Hà Nội

Cách sơ cứu khi ngộ độc nấm Ma

11-11-2014 09:40 | Y học 360
google news

SKĐS - Vừa qua, 19 người tại bản Si Cha Chải, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã phải nhập viện do ngộ độc nấm Ma

Vào ngày 2/11/2014, 19 bệnh nhân kể trên đã ăn nấm tự nhiên mọc trong rừng và sau đó xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, nôn, đau bụng. Các bệnh nhân này được cấp cứu, điều trị tích cực tại bệnh viện đa khoa tỉnh và hiện toàn bộ đã ổn định.

Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Sơn La cũng đã nhanh chóng triển khai điều tra và lấy được mẫu nấm gây ngộ độc gửi Trung tâm phòng chống nhiễm độc - Học viện Quân Y và xác định loài nấm đã gây ngộ độc là nấm Ma (Tên khoa học: Omphalotus nidiformis, Họ: Mirasmiaceae). Loài nấm này thường gặp ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam và đã gây ra nhiều vụ ngộ độc tại các tỉnh Bắc Kạn, Sơn La...

Mẫu nấm Ma (Omphalotus nidiformis) đã gây ngộ độc cho 19 người tại xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu

Mẫu nấm Ma (Omphalotus nidiformis) đã gây ngộ độc cho 19 người tại xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu

Đặc điểm nhận dạng nấm Ma:

Nấm Ma thường mọc trên cây gỗ mục trong rừng thành từng đám lớn.

Hình thể của nấm Ma: Là dạng thể quả; mũ nấm hình quạt hoặc hình phễu, màu trắng hoặc màu kem hoặc xám hoặc hơi vàng (phụ thuộc vào nấm mọc trên loài cây gỗ mục nào), giữa mũ nấm thường có màu thậm hơn, khi già mép mũ nấm thường cuốn xuống, đường kính mũ 2–10 cm (tùy theo nấm non hay trưởng thành và tùy theo chất dinh dưỡng trong gỗ mục); phiến nấm màu trắng đến hơi vàng, hơi xám; cuống nấm thường đính lệch vào mũ, dài 2 – 4 cm; thịt nấm màu trắng.

Đặc biệt, loài nấm Ma phát sáng trong đêm khi trời ẩm, sau cơn mưa.

Nấm Ma (Omphalotus nidiformis) mọc tại xã Nậm Păm, huyện Mường La, Sơn La

Nấm Ma (Omphalotus nidiformis) mọc tại xã Nậm Păm, huyện Mường La, Sơn La

Đặc điểm ngộ độc nấm Ma:

Độc tố của nấm Ma là illudin. Đây là một chất phát quang hay còn gọi là chất lân tinh (phát sáng trong bóng tối). Đây là loài nấm gây rối loạn tiêu hóa và không gây chết người.

Triệu chứng đầu tiên xuất hiện ngộ độc sau ăn nấm khoảng 30 phút – 3 giờ (tùy theo số lượng nấm đã ăn và lượng thức ăn kèm theo) với biểu hiện: Buồn nôn, nôn mửa, đau bụng (gây co thắt, kích thích đường tiêu hóa). Điểm đặc biệt của loài nấm này là thường không gây ỉa chảy.

Thông thường người bị ngộ độc nấm ma sẽ khỏi trong vòng từ 3 đến 5 ngày.

Cách sơ cứu khi bị ngộ độc nấm Ma:

Gây nôn (bằng biện pháp cơ học): Trong vòng vài giờ sau ăn nấm (tốt nhất trong giờ đầu tiên) nếu bệnh nhân là người trên 2 tuổi, tỉnh táo, chưa nôn nhiều. Cho bệnh nhân uống nước và gây nôn.

- Uống than hoạt: liều 1gam/kg cân nặng người bệnh.

- Cho người bệnh uống đủ nước, tốt nhất là dùng oresol.

- Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

TS. Lâm Quốc Hùng (Cục An toàn Thực phẩm)


Ý kiến của bạn