Cách sơ cứu cho trẻ khi bị vật sắc nhọn đâm, cha mẹ cần biết

28-06-2017 07:11 | Đời sống
google news

SKĐS - Nghỉ hè là thời điểm gia tăng các tai nạn thương tích, trong đó có tai nạn thương tích từ vật nhọn. Theo các bác sĩ, nếu không được xử lý đúng cách khi bị vật nhọn đâm dễ khiến trẻ gặp nguy hiểm.

Trẻ gặp nạn chủ yếu do người lớn lơ là

Thời gian gần đây, tại BV Tai Mũi Họng Trung ương, BV Nhi Trung ương liên tiếp tiếp nhận các trường hợp trẻ gặp tai nạn từ những đồ vật sắc nhọn vốn là những dụng cụ các gia đình sử dụng hàng ngày như kéo, dao, đinh, đũa….

Theo ThS.BS Trần Hữu Thắng, Phụ trách Khoa Cấp cứu, BV Tai Mũi Họng Trung ương, đa số các trường hợp xảy ra đều bắt nguồn từ sự lơ là của người lớn trong quá trình trông nom, chăm sóc trẻ.

Chiếc kéo đâm vào tai trẻ 2 tuổi ở Nam Định, cấp cứu tại BV Tai Mũi Họng Trung ương.


"Chỉ một khoảnh khắc bất cẩn của người lớn cũng có thể dẫn đến những hậu quả rất khó lường. Trẻ thường hiếu động, tò mò, thích khám phá và không ý thức được hiểm họa rình rập khi chơi đùa nên dễ bị tai nạn do vật nhọn đâm phải như đũa, dĩa, thìa, kéo… đâm vào mũi họng. Hậu quả để lại do các tai nạn với các mức độ khác nhau, thậm chí để lại những di chứng cho trẻ"- ThS. Thắng nói.

Để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, ThS. Thắng khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần cẩn trọng khi trông nom trẻ. Không nên để con đùa nghịch, chạy chơi khi đang cầm đũa hoặc các vật dụng sắc nhọn trên tay. Cần giữ trẻ tránh xa những vật dụng có thể gây nguy hiểm như thìa, đũa, đĩa, bút, thước, đinh, kéo, dao... Để các vật sắc nhọn nguy hiểm này ở trên cao, ngoài tầm với của trẻ. Cha mẹ cần giải thích cách dùng và những nguy hiểm nếu có của đồ vật cho trẻ hiểu. Cần dạy trẻ cách sử dụng an toàn và cách phòng tránh tai nạn đối với các vật dụng trong nhà để trẻ có kỹ năng tự bảo vệ mình.

Không tìm mọi cách để lấy vật sắc nhọn đã cắm sâu

ThS. Thắng cho biết, khi bị vật nhọn đâm vào cha mẹ không nên mất bình tĩnh mà rút vội vật nhọn ra. Điều này rất sai lầm vì dễ khiến máu chảy nhiều, nguy hiểm tính mạng mà nên chuyển đến cơ sở y tế gần nhà. Chỉ nên rút vật đâm khi nó nhỏ và không đâm sâu quá 1cm. Trong trường hợp không chắc về độ sâu hoặc bị đâm sâu hơn 1cm, bạn cần ép chặt vết thương lại để ngăn máu chảy, có thể dùng vải, băng gạc buộc tạm rồi di chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.

Một số trường hợp trẻ còn nuốt cả những vật sắc nhọn như đinh vít, dây xích… Với những trường hợp hóc dị vật là những vật sắc nhọn đã được nuốt sâu vào trong phế quản cũng cần phải tránh tuyệt đối việc tìm cách gây nôn và không được làm những thủ thuật đơn giản cố đưa dị vật ra vì sẽ gây tổn thương thêm. Gây nôn chỉ áp dụng đối với trường hợp hóc dị vật là những vật tròn, nhỏ, không sắc cạnh và chưa đi sâu vào trong phế quản.

Ảnh minh họa.

Theo ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, nếu không may bị vật nhọn đâm vào người, sau khi xử lý vết thương, nên đến cơ sở y tế để tiêm uốn ván dù vết thương nhỏ hay lớn vì không biết trong dị vật đó có vi trùng gây uốn ván hay không.

Uốn ván là tình trạng nhiễm khuẩn nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong cao gây ra bởi một độc tố protein mạnh là tetanospasmin do Clostridium tetani tiết ra. Trực khuẩn này phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí, sau đó giải phóng ngoại độc tố vào máu và tấn công vào các bản vận động thần kinh – cơ, làm cho bệnh nhân bị co cứng cơ và trên nền cứng đó xuất hiện các cơn co giật. Nếu không xử lý kịp thời dễ nguy hiểm tính mạng.

Trường hợp vết thương chảy máu cần dùng bông gạc hoặc vải sạch ấn trực tiếp vào chỗ bị đâm cho máu không chảy nữa. Ngoài ra, bạn cần rửa sạch vết thương bằng nước muối ấm để tránh nhiễm trùng. Sau khi rửa vết thương, đợi khô hẳn rồi dùng băng gạc sạch băng bó lại. Thay băng mỗi ngày để đảm bảo vết thương sạch và nhanh lành. Nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường liên quan đến vết thương nên đến bác sĩ.

Những tai nạn trẻ em gặp phải do đùa nghịch với các vật dụng hàng ngày không phải là hiếm gặp. Ngày 20/6, Khoa cấp cứu, BV Tai Mũi Họng Trung ương đã cấp cứu cho một bé trai 2 tuổi bị chiếc kéo đâm sâu vào tai được chuyển từ BVĐK tỉnh Nam Định lên. Kết quả phim chụp X-quang cho thấy hình ảnh dị vật mũi kéo đâm sâu vào vùng xương chũm khoảng hơn 3cm. May mắn cháu không có tổn thương ở dây thần kinh số 7 và mê nhĩ. Ngay sau đó, các bác sĩ đã nhanh chóng quyết định gây mê nội khí quản rút dị vật ra. Theo mẹ cháu kể, buổi chiều khi đang làm việc nhà, con trai ngồi chơi ở phòng khách và không biết cầm kéo từ khi nào. Nghe con khóc toáng lên, mẹ cháu chạy vào đã thấy chiếc kéo gỉ đâm sâu vào tai.

Trước đó, cũng tại BV Tai Mũi Họng Trung ương, có trường hợp bé trai bị cành cây nhọn đâm rách động mạch cảnh, gây áp xe phức tạp. Các bác sĩ phải nỗ lực rất nhiều mới cứu sống được bệnh nhi.

Tại BV Nhi Trung ương cũng đã cấp cứu cho bé N.P.H 3 tuổi ở Vĩnh Phúc do bị chiếc đũa chọc sâu vào mũi. Được người nhà cho đi ăn cỗ, khi ngồi vào mâm bé đã lấy đũa ăn để chơi. Trong lúc người nhà không để ý bé bị ngã, chiếc đũa chọc sâu vào mũi khiến bé chảy rất nhiều máu, vùng sàng tháp mũi và gốc mũi sưng và thâm tím. Sau khi được cấp cứu tại tuyến tỉnh, sức khỏe cháu không tiến triển nên gia đình chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây cháu được nội soi tai, mũi, họng, tiến hành lấy dị vật trong mũi, chăm sóc vùng tổn thương…

Trường hợp khác ở Hà Nội, trong lúc đang gọt hoa quả, người mẹ chạy ra ngoài nghe điện thoại khiến con nghịch dao đâm vào mắt. Ngay lập tức gia đình đưa con đi cấp cứu, các bác sĩ cho biết, chỉ một chút nữa là không thể cứu được mắt bé, nhưng hệ quả là một vết sẹo lồi đã làm đôi mắt vốn trong veo của con xấu đi.

Dương Hải
Ý kiến của bạn