Cách sử dụng dược liệu an toàn, hiệu quả, khoa học

13-12-2022 08:22 | Y học cổ truyền

SKĐS - Từ cổ xưa, con người đã biết cách dùng các loại cây, động vật hay những thứ trong tự nhiên để làm thuốc phòng và chữa trị bệnh. Theo thời gian, những kinh nghiệm này được lưu truyền, chọn lọc và nghiên cứu tìm kiếm những bằng chứng khoa học đáng tin cậy, rõ ràng hơn.

Thuốc từ dược liệu là gì?

Theo Luật Dược số 105/2016/QH13 quy định thì dược liệu có nguồn gốc từ nhiều thành phần khác nhau trong tự nhiên như từ động vật, vi sinh vật hay phổ biến nhất là các loại thảo dược tốt cho sức khoẻ của con người. Dược liệu có thể là toàn bộ hoặc một bộ phận của một cây, một con vật hoặc có thể là một vài bộ phận của chúng. Những sản phẩm được tách chiết từ cây, động vật như tinh dầu, sáp, dầu mỡ, gôm có thể dùng làm thuốc cũng thuộc phạm vi dược liệu.

Tác dụng của dược liệu trong điều trị bệnh đã được nghiên cứu và chứng minh bởi các thầy thuốc y học cổ truyền và các công trình nghiên cứu khoa học từ chuyên gia. Ngoài công dụng chữa bệnh, dược liệu còn chứa các thành phần giàu dinh dưỡng, giúp hồi phục sức khỏe con người tốt hơn.

Dược liệu có hai hướng sử dụng như sau: Chế biến, bào chế hay phối hợp theo lý luận và phương pháp của Y học cổ truyền hoặc kinh nghiệm dân gian để tạo thành thuốc cổ truyền. Thuốc này có dạng bào chế truyền thống như thuốc sắc, viên hoàn, tán hoặc dạng bào chế hiện đại như viên nang, siro… Cùng với các phương pháp chữa trị khác, nền y học cổ truyền hiện nay phát triển song song như một phương pháp điều trị hỗ trợ và thay thế (y học thay thế) cho phương pháp điều trị thông thường.

Hiện đại hơn, dược liệu được nghiên cứu để chiết xuất và bào chế thành thuốc hoá dược, thuốc dược liệu hay thực phẩm chức năng, ở dạng mới như viên nén, viên nang, thuốc tiêm…

Cách sử dụng dược liệu an toàn, hiệu quả, khoa học - Ảnh 1.

Dược liệu đa số đều có nguồn gốc từ thiên nhiên.

Như vậy, thuốc dược liệu là thuốc có thành phần từ dược liệu và có tác dụng, được sử dụng dựa trên bằng chứng khoa học hiện đại. Những thuốc có hoạt chất tinh khiết chiết xuất từ dược liệu hoặc có sự kết hợp giữa dược liệu với các hoạt chất hóa học tổng hợp thì không được gọi là thuốc từ dược liệu mà là thuốc hoá dược. Các thuốc này có dạng bào chế hiện đại và được sử dụng bên cạnh các thuốc tân dược (thuốc Tây) trong điều trị, phòng ngừa bệnh.

Y học cổ truyền ở Việt Nam đã tồn tại từ rất lâu gắn liền với các kinh nghiệm dân gian, bài thuốc sử dụng các cây, con vật hay khoáng vật (gọi chung là dược liệu) để phòng và chữa bệnh. Sự xuất hiện thuốc dược liệu là do kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh với bệnh tật của con người mà tìm ra. Số lượng, chất lượng thuốc cũng tiến bộ theo nền sản xuất của xã hội.

Hiện nay, cây dược liệu là nguồn nguyên liệu chính trong các bài thuốc cổ truyền cũng như được nghiên cứu, chiết xuất, bào chế thành thuốc. Trước đây, nguồn nguyên liệu thảo dược có sẵn trong tự nhiên, sau thiếu dần phải gieo trồng, thu hái mới có được. Bên cạnh các loại thảo dược có sẵn ở nước ta gọi là thuốc Nam, nước ta còn phải nhập khẩu thêm các loại thảo dược từ các nước khác như Trung Quốc, Triều Tiên… gọi là thuốc Bắc.

Những lưu ý khi sử dụng dược liệu

Bên cạnh các dược liệu được sử dụng rộng rãi với nhiều nghiên cứu cho thấy mức độ lành tính cao, cũng có những dược liệu chưa được nghiên cứu kỹ, người dân sử dụng theo kinh nghiệm tại địa phương thì hoàn toàn có thể có độc tố và từ đó gây nên những tác dụng nguy hiểm đến người dùng. Khi muốn sử dụng dược liệu làm thuốc, bước đầu tiên cần làm là thu hái cần tuân theo nguyên tắc "3 đúng":

Đúng thuốc dược liệu (đúng tên, đúng loài). Để tránh nhầm lẫn khi không thống nhất được tên gọi do sự khác nhau của vùng miền, thì bạn cần lưu ý rằng tên chính thức của dược liệu sẽ căn cứ vào tên khoa học của dược liệu.

Cách sử dụng dược liệu an toàn, hiệu quả, khoa học - Ảnh 2.

Muốn sử dụng dược liệu làm thuốc cần chọn đúng đúng tên và đúng loài.

Đúng bộ phận dùng vì không phải bộ phận nào cũng được sử dụng làm thuốc, và mỗi bộ phận trong cùng một cây, một con vật cũng sẽ có tác dụng và mục đích sử dụng khác nhau.

Đúng thời điểm để hàm lượng hoạt chất trong dược liệu cao nhất có thể.

Tiếp đó, công đoạn sơ chế, chế biến cũng rất quan trọng để đảm bảo dược liệu vừa được loại bỏ đi độc tố, vừa không bị mất đi hoạt chất có tác dụng và có thể bảo quản lâu.

Người dùng khi mua dược liệu về sử dụng cần tìm hiểu những cơ sở uy tín và học cách phân biệt, đánh giá để tránh mua phải sản phẩm giả, kém chất lượng. Ngoài ra, không nên tự ý sử dụng dược liệu tùy tiện mà cần phải được chẩn đoán đúng bệnh, đúng liều để tránh "rước họa vào thân".

Hiện nay, con người đã sáng tạo ra được rất nhiều cách sử dụng dược liệu để chữa bệnh nhưng phổ biến nhất gồm 4 cách sau:

Trà hay nước sắc: Một cách thường thấy với trà là sấy khô dược liệu thành dạng trà túi lọc để giữ được đặc tính trong quá trình vận chuyển đến người dùng cuối. Dạng thứ hai là sắc thuốc. Người ta thường kết hợp các loại dược liệu và đun sắc trong nhiều tiếng để có thể sử dụng như là một loại vị thuốc, trị các chứng bệnh theo kê đơn và hướng dẫn từ thầy thuốc.

Dạng cồn thuốc: Phổ biến nhất ở dạng này là rượu thuốc và cồn ngọt. Các loại thuốc này được chế biến chuyên dụng bằng cách pha dung môi 100% thuần ethanol với cây dược liệu. Quá trình sau chiết xuất từ cồn thuốc sẽ có tỷ lệ ethanol lưu lại vào khoảng 25% hoặc những trường hợp cụ thể lên đến 90%. Sau đó hỗn hợp này được chiết xuất thành dạng lỏng hoặc dạng khô (viên nén) để sử dụng.

Dạng tinh dầu: Thường thấy ở các loại thuốc như dầu gió, thuốc mỡ, dầu thoa, kem hoặc các dạng dung dịch lỏng khác.

Dạng bột cốm: Dạng bột cốm được sản xuất bằng cách đưa nguồn dược liệu thô vào sản xuất từ các hệ thống cô chiết, cô cao, sấy phun sương để đưa ra thành phẩm là dạng bột cốm. Có thể hoà tan vào nước và sử dụng trực tiếp.

Bảo Nguyên
Ý kiến của bạn