình sáng tác hoàn toàn thủ công.
Hoàng Linh