Bệnh không chỉ gây đau, nhức, khó chịu ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe mà còn có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. Tuy vậy, có thể phòng ngừa được.
Nam giới hay mắc gai cột sống
Gai cột sống (Spondylosis) là sự phát triển thêm ra của xương trên thân đốt sống, đĩa sụn, dây chằng quanh khớp. Gai thường xuất hiện ở đốt sống cổ và thắt lưng vì 2 bộ phận này hoạt động nhiều nhất nên dẫn đến tình trạng khớp thoái hoá nhanh hơn. Các phần xương sẽ mọc ra phía ngoài và hai bên của cột sống nên gọi là gai cột sống. Nói chung, bất cứ phần nào của cột sống cũng có thể bị ảnh hưởng bởi bệnh gai cột sống nhưng thông thường, khu vực cổ và thắt lưng hay mắc chứng bệnh này nhất. Tỷ lệ gai cột sống ở nam giới cao hơn nữ giới và tăng dần theo độ tuổi, vì vậy, tuổi càng cao càng dễ mắc gai cột sống.
Hình ảnh Xquang gai cột sống.
Nguyên nhân do đâu?
Nguyên nhân gây ra bệnh gai cột sống bắt nguồn từ phần đĩa tròn từ sụn nằm giữa hai đốt sống (được gọi là bao xơ đĩa đệm), khi nó gặp vấn đề bất thường cộng với sự lão hóa xương, khớp là nguyên nhân chủ yếu gây nên gai cột sống. Bởi vì lão hóa làm cho bao xơ đĩa đệm bị mất nước, nứt vỡ và xẹp đi. Kết quả là các đốt sống liền kề tiếp xúc trực tiếp với nhau và bắt đầu mòn dần do ma sát mỗi khi cử động, từ đó hình thành các gai xương, gây đau và cản trở hoạt động của khớp. Chính vì vậy, thoái hóa cột sống là nguyên nhân chính đưa đến gai cột sống.
Các nguyên nhân khác như viêm xương khớp, nhất là viêm khớp mạn tính. Do quá trình viêm mạn tính ảnh hưởng đến phần sụn đốt sống, lâu ngày phần sụn này bị hao mòn dần khiến bề mặt trơn láng của nó trở nên thô ráp, xù xì và cuối cùng hai bề mặt xương tiếp xúc, cọ xát lên nhau. Đến lúc này, cơ thể sẽ có một quá trình tự điều chỉnh để khắc phục hiện tượng trên nhưng kết quả của quá trình chỉnh sửa lại là sự hình thành gai xương. Hoặc do viêm gân làm kích thích các tế bào tạo xương, cuối cùng dẫn đến việc xương thừa làm mặt xương gồ ghề, gai mọc ra. Gai cột sống có thể do đĩa liên sống tổn thương, xẹp xuống, dây chằng giữa các đốt sống sẽ chùng giãn, khớp chuyển động nhiều hơn do chấn thương liên tục (sức ép, va chạm, cọ xát...). Trong trường hợp này, gai xương có thể là kết quả của việc xương tự phát triển sau khi liên tục bị chấn thương. Ngoài ra, yếu tố di truyền, phụ nữ sau mãn kinh, nhất là các trường hợp nội trợ do phải đứng, ngồi nhiều cũng có thể mắc gai cột sống.
Dấu hiệu nhận biết
Gai cột sống làm cho người bệnh đau nhức, tê buốt rất khó chịu. Nếu gai cột sống cổ, ngoài đau tê, nhức, buốt ở vai gáy có thể lan xuống cánh tay, tê tay, đôi khi làm giới hạn vận động. Trường hợp gai cột sống cổ nặng, chèn ép thần kinh, đau tê ở cổ lan qua hai tay, đau ở lưng, đau dọc xuống hai chân.
Nếu gai cột sống thắt lưng, triệu chứng đau thắt lưng gần như lúc nào cũng có, bên cạnh đó, đứng lên, ngồi xuống rất khó khăn. Đau tăng lên khi cử động, đi lại, cúi nhiều và sẽ giảm khi nghỉ ngơi. Nếu bệnh nặng, nhất là đã xuất hiện biến chứng do chèn ép thần kinh tọa sẽ gây đau lan xuống mông, đùi, mặt ngoài cẳng chân xuống mu bàn chân, ngón cái tương xứng với phía dây thần kinh tọa bị chèn ép (nếu thần kinh tọa hai bên bị chèn ép, bệnh sẽ thể hiện cả hai bên (mông, đùi, cẳng chân, mu bàn chân và ngón cái) thường kèm theo mất cảm giác.
Ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe?
Gai cột sống luôn làm cho người bệnh đau, nhức khó chịu, nhất là ban đêm, thời tiết chuyển mùa, gây mất ngủ, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống. Mặt khác, bị gai cột sống làm cho mọi sinh hoạt trong cuộc sống đều trở nên khó khăn (đi lại, xoay người, đứng lên, cúi xuống...) và phải nhờ đến sự trợ giúp của người khác. Một khi bệnh trở nên nặng, biến chứng sẽ xuất hiện do sự chèn ép dây thần kinh gây bí tiểu, táo bón, đại tiểu tiện không tự chủ, thậm chí có thể bị tàn phế hoặc tử vong, nếu phát hiện muộn, không được chữa trị hoặc chữa trị sai, nhất là tin vào người không có chuyên môn về y học để chữa trị.
Nguyên tắc điều trị
Khi thấy có biểu hiện của gai cột sống hoặc tiền sử bị thoái hóa cột sống (cổ, thắt lưng, lưng), cần đi khám bệnh, tốt nhất là khám chuyên khoa xương khớp hoặc khám nội tổng hợp. Khi biết được bệnh gai cột sống, cần tích cực điều trị theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh cho mình. Người bệnh không nên nghe theo sự mách bảo hoặc nghe theo truyền miệng đến chữa trị người không có chuyên môn về y học sẽ “tiền mất, tật mang”, không những thế, chữa trị ở những người này còn có thể đưa đến biến chứng nặng hơn, nguy hiểm hơn.
Nói chung, gai cột sống thường được điều trị bằng Tây y (thuốc giảm đau kháng viêm không steroid, thuốc giãn cơ hay sử dụng một số dụng cụ nâng đỡ như nẹp cổ (nhằm giảm bớt gánh nặng lên các đốt sống bị bệnh) kết hợp với châm cứu, xoa bóp, lý liệu pháp. Tuy nhiên, dùng thuốc gì, liều lượng như thế nào là chỉ định của bác sĩ khám bệnh cho mình, người bệnh không tự mua thuốc và không nghe theo tư vấn của người bán thuốc để mua thuốc của họ mà bệnh không khỏi, thậm chí nguy hiểm. Phẫu thuật chỉ đặt ra trong trường hợp có sự chèn ép vào tủy, làm hẹp ống tủy hoặc chèn ép hệ thần kinh và gây các biến chứng nguy hiểm.
Cần khám bệnh định kỳ, nhất là khi thấy có dấu hiệu bất thường về xương khớp, đặc biệt là người cao tuổi. Mặc dù lão hóa xương khớp dẫn đến gai cột sống là điều rất khó tránh khỏi nhưng người cao tuổi nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý (ăn thực phẩm chứa nhiều canxi như tôm, cá, tốt nhất là tôm, cá nhỏ để ăn cả xương...), nếu có điều kiện, nên uống sữa bò, dê (vì trong sữa có nhiều canxi). Cần vận động cơ thể đều đặn, đúng bài bản như tập thể dục buổi sáng, chơi các môn thể thao nhẹ, đơn giản (cầu lông, bơi...). Sáng sớm, lúc vừa ngủ dậy, nên xoa bóp vùng vai gáy, vùng thắt lưng (nếu có máy mát-xa càng tốt) hoặc hàng ngày nên đi bộ. Đi bộ là phương pháp dễ thực hiện với người cao tuổi. Tuy vậy, mỗi ngày nên đi bộ khoảng chừng 60 phút chia làm 2 - 3 lần là vừa, không nên đi bộ một lúc 60 phút. Tránh đi bộ lúc trời nắng, mưa, lạnh và không nên đi bộ nơi có nhiều người tham gia giao thông (ôtô, xe máy...). Những việc làm này nhằm hạn chế lão hóa, nhất là lão hóa xương khớp - một nguyên nhân hàng đầu gây gai cột sống.