Cách sơ cứu khi bị bỏng

24-10-2013 05:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Các phương pháp dân gian sơ cứu bỏng nông từ chia sẻ của một bác sỹ đông y.

Lần trước ad đã cung cấp cho các bạn cách sơ cứu nói chung khi bị bỏng, lần này mời các bạn đọc và chia sẻ những thông tin cần thiết của một bác sĩ đông y về các phương pháp dân gian sơ cứu bỏng nông.

Theo Th S Hoàng Khánh Toàn, bỏng là một trong những bệnh lý thường gặp trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Khi bị bỏng, cần nhanh chóng loại bỏ nguyên nhân như dập tắt lửa, cởi bỏ quần áo thấm nước hay dầu mỡ sôi, đưa bệnh nhân ra khỏi vùng gây bỏng... rồi tiến hành các biện pháp sơ cứu ban đầu.

Nhanh nhất là ngâm vùng bị bỏng vào nước mát sau đó cuốn băng để khỏi phồng rộp và có thể sử dụng các kinh nghiệm dân gian sau đây:

- Nếu vết bỏng chưa gây xuất hiện nốt phỏng, dùng bông hoặc gạc sạch tẩm nước muối loãng để nguội hoặc giấm thanh đắp vào vị trí tổn thương, người bệnh có thể cảm thấy rát xót nhưng chống được hiện tượng phồng da và giúp làm sạch vết bỏng.

- Cây chuối tươi rửa thật sạch, thái nhỏ rồi giã vắt lấy nước, tẩm bông đắp vào vị trí tổn thương. Dùng chuối tây hay chuối tiêu đều được.

- Lấy lá mướp non rửa thật sạch, giã nát đắp lên vết bỏng để hạ nhiệt và tránh phỏng da.

- Thân cây chuối non 1 đoạn, bóc bỏ bẹ lấy lõi rồi vắt lấy nước bôi hoặc tẩm bông đắp vào vết bỏng giúp tránh hình thành nốt phỏng và nếu có nốt phỏng thì sẽ làm đỡ rát và tạo điều kiện cho vết thương mau lành.

- Lá sống đời (lá thuốc bỏng) 3-4 cái rửa thật sạch, giã nát rồi đắp lên vết bỏng. Có thể kết hợp với các loại lá như lá mướp non, lá khoai lang, lá mít non.

- Lá trầu không hoặc lá xương sông lượng vừa đủ, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước rồi bôi lên vết bỏng.

- Lá cây khoai nước rửa sạch, giã nát đắp vào vết bỏng.

- Mỡ rắn, mỡ trăn (nếu được mỡ trăn “mặt hổ” hay trăn đất là tốt nhất) hoặc mỡ rùa hoặc mỡ cá mập đã rán thành dầu bôi nhiều lần lên vết bỏng.

- Dùng mật ong hoặc dầu cá hoặc dầu vừng bôi vào vết bỏng.

- Da con sứa ở biển rửa sạch, đắp lên vết bỏng.

- Khoai tây lượng vừa đủ rửa sạch, luộc chín, bóc bỏ vỏ rồi nghiền nát, đắp vào vết bỏng.

- Đậu phụ 1 miếng nghiền nát, trộn với đường trắng lượng vừa đủ rồi đắp lên vết bỏng, khi khô lại thay bằng miếng khác.

Các bài thuốc trên đây chỉ dùng để sơ cứu ngay sau khi bị bỏng và đối với bỏng độ I (bỏng nhẹ, đỏ rát ngoài da, không gây nốt phỏng), độ II (có nốt phỏng da nhưng diện tích nhỏ ở vị trí thông thường, không dùng cho vùng nguy hiểm như mắt, tầng sinh môn). Trường hợp bỏng nặng và diện rộng sau khi sơ cứu ngâm nước mát cho đỡ rát mà không nên bôi thứ gì và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất.

Theo Sức khỏe và Đời sống


Ý kiến của bạn