Chỉ nên để chênh lệch 5-7 độ C
GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học Công nghệ Nhiệt lạnh cho biết, điều hòa 2 chiều là sản phẩm hữu ích không chỉ trong những ngày nắng nóng mà còn trong những ngày giá lạnh. Bởi vì điều hòa hai chiều có thể thay lò sưởi. Tuy nhiên, nhiều người dùng vẫn chưa biết cách sử dụng điều hòa đúng để tiết kiệm điện năng. Do đó, người dùng cần phải biết một số lưu ý sau để sử dụng điều hòa 2 chiều đúng cách và tiết kiệm trong quá trình sử dụng.
Để bảo vệ sức khỏe và tiết kiệm điện, người dùng cần phải để công suất điều hòa phù hợp với diện tích phòng. Chẳng hạn, điều hòa có công suất nhỏ sẽ không thể làm mát hay sưởi ấm đủ cho một căn phòng có diện tích lớn. Ngược lại, sử dụng điều hòa có công suất lớn cho phòng nhỏ sẽ gây lãng phí điện năng vô ích. Vì thế, đầu tiên, hãy để ý công suất của điều hòa đã phù hợp với diện tích phòng hay chưa.
Khá nhiều người sử dụng điều hòa, nhất là khi bật chế độ sưởi thường tăng nhiệt độ rất cao. Điều này ảnh hưởng lớn đến quá trình vận hành cũng như sức khỏe của người sử dụng trong phòng. Khi bước từ ngoài vào trong phòng, nếu nhiệt độ chênh lệch lớn sẽ gây ra sốc nhiệt, thậm chí bị ngất. Chênh lệch nhiệt độ so với ngoài trời tối đa chỉ đến 5-7 độ, không nên hơn. Khoảng nhiệt này giúp người sử dụng cảm thấy vừa ấm mà người từ ngoài bước vào không bị sốc nhiệt.
Theo tiêu chuẩn của các hãng, chế độ sưởi sẽ hoạt động tối ưu nhất khi nhiệt độ ngoài trời trên 7 độ C. Từ khoảng 7 độ trở xuống, hiệu quả sẽ giảm xuống. Lúc này, chúng ta nên sử dụng thêm các thiết bị khác như quạt sưởi, đèn sưởi… để mang lại hiệu quả tốt hơn trong sưởi ấm. Tuy nhiên, với khoảng thời gian mà nhiệt độ thấp như thế ở Việt Nam cũng không có nhiều nên bạn không càng quá quan tâm đến điều đó. Với lại khi nhiệt độ thấp, bạn cũng không nên tăng nhiệt độ trong phòng quá cao, tránh sốc nhiệt gây đến các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt... ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thi thoảng mở cửa để có khí tươi
Nhiều người đặt câu hỏi bật điều hòa nhiệt độ cao cho ấm vào mùa đông có làm mất oxy trong phòng không, nếu phòng được đóng kín? Có nên hé cửa phòng khi bật điều hòa để không khí đỡ khô nóng? Khắc phục thế nào, nên để mức nhiệt độ thế nào là hợp lý nhất? Câu trả lời là bật điều hòa nhiệt độ cao cho ấm vào mùa đông không làm mất oxy trong phòng. Nếu phòng quá kín thì phải thỉnh thoảng thông phòng để lấy khí tươi hít thở. Theo tiêu chuẩn Việt Nam là 27 m3/h/người, tiêu chuẩn Nhật là 20 m3/h/người. Khi thiếu oxy thường hay mệt mỏi và buồn ngủ.
Thông thường mỗi lần mở cửa ra vào là đã có được khoảng 3m3 khí tươi. Nếu ít mở, ví dụ ban đêm thì nên để hé cửa. Khe hở chừng 0,5 đến 1 cm chiều cao khe khoảng 2m.
Có nên bật điều hòa ấm cả ngày không, nhất là với những gia đình có trẻ nhỏ? GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho rằng không nên lạm dụng điều hòa quá nhiều và những lúc có mặt trời nắng ấm có thể tắt điều hòa và mở cửa sổ thông phòng. Khi trong nhà có trẻ nhỏ nên có máy phun ẩm để giữ độ ẩm không xuống thấp quá. Nếu không có máy phun ẩm, có thể treo khăn ướt, đặt chậu nước trong nhà, giữ độ ẩm trên 50% để tránh da bị nứt nẻ.
Kết hợp máy phun ẩm
Nhiều gia đình có trẻ nhỏ thường bật điều hòa cả ngày vào những khi thời tiết lạnh, nhiệt độ xuống thấp. Thói quen này có tốt cho sức khỏe không? GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho rằng, không nên lạm dụng điều hòa quá nhiều. Những lúc có mặt trời nắng ấm có thể tắt điều hòa và mở cửa sổ thông phòng. Nhiệt độ phòng trên 18 độ C và độ ẩm trên 50%. Khi trong nhà có trẻ nhỏ nên có máy bị phun ẩm để giữ độ ẩm không xuống thấp quá. Nếu không có máy phun ẩm, có thể treo khăn ướt, đặt chậu nước trong nhà, giữ độ ẩm trên 50%.
"Nếu không dùng máy phun ẩm, có thể bật quạt thông gió trong phòng để không khí lưu thông. Nên nhớ rằng, việc lưu thông không khí là rất quan trọng đối với sức khỏe của con người nhất là với trẻ nhỏ. Để trẻ trong phòng quá lâu với máy điều hòa, kể cả mùa nóng hay mùa lạnh đều có những tác động rất xấu đến sức khỏe.
Trừ khi trời quá lạnh, nhiệt độ xuống quá thấp, dưới 10 độ C, còn lại thì nên cho trẻ tiếp xúc với không khí bên ngoài, tăng sức đề kháng cho cơ thể, đồng thời hạn chế những tác động xấu từ không khí nóng nhân tạo", GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết.
Không để cho trẻ nằm trong điều hòa lâu dài, thời gian tối đa để sử dụng điều hòa cho trẻ không nên quá 2 tiếng mỗi lần. Sau 2 tiếng bố, me cần cho trẻ ra ngoài nhiệt đồ bình thường từ 15-20 phút. Mỗi khi cho trẻ ra ngoài cần mở rộng cửa bế trẻ khoảng 2-3 phút để trẻ làm quen với nhiệt độ môi trường xung quanh, nhưng nhớ là để bé mặc ấm và cũng phải tránh nơi có gió. Vào ban đêm thì nên bật điều hòa trước 10 -15 phút để làm ấm phòng sau đó mới đưa trẻ vào phòng ngủ. Nên để chế độ hẹn giờ sau 2 - 3 tiếng thì tắt máy.
Để tiết kiệm điện, nhiều người nghĩ rằng mua chiếc máy sưởi là đơn giản nhất. Máy sưởi làm ấm nhanh, gần như ngay lập tức khi bật máy và cảm giác ấm cũng rất gần với lò sưởi. Trong khi điều hòa làm ấm cả gian phòng, dù rộng hẹp thế nào, không gian lớn hơn nhiều thì sẽ tốn điện hơn nhiều. Nên dù công suất của máy sưởi có lớn, nhưng không gian hoạt động hẹp thì máy sưởi vẫn tiết kiệm điện.
Lý giải điều này, GS.TS Nguyễn Đức Lợi, cho biết, về lý thuyết thì máy điều hòa tiết kiệm điện hơn và an toàn hơn. Nhưng thực tế điều hòa sưởi ấm cả phòng còn máy sưởi thì có thể sưởi ấm cục bộ, không cần sưởi cả phòng. Do đó trong một số trường hợp máy sưởi có thể tiết kiệm hơn.
Ví dụ khi phòng rộng mà chỉ có 1 người làm việc thì có thể đặt máy sưởi ngay cạnh người hoặc chiếu thẳng vào người thì tiêu tốn điện năng cũng rất nhỏ. Và ngược lại, nếu cần làm ấm không gian rộng cho nhiều người thì việc dùng điều hòa lại tiết kiệm hơn. Sử dụng máy sưởi hay điều hòa phụ thuộc vào nhu cầu, mục đích, không gian, số lượng người cần sưởi ấm.
Nếu chỉ có nhu cầu làm ấm không khí một khoảng thời gian ngắn (khi tắm, ăn cơm, trước khi đi ngủ...) và điều kiện kinh tế chưa cho phép, người tiêu dùng nên chọn máy sưởi. Còn nếu muốn sử dụng thời gian dài (ngày/đêm) và để an toàn hơn, nên chọn máy điều hòa nhiệt độ hai chiều.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Trưa 6/11: Thông Tin Mới Vụ Nổ Ô Tô Ở TP.HCM, Tài Xế Chở Lãnh Đạo, Đổ Xăng Trước Khi Gặp Nạn | SKĐS