Hà Nội

Cách sử dụng thuốc chống dị ứng an toàn

22-09-2019 07:01 | Dược
google news

SKĐS - Dị ứng là hiện tượng cơ thể phản ứng khi tiếp xúc với các dị nguyên. Các triệu chứng dị ứng có thể xuất hiện ngay trong vài giây, nhưng cũng có thể muộn hơn sau vài ngày hoặc vài tuần sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên này. Vậy có những thuốc nào dùng trị dị ứng?

Một số bệnh dị ứng thường gặp

Hoạt động của hệ miễn dịch trong cơ thể con người diễn ra rất phức tạp, nên cũng có nhiều nguy cơ xảy ra các sai sót. Hiện tượng dị ứng là một trong những sai sót đó. Hiện tượng dị ứng là một dạng phản ứng có hại của hệ thống miễn dịch đối với các tác nhân từ môi trường sống mà bình thường vốn ít nguy hại.

Các loại phản ứng viêm dị ứng và dẫn tới các bệnh lý liên quan đến dị ứng thường gặp là hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, mày đay, sốc phản vệ, chàm... Biểu hiện và mức độ của các triệu chứng dị ứng ở mỗi cá thể tùy thuộc vào loại bệnh bị mắc, mức độ mẫn cảm của cơ thể cũng như số lượng và cách tiếp xúc của dị nguyên gây bệnh...

Các thuốc điều trị và lưu ý khi sử dụng

Để điều trị các bệnh dị ứng nói chung thì cơ bản là phải tránh tiếp xúc với các dị nguyên gây bệnh. Tiếp đó là sử dụng các thuốc chống dị ứng nhằm giảm triệu chứng và thuốc làm giảm mẫn cảm đặc hiệu. Do phản ứng viêm dị ứng với sự giải phóng của các hoạt chất trung gian là cơ chế gây bệnh chủ yếu của hầu hết các bệnh dị ứng, nên các thuốc chống dị ứng hiện nay đều được phát triển theo hướng tác dụng ức chế phản ứng viêm dị ứng hoặc kháng lại các hoạt chất trung gian, giúp giảm các triệu chứng dị ứng cấp tính. Trong những năm gần đây đã có nhiều nhóm thuốc chống dị ứng mới ra đời theo xu hướng này. Trong đó có các thuốc kháng histamin thế hệ mới, kháng leukotriene, kháng thromboxane, kháng các cytokine của tế bào T, ổn định màng tế bào mast và nhiều tác nhân kháng lại các tế bào và phân tử khác.

Cách sử dụng thuốc chống dị ứng an toànSử dụng các thuốc chống dị ứng nhằm giảm triệu chứng và làm giảm mẫn cảm đặc hiệu.

Thuốc kháng histamin: Các thuốc kháng H1 thế hệ 2 như loratadine, cetirizine, fexofenadine, levocetirizin, deslorratadine... hiện được ưa sử dụng hơn so với các thuốc thế hệ cũ, do ít gây buồn ngủ và tác dụng nhanh, ít nguy cơ gây tương tác thuốc và ít tác dụng phụ hơn.

Thuốc kháng histamin H1 được dùng điều trị dị ứng như viêm mũi dị ứng; nổi mày đay, ban da, viêm da dị ứng; viêm kết mạc dị ứng; các trường hợp bị côn trùng cắn... Ngoài ra, thuốc còn được dùng điều trị say tàu xe, máy bay; điều trị buồn nôn và nôn trong thai nghén; dùng như thuốc an thần gây ngủ trong một số trường hợp. Các thuốc này chỉ giúp điều trị triệu chứng dị ứng chứ không điều trị được nguyên nhân nên không giúp bệnh nhân khỏi bệnh được hoàn toàn.

Trong trường hợp dị ứng nặng (như sốc phản vệ), histamin giải phóng ồ ạt, một mình thuốc kháng histamin không thể giải quyết được mà phải phối hợp thêm với các biện pháp hồi sức cấp cứu, thuốc trợ tim mạch (adrenalin), biện pháp trợ hô hấp (thở ôxy)...

Một số thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1 (clorpheniramine) hay được sử dụng trong các chế phẩm trị cảm cúm, ho, sổ mũi, nhưng chúng có tác dụng phụ là ức chế thần kinh trung ương, do vậy không nên sử dụng khi đang lái tàu xe, làm việc trên cao, công việc cần sự tỉnh táo hay uống rượu khi đang dùng thuốc.

Các thuốc kháng Leukotriene: Leukotriene là một nhóm các hoạt chất trung gian có vai trò không nhỏ trong các phản ứng viêm dị ứng và có thể trực tiếp gây ra nhiều triệu chứng dị ứng như co thắt cơ trơn phế quản, tăng tiết dịch nhày, giãn mạch... Hiện nay khá nhiều thuốc kháng leukotriene ra đời như montelukast, zafirlukast, zileuton. Hiệu quả và tính an toàn của các thuốc này đã được chứng minh trong điều trị các bệnh dị ứng như mày đay mạn tính, viêm mũi dị ứng, hen phế quản.

Thuốc kháng IgE: Kháng thể IgE có vai trò hết sức quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của hen phế quản và nhiều bệnh lý dị ứng khác. Sự kết hợp của kháng thể này với kháng nguyên gây bệnh sẽ khởi động chuỗi phản ứng viêm dị ứng. Các thuốc kháng IgE tổng hợp như omalizumab có khả năng liên kết và bất hoạt các kháng thể IgE tự do, gây giảm nồng độ kháng thể IgE tự do trong máu tới 90%. Nhiều nghiên cứu gần đây đã cho thấy omalizumab có hiệu quả tốt trong điều trị các trường hợp hen phế quản nặng, không đáp ứng với các thuốc điều trị khác.

Các thuốc kháng thromboxane A2: Do có một số bằng chứng về vai trò của thromboxane A2 trong đợt cấp và quá trình phát triển của các bệnh dị ứng nên các nhà khoa học đã có ý tưởng sử dụng các chất kháng lại hoạt chất này trong điều trị các bệnh dị ứng. Hiện nay, các thuốc kháng thromboxane A2 như ozagrel, ramatroban và seratridust đã được chứng minh hiệu quả rõ rệt trong điều trị các triệu chứng viêm mũi dị ứng.

Thuốc kháng cytokine của tế bào lympho Th2: Các tế bào lympho Th2 đặc hiệu kháng nguyên được cho là có vai trò khởi phát các phản ứng dị ứng. Điều này đã đưa đến khả năng kiểm soát các bệnh dị ứng bằng cách sử dụng các thuốc ức chế các cytokine của tế bào Th2. Suplatast là một trong những dẫn xuất đầu tiên của nhóm này. Thuốc đã được chứng minh là có khả năng ức chế sản xuất các kháng thể dị ứng IgE, ngăn ngừa sự xuất hiện các đợt dị ứng cấp tính ở chuột. Hiện nay, nghiên cứu sử dụng các thuốc này trên lâm sàng vẫn đang tiếp tục được tiến hành và có thể là một hướng đi nhiều hứa hẹn.


ThS. Nguyễn Vân Anh
Ý kiến của bạn