Những nguy cơ rủi ro
Bình nước nóng, quạt sưởi, lò sưởi, túi, đệm sưởi... đang xuất hiện nhiều trên thị trường với các mẫu mã đa dạng, tiết kiệm điện để phục vụ cho người dân khi thời tiết trở nên lạnh. Tuy nhiên, những sản phẩm sử dụng điện tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người sử dụng nếu không biết cách phòng, tránh. Đã từng có người phải nhập viện vì bỏng do túi sưởi, đệm sưởi vỡ trong quá trình sử dụng. Có trường hợp bị điện giật tử vong do bình nước nóng rò điện đã trở thành cảnh báo đáng để mọi người lưu ý.
GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học Công nghệ và kỹ thuật nhiệt lạnh cho biết, mỗi thiết bị điện sử dụng trong gia đình đều có khả năng gây ra những nguy hiểm nếu như người sử dụng không cẩn thận hoặc không biết cách sử dụng. Mặc dù bình nước nóng là sản phẩm khá thông dụng trong gia đình và khá an toàn vì có rơ le nhiệt độ để cài đặt nhiệt độ nước theo ý muốn, có đồng hồ nhiệt độ trên mặt bình để báo nhiệt độ nước trong bình, có rơ le bảo vệ (rơ le nhiệt) ngắt nguồn điện khi nhiệt độ vượt quá giới hạn cho phép (khoảng 95 độ C), có van an toàn khi khi áp suất vượt quá giới hạn cho phép để tránh gây nổ...
"Nguy hiểm lớn nhất đối với người sử dụng là rò điện ra vỏ do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có nguyên nhân thanh điện trở bị han gỉ, bị thủng gây rò điện. Điện giật do bình nước nóng nguy hiểm gấp nhiều lần so với điện giật thông thường vì người sử dụng đang tiếp xúc trực tiếp với nước", ông Lợi cho hay.
Để an tâm, tính năng chống giật, chống rò điện cần được lưu ý hàng đầu. Hiện nay, hệ thống chống giật ELCB đã được lắp đặt tại nhiều bình nước nóng. Khi mua, người tiêu dùng cần lưu ý về tiêu chuẩn kỹ thuật của nó, ngoài ra, trong khi lắp đặt, cần kiểm tra hệ thống này đã được lắp đặt đúng cách hay chưa.
"Một quy tắc để bảo đảm an toàn trong khi sử dụng bình nóng lạnh đó là cần phải ngắt điện trước khi tắm. Nếu trong nhà có trẻ em, chú ý không đặt nhiệt độ của bình quá cao và công tắc lắp đặt cũng nên ở ngoài tầm với của trẻ. Ngoài ra, bạn phải thường xuyên bảo trì bình nóng lạnh, thường xuyên kiểm tra bằng cách dùng bút thử điện quệt vào đường ống nước hoặc trực tiếp vào nước. Nếu phát hiện có điện thì ngắt nguồn và kiểm tra lại toàn bộ bình nóng lạnh để khắc phục lỗi", chuyên gia điện cho hay.
Trong khi đó, các thiết bị sử dụng điện khác như túi sưởi, đệm điện, máy sưởi, đèn sưởi... cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ. Túi sưởi dùng để chườm nóng cho từng bộ phận cơ thể như chườm bụng, chườm lương, chân… hay được sử dụng trong y tế. Túi cắm điện trực tiếp có rơ le nhiệt độ ngắt diện khi đã đạt nhiệt độ yêu cầu. Túi sưởi có nguy cơ nổ vỡ chất lỏng khi rơ le nhiệt độ bị hỏng. Khi bị sức ép cơ thể quá mạnh túi cũng có thể bị nổ gây bỏng do dung dịch nóng bên trong.
Chăn đệm điện có ưu điểm là sưởi trực tiếp tới cơ thể nhưng nếu dây điện bi gập có thể làm rò điện, hỏng dây, hỏng cách điện. Nếu trẻ con tò mò lấy kim, dùi chọc ngoáy dâu cứng bên trong chăn gối có thể gây điện giật. Bảo quản và vệ sinh, giặt giũ cũng khó để bảo toàn dây điện bên trong. Máy sưởi và đèn sưởi là nguyên nhân gây khô da, nứt nẻ da và dễ gây hỏa hoạn khi để gần các vật dễ cháy.
Theo GS.TS Nguyễn Đức Lợi, hiện nay đa số các gia đình khi tắt thiết bị điện đều chỉ tắt từ điều khiển, hoặc tắt trực tiếp trên thiết bị mà không rút hẳn thiết bị khỏi nguồn điện. Họ cho rằng, khi thiết bị ngừng hoạt động sẽ không tiêu tốn điện năng. Tuy nhiên, thiết bị ở chế độ chờ (chế độ standby), hoặc chưa tách khỏi nguồn điện vẫn tiêu thụ một lượng điện năng nhất định. Do đó, muốn tiết kiệm điện hiệu quả, khi tắt các thiết bị nên rút hẳn thiết bị khỏi nguồn điện.
Làm nóng nước cho bình năng lượng mặt trời vào mùa đông
Ở miền Bắc, ngoài yếu tố thời tiết lạnh, vào mùa đông ít nắng nên bình nước nóng năng lượng mặt trời không phát huy được hiệu quả cao. Thậm chí, nhiều gia đình vào những thời điểm không thể sử dụng bình do nước quá lạnh, không khác gì nước chảy ra từ vòi. Để khắc phục tình trạng này, 100% các hộ hiện đang sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời lắp thêm các bình nóng lạnh. Tùy vào điều kiện, họ có thể lắp ở các vị trí tiêu thụ như nhà vệ sinh, bếp…
Đánh giá về việc lắp thêm các thiết bị này, GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho rằng, cách làm này sẽ làm tăng đầu tư ban đầu, hệ thống nước nóng phức tạp và tiền điện cũng không giảm nhiều. Việc lắp thêm một thiết bị gia nhiệt phụ trợ trực tiếp với máy nước nóng năng lượng mặt trời sẽ tiết kiệm điện hơn nhiều.
Khi trời âm u, bình năng lượng mặt trời không thể làm nóng nước. Lúc này, điện trở sẽ trở thành một bình nước nóng gián tiếp - như một bình nước nóng chạy điện bình thường. Lưu ý, bạn chỉ cấp điện cho điện trở khi bức xạ mặt trời không đủ để gia nhiệt mà bạn vẫn muốn dùng nước nóng. Nếu sử dụng thiết bị này, vào mùa đông, bạn vẫn có thể tiết kiệm được 70% tiền điện so với dùng bình nóng lạnh chạy điện.
Để lắp đặt thiết bị phụ trợ này không khó. Hiện có thể mua tại các cửa hàng bán bình nước nóng năng lượng mặt trời hoặc các thiết bị điện. Bản thân bình bảo ôn nước nóng năng lượng mặt trời đã được thiết kế lỗ chờ vừa kích thước cùng thiết bị này. Theo đó, khi lắp, thợ chỉ cần mở nắp chờ trên bình bảo ôn, đặt thanh điện trở vào và cái đặt các chế độ, kéo nguồn điện cho phù hợp mức sử dụng.
GS.TS Nguyễn Đức Lợi phân tích, để đảm bảo có nước nóng khi không có bức xạ mặt trời, cách đơn giản nhất và rẻ tiền nhất là lắp thanh điện trở cho bình nước nóng năng lượng mặt trời. Để giảm tổn thất nhiệt cho bình, cần đặt nhiệt độ ngắt thanh điện trở thấp khoảng 40 đến 50 độ C. Các đường ống nước nóng từ bình xuống hộ tiêu thụ như phòng tắm, bếp cần được bảo ôn cẩn thận. Ngoài ra, cần phải lắp kèm thiết bị an toàn chống giật. Để an toàn hơn thì phải ngắt điện trở trước khi sử dụng nước nóng.
Tương tự, một giải pháp khác là dùng bình năng lượng mặt trời kết hợp bơm nhiệt. Tức, lắp một bơm nhiệt đun nước nóng nối tiếp vào bình năng lượng mặt trời. Khi không có năng lượng mặt trời, bơm nhiệt làm nhiệm vụ đun nước. Bơm nhiệt tiết kiệm điện hơn (có thể tiết kiệm đến 60-70% điện năng) nhưng đầu tư ban đầu rất tốn kém.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dự báo thời tiết sáng 9/1: Gió mùa đông bắc tràn về, miền Bắc đón lạnh sâu