Các bước sơ cứu tại chỗ khi gặp bị tai nạn giao thông cụ thể như sau:
Bước 1: Nhanh chóng tiếp cận hiện trường và xem xét nạn nhân
Khi xảy ra va chạm, tai nạn giao thông cần xem, đánh giá nhanh hiện trường xung quanh tai nạn để đảm bảo sự an toàn. Kiểm tra hiện trường có mối nguy hiểm không như cháy nổ bình nhiên liệu xe, …cần phải loại bỏ trước tiên.
Cần tránh tiếp xúc trực tiếp với chất thải, máu của nạn nhân… (nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm như HIV, viêm gan,…). Dùng găng tay, bọc túi bóng sạch…nếu phải tiếp xúc trực tiếp.
Nếu hiện trường an toàn, nhanh chóng xem, kiểm tra nạn nhân.
Không được vội vàng di chuyển nạn nhân trừ khi đó là trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng. Sau đó cần gọi số cấp cứu 115 hoặc cơ sở y tế gần nhất. cần mô tả địa điểm tai nạn, số lượng nạn nhân, mô tả nạn nhân…Yêu cầu giúp đỡ và vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế. Gọi thêm người xung quanh đến cùng tham gia cứu nạn nhân. Trong lúc chờ cấp cứu 115 đến thì cần thực hiện các bước tiếp theo.
Bước 2: Thực hiện an toàn nạn nhân
Cần xem xét đánh giá và xử trí ban đầu cho nạn nhân theo thứ tự như sau
- Xem xét đường thở: Kiểm tra đường thở của nạn nhân trước hết cần giữ tư thế đầu nạn nhân thông thoáng đường hô hấp.
Đánh giá xem nạn nhân có bị tắc nghẽn đường thở do máu chảy, răng gãy,…. Nếu có, phải lấy tay móc họng để lấy các dị vật đó ra.
Giữ đầu ở tư thế trung gian, không ngửa quá và cũng không gập quá. Hạn chế xoay lắc đầu tránh làm tổn thương thêm cột sống cổ nếu có.
-Xem xét hô hấp: Cần xem xét, đánh giá nạn nhân có đang bị ngưng thở hay khó thở không, nếu ngưng thở, phải tiến hành ngay hô hấp nhân tạo.
Nếu có khó thở, phải đặt nạn nhân ở tư thế đầu cao hơn ngực, tìm nguyên nhân gây khó thở như: Gãy xương sườn nếu có cần băng ép cố định; Vết thương ngực hở có phì phò khí nếu có cần băng bịt kín chỗ phì phò;. Vết thương ngực còn dị vật đâm chọc vào -không được rút ra và quấn băng quanh chân dị vật rồi chuyển đến cơ sở y tế có thể phẫu thuật.
- Xem xét tuần hoàn: Cần xem xét đánh giá nạn nhân có đang bị shock không, nếu có dấu hiệu shock: tay chân lạnh, vã mồ hôi, chóng mặt, khát nước, hoa mắt, lơ mơ, vật vã…cần xử trí đúng cách cho nạn nhân nằm ngữa, đầu thấp, nơi thoáng mát…
Sau đó tìm nguyên nhân gây shock và xử trí bằng cách xử trí vết thương ở tay chân chảy máu nếu có thì cần băng ép hoặc làm garo cầm máu. Gãy xương lớn như đùi, cẳng chân nếu có thì cần cố định xương gãy.
- Xem xét thần kinh: Cần đánh giá nạn nhân tỉnh hay mê, Cấu véo còn cảm giác không hay có yếu liệt tay chân không?; Cần đánh giá vùng đầu xem có vết thương đầu chảy máu nếu có cần băng ép cầm máu; Vết thương đầu có mô não lòi ra nếu có cần băng sạch che lại, không được băng ép. Trường hợp có dị vật đâm kẹt nếu có cần không được rút ra tại hiện trường, băng quanh chân dị vật. Nếu có tổn thương về thần kinh thì cần chuyển sớm đến cơ sở y tế.
Bước 3: Kiểm tra ghi nhận các thương tích toàn thân
Sau khi đánh giá tình trạng nạn nhân thì có thể nới rộng áo quần, kiểm tra ghi nhận các thương tích toàn thân nếu có. Chú ý các vị trí áo quần thấm máu của nạn nhân.
Băng ép cầm máu nếu phát hiện ra vết thương. Không rút dị vật ra khỏi vết thương. Nếu nghi ngờ có tổn thương cột sống cổ hoặc lưng (nếu có) cần bất động nạn nhân trên ván cứng.
Ở phụ nữ, cần lưu ý xem có thai hay không sau đó cần thực hiện bước kiểm tra:
+ Cần kiểm tra tri giác của nạn nhân: vỗ nhẹ vào má và hỏi
+ Kiểm tra đường thở: lau sạch vùng họng miệng, để cổ ngữa thẳng, đảm bảo hô hấp tốt
+ Kiểm tra hô hấp và tuần hoàn: đặt tai của người sơ cứu đến gần miệng nạn nhân để nghe hoặc cảm nhận tiếng thở, đồng thời nhìn ngực nạn nhân có biểu hiện hít vào thở ra hay không? Dùng ngón tay sờ lên cổ nạn nhân, kiểm tra mạch đập.
Thực hiện đủ 3 bước trên giúp đánh giá xem có cần tiến hành làm hô hấp nhân tạo cho nạn nhân không, nếu có cần thực hiện hô hấp nhân tạo để cứu sống nạn nhân rồi chuyển ngay tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.
Tóm lại, thực hiện sơ cứu tai nạn giao thông đúng cách sẽ giảm tổn thương thêm và tăng khả năng hồi phục sức khỏe cho nạn nhân. Các bước thao tác bảo vệ, cảnh báo an toàn hiện trường, an toàn cho người cấp cứu và nạn nhân là những việc cần thiết trước khi cấp cứu nạn nhân. Vì người cấp cứu không an toàn thì không thể cứu được ai mà còn có thể nguy hại đến tính mạng mình.
Mời độc giả xem thêm video:
5 nhóm người không nên ăn nhiều thịt lợn