Gần Tết là thời gian mọi người đều bận rộn nên thức ăn sẵn như thực phẩm đóng hộp thường được sử dụng nhiều hơn do ưu điểm tiện lợi và nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu khi mua và sử dụng các loại đồ hộp không cẩn thận, có thể bị ngộ độc do ăn phải mầm bệnh phát triển ở trong loại thực phẩm này. Ngộ độc thường được ghi nhận là do bị nhiễm độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum có trong đồ hộp, còn gọi là ngộ độc Botulism. Trường hợp trầm trọng có thể gây tử vong.
Đặc điểm của bệnh ngộ độc Botulism
Cấu trúc phân tử của vi khuẩn Clostridium botulinum gây ngộ độc. |
Nhận biết khi bị ngộ độc
Bệnh thường xuất hiện sau khi dùng thực phẩm đóng hộp kém chất lượng mà không đun nóng lại trước khi ăn. Thời gian ủ bệnh thường khoảng từ 6-24 giờ, thời gian này ngắn hay dài hoặc có thể sau vài ngày tùy theo lượng độc tố bị nhiễm độc. Sau đó, bệnh xuất hiện với các dấu hiệu lâm sàng chủ yếu là liệt thần kinh do tổn thương thần kinh trung ương và hành tủy. Triệu chứng sớm nhất là liệt mắt, cơ mắt, có biểu hiện song thị như nhìn một hóa hai; bị liệt vòm họng, lưỡi, yết hầu biểu hiện rối loạn lời nói rồi mất tiếng, mất phản xạ nuốt; bị liệt dạ dày, ruột dẫn đến táo bón, trướng bụng, giảm sự tiết dịch, đôi khi đi tiểu tiện khó... Bệnh nhân có thể không sốt nhưng mạch nhanh, mạch có thể tăng nhanh nhưng nhiệt độ cơ thể vẫn bình thường, có hiện tượng mạch-nhiệt phân ly, biểu hiện của tình trạng nhiễm độc. Bệnh kéo dài khoảng từ 4-8 ngày, nặng có thể hôn mê, bị tử vong vào ngày thứ 3 do liệt trung tâm hô hấp, tim ngừng đập. Tỷ lệ tử vong của bệnh ngộ độc Botulism có thể rất cao, chiếm tới 60%-70% nếu không được phát hiện, xử trí nhanh chóng. Vì vậy cần phải đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu điều trị kịp thời.
Điều trị và phòng bệnh
Bệnh nhân bị ngộ độc cần phải cấp cứu điều trị ngay bằng cách rửa dạ dày, tẩy ruột loại trừ bớt độc tố càng sớm càng tốt để độc tố không thấm vào máu. Cần chẩn đoán và điều trị sớm, thuốc điều trị duy nhất là loại huyết thanh kháng độc tố vi khuẩn. Liều điều trị có thể tiêm từ 50.000 đến 100.000 đơn vị, tiêm tĩnh mạch từ từ để đề phòng choáng và dị ứng. Liều dự phòng có thể tiêm từ 5.000-10.000 đơn vị. Ngoài ra cũng cần dùng thêm các loại thuốc trợ tim, trợ hô hấp và các biện pháp hồi sức cấp cứu cần thiết khác.
Việc phòng bệnh tốt nhất là cần thận trọng khi đi mua các loại thực phẩm đóng hộp. Trước tiên, người tiêu dùng nên quan tâm đến hình thức bên ngoài của đồ hộp như hộp bị móp méo, rỉ sét... mặc dù còn hạn dùng cũng không nên mua vì sản phẩm đã không được bảo quản tốt. Nếu vỏ hộp có hiện tượng bị phồng lên cần phải cảnh giác vì nó có khả năng bị hư hỏng do nhiễm độc vi khuẩn Clostridium botulinum, nếu ăn rất dễ gây ngộ độc dẫn đến tử vong. Một điều không thể thiếu được khi mua tất cả các loại thực phẩm có bao bì đóng gói, trong đó có thực phẩm đóng hộp là nên đọc kỹ hạn dùng, số đăng ký chất lượng sản phẩm, cơ sở sản xuất... để thu nhận thêm thông tin và phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng. Một số loại đồ hộp được tân trang, sửa chữa lại hạn dùng rất tinh vi. Nên mua thực phẩm đóng hộp bán ở các siêu thị hoặc các cửa hàng lớn, có uy tín vì ở đó có các chế độ bảo quản, tuân thủ việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Không nên mua đồ hộp quá hạn sử dụng. Trường hợp những thực phẩm đóng hộp trong điều kiện có thể dùng được, nếu có nghi ngờ, nên luộc sôi, đun nóng kỹ trước khi dùng để bảo đảm an toàn.
BS. Nguyễn Trâm Anh