Hạt chia là một nguồn cung cấp axit béo omega-3, chất xơ và magiê tuyệt vời. Tất cả những chất dinh dưỡng này có thể hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ biến chứng của bệnh đái tháo đường typ 2.
Ăn hạt chia thường xuyên cùng với một chế độ dinh dưỡng cân bằng cũng có thể giúp giảm cân và kiểm soát bệnh đái tháo đường.
Bên cạnh đó, do có tính chất kháng viêm nên tiêu thụ hạt chia sẽ giúp hỗ trợ kiểm soát lượng đường dư thừa trong máu.
1. Thành phần dinh dưỡng của hạt chia
Trong 28 gam hạt chia chứa:
- Calo: 137
- Carbohydrate: 1 gam
- Protein: 4 gam
- Chất béo: 9 gam (phần lớn là omega-3)
- Chất xơ: 11 gam
- Canxi: 18% RDI (khẩu phần ăn tham khảo hàng ngày)
- Magie: 30% RDI
- Mangan: 30% RDI
- Photpho: 27% RDI
Hạt chia chứa mangan và magiê, là những khoáng chất cần thiết cho quá trình trao đổi chất. Chúng cũng chứa nhiều canxi và axit béo omega-3, làm tăng lợi ích của loại thực phẩm này trong việc hỗ trợ kiểm soát bệnh đái tháo đường. Ngoài ra hạt chia còn có các khoáng chất khác như vitamin B1, vitamin B2, vitamin B3, kẽm, kali...
Trong 28 gam hạt chia có chứa 12 gam carb, tuy nhiên có tới 11 gam trong đó là chất xơ, tương ứng 29% khẩu phần ăn hàng ngày cho nam giới và 44% khẩu phần ăn hàng ngày cho nữ giới. Chính vì hàm lượng carb tiêu hóa chiếm tỷ lệ rất nhỏ đã cho thấy hạt chia là một loại thực phẩm low-carb.
2. Vì sao người bệnh đái tháo đường nên sử dụng hạt chia?
BSCKII Nguyễn Thị Thanh Hải (Khoa Nội tiết - Bệnh viện 198) cho biết, hạt chia không chứa gluten và dễ tiêu hóa, chúng giúp cải thiện khả năng dung nạp glucose và insulin, có lợi cho sức khỏe của người bệnh đái tháo đường.
Tuy nhiên, người bệnh đái tháo đường nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi muốn sử dụng hạt chia hằng ngày. Theo dõi lượng tiêu thụ và phản ứng của cơ thể.
Hạt chia chứa lượng lớn nhóm chất quan trọng có vai trò kiểm soát lượng đường huyết như omega-3, omega-6, kẽm, magiê, một số chất chống ôxy hóa, chất xơ. Các chất này đều rất có lợi trong việc làm giảm sở thích ăn vặt, thèm ngọt. Hạn chế sự tăng đường huyết, cải thiện tác dụng nhanh của insulin, giúp ổn định lượng đường trong máu.
Đặc biệt, do hàm lượng chất xơ dồi dào nên người bệnh đái tháo đường tiêu thụ hạt chia sẽ tạo cảm giác no lâu, hạn chế ăn vặt, kiểm soát cân nặng và từ đó sẽ kiểm soát được lượng đường huyết.
Khi ngâm hạt chia vào trong nước, nó có thể nở ra gấp 12 lần và tạo ra một lớp gel mềm. Nhờ chất nhờn giúp cho lượng đường trong dạ dày được thẩm thấu một cách điều hòa hơn và chậm hơn. Chất nhờn từ hạt chia giúp quá trình chuyển biến dinh dưỡng của đường điều hòa hơn, chậm hơn.
Ngoài ra các chất béo không bão hòa, lượng protein cao bên trong hạt chia không chỉ góp phần hỗ trợ ổn định đường huyết mà còn hỗ trợ rất tốt cho việc điều trị bệnh tim mạch, hỗ trợ chống xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
3. Thời điểm thích hợp để uống hạt chia
Hạt chia có thể dùng ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày, nhưng tốt nhất là buổi sáng, khi vừa ngủ dậy. Lúc này cơ thể cần nạp năng lượng từ thức ăn để hoạt động nên sẽ dễ hấp thụ các dưỡng chất từ hạt chia. Bên cạnh đó, hạt chia mang đến cảm giác no lâu, giúp giảm cơn đói trong ngày, hỗ trợ giảm cân.
Nếu không kịp sử dụng trong buổi sáng, cũng có thể dùng hạt chia vào buổi tối. Lưu ý dùng trước khi ngủ ít nhất 2 tiếng, để tránh việc khó tiêu, nặng bụng gây khó ngủ hoặc ngủ không sâu.
Hạt chia có nhiều lợi ích về sức khỏe, nhưng cần phải dùng theo liều lượng hợp lý thì mới phát huy tốt nhất công dụng. Người lớn nên dùng 2 - 3 muỗng cà phê ( 8-10g) mỗi ngày.
Hạt chia vẫn có thể pha được với nước nóng, nhưng khuyến cáo tốt nhất nên pha với nước lạnh vì axit béo omega-3 có trong hạt chia dễ bị biến đổi khi tác động với nhiệt độ cao. Pha hạt chia vào nước nóng cũng dễ gây ra tình trạng vón cục. Nếu muốn uống ấm, có thể pha hạt chia với nước ấm vừa phải khoảng 45 độ C.
4. Cách tiêu thụ hạt chia cho người bệnh đái tháo đường
- Pha hạt chia với nước lọc: Cho 1 muỗng cà phê hạt chia vào ly nước lọc rồi khuấy đều sau đó cho vào tủ lạnh khoảng 2 giờ tùy sở thích.
- Trà hạt chia: Chọn bất kỳ loại trà nào bạn thích (trà xanh, trà đen, trà ô long…) đun sôi và để nguội. Khi trà nguội, thêm hạt chia vào trà và khuấy đều. Để trà trong tủ lạnh ít nhất 2 giờ. Có thể thêm chanh, gừng, sả, hoặc thêm trái cây cắt nhỏ vào trà.
- Sinh tố hạt chia: Hạt chia có thể được thêm vào sinh tố của bất kỳ loại trái cây nào, vì vậy hãy chọn trái cây bạn yêu thích, có thể là táo, chuối, xoài, việt quất, dâu tây… và cắt nhỏ chúng. Cho trái cây, sữa chua không đường, đá và một thìa hạt chia vào máy xay sinh tố và xay cho đến khi mịn là có thể thưởng thức.
- Bột yến mạch hạt chia: Cho bột yến mạch, hạt chia, quế, một chút muối và sữa vào nồi. Khuấy đều hỗn hợp và đun sôi. Có thể thêm sữa không đường để đạt được độ đặc mong muốn. Đun nhỏ lửa và để yến mạch trở nên mềm. Thêm chút đường ăn kiêng rồi tắt bếp.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Người bệnh đái tháo đường có nên ăn xoài?