Hà Nội

Cách sơ cứu cầm máu đúng theo khuyến cáo của bác sĩ

11-11-2024 14:54 | Phòng mạch online

SKĐS - Trong sinh hoạt, lao động có thể xảy ra tai nạn gây chảy máu. Việc sơ cứu cầm máu đúng cách giúp người bệnh ngưng chảy máu, tránh rối loạn tuần hoàn, ngưng tim ngưng thở và giữ được tính mạng.

Ngã vào chân vịt xuồng máy, người đàn ông bị chém đứt gân tay

Mới đây, bệnh nhân P.V.Đ (49 tuổi, ở Long An) bị đa chấn thương, đứt gân tay vì ngã vào chân vịt xuồng máy.

Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó khi đang điều khiển xuồng máy về nhà, do bất ngờ quay xuồng gấp khiến mất thăng bằng, bệnh nhân Đ bị ngã xuống sông. Không may, phần thân trên bệnh nhân Đ bị cuốn vào chân vịt xuồng máy đang chạy khiến ông bị chém ở ngực, mặt, hai cánh tay.

Ngay sau đó, bệnh nhân Đ được đưa đến khoa Cấp cứu của Bệnh viện Xuyên Á (Long An) trong tình trạng vết thương rất nghiêm trọng.

Theo ThS.BS Nguyễn Tiến Lộc - Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Xuyên Á, bệnh nhân được hội chẩn và quyết định phẫu thuật khẩn vì hệ thống động mạch, dây thần kinh và nhiều gân liên quan đến cử động của cổ tay bị máy chém đứt gân hoàn toàn. Bệnh nhân đã được khâu nối và điều chỉnh các gân bị tổn thương.

"Sau phẫu thuật sức khỏe bệnh nhân Đ đã ổn định. Các ngón tay trái bắt đầu có thể cử động nhẹ, đây là một tín hiệu khả quan cho thấy mạch máu và các dây thần kinh khâu nối đang có dấu hiệu hồi phục tốt. Tuy nhiên, do tổn thương nặng ở hệ thống dây thần kinh, việc phục hồi toàn diện sẽ phụ thuộc vào các dây thần kinh có lành tốt hay không và quá trình tập luyện vận động của bệnh nhân sau này", BS Lộc chia sẻ.

Cách sơ cứu cầm máu đúng theo khuyến cáo của bác sĩ- Ảnh 1.

Bệnh nhân bị chém đứt gân tay và nhiều nơi khác. Ảnh: BSCC

Cách sơ cứu đúng vết thương chảy máu 

Theo BS. Lộc, đa số các chấn thương nhẹ gây chảy máu như vết cắt, vết trầy thường không nghiêm trọng. Trường hợp động mạch hoặc tĩnh mạch lớn bị tổn thương (ví dụ tĩnh mạch cảnh ở cổ), nạn nhân có thể bị chảy máu trầm trọng, tính mạng bị đe dọa. Vì vậy, việc sơ cứu cầm máu đúng cách và kịp thời có thể góp phần cứu sống người bệnh.

Đối với vết thương chảy máu ngoài:
  • Nhanh chóng ép trực tiếp lên vết thương. Nếu có điều kiện thì đặt lên vết thương một miếng gạc hoặc miếng vải sạch trước khi ép trực tiếp.
  • Nếu vết thương chảy máu nhiều, đừng lãng phí thời gian tìm kiếm băng gạc, hãy dùng chính bàn tay của bệnh nhân hay bàn tay của bạn để ép vết thương lại (nếu nạn nhân không thể tự làm việc này).
  • Nâng cao vùng bị tổn thươngÐặt nạn nhân nằm ở tư thế thoải mái thuận tiện, nâng cao vùng bị tổn thương để giảm áp lực máu tới vùng này.
  • Dùng băng cuộn hoặc dây vải băng ép miếng gạc hoặc miếng vải vào vết thương. Không băng quá chặt như hình thức ga rô.
  • Các vết thương chảy máu có dị vật như mảnh gỗ, kim loại hoặc bất kỳ vật gì đâm vào và vẫn cắm ở vết thương thì không được rút dị vật ra. Bịt kín vết thương bằng cách ép mép vết thương sát với dị vật. Dùng miếng vải vuông hoặc một khăn tam giác quấn lại thành vòng đệm xung quanh dị vật, sau đó dùng băng ép lại như với vết thương không có dị vật, chú ý không gây áp lực trực tiếp lên dị vật. Kể cả khi bị thương ở tay hay nửa trên của người, bệnh nhân cũng cần được nghỉ ngơi trong tư thế thuận tiện ít nhất 10 phút để giúp cầm máu.
  • Giữ yên tĩnh cho nạn nhân, động viên an ủi nếu nạn nhân tỉnh táo sau đó nhanh chóng chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.
  • Vết thương nhỏ và nạn nhân có thể di chuyển bằng ô tô xe máy thông thường thì chuyển ngay nạn nhân tới cơ sở y tế gần đó. Nếu vết thương nặng hay tình trạng nạn nhân xấu thì gọi cấp cứu càng sớm càng tốt. Trong khi chờ đợi hoặc trên đường vận chuyển phải theo dõi sát tình trạng hô hấp, tuần hoàn của nạn nhân. Giữ ấm cho nạn nhân.
  • Cố gắng tránh tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các loại dịch khác từ cơ thể nạn nhân. Sử dụng găng tay dùng một lần nếu có thể. Nếu không có găng thì dùng túi nilon thông thường để thay thế.
  • Nếu máu thấm qua gạc và băng thì dùng lớp băng thứ hai quấn chặt lên lớp băng cũ. Với các vết thương chảy máu quá mạnh không thể kiểm soát, cần nhanh chóng thay lớp gạc và băng thứ nhất đã sũng máu bằng lớp gạc và băng mới. Máu không cầm được có thể là do tấm gạc thứ nhất dùng để chèn vết thương đã bị trượt khỏi vị trí ban đầu.

Đối với vết thương chảy máu trong:


Chảy máu trong xuất hiện khi các mạch máu bên trong cơ thể bị vỡ và máu thoát ra khỏi hệ tuần hoàn. Hiện tượng này có thể xảy ra khi nạn nhân bị đập mạnh vào đầu, ngực hay bụng do ngã hoặc bị xe đâm. Người không có chuyên môn thường khó nhận biết các dấu hiệu của chảy máu trong.

Cần nghi ngờ chảy máu trong khi xuất hiện máu trong dịch nôn, đờm, nước tiểu hoặc phân. Nạn nhân có thể thở nhanh, thở hổn hển, khát nước ngày càng tăng, ho ra máu đỏ tươi lẫn bọt, nôn ra máu đen như màu bã cà phê, nước tiểu đỏ tươi hay có màu gỉ sắt (nâu đỏ nhạt), phân đen như nhựa đường. Bệnh nhân nhợt nhạt, thấy lạnh, da ẩm ướt.

Xử trí đúng là bình tĩnh đặt nạn nhân nằm nghỉ ở tư thế thoải mái dễ chịu nhất. Đắp chăn giữ ấm cho nạn nhân. Trải tấm lót cho nạn nhân nằm lên trên nếu mặt đường gồ ghề hoặc nóng quá hay lạnh quá.

"Khi thấy nạn nhân có vết thương chảy máu, song song với sơ cứu bệnh nhân thì cần gọi ngay cấp cứu 115. Trong khi chờ đợi nới rộng quần áo, nhất là ở vùng cổ và thắt lưng, trấn an người bệnh"- BS. Lộc khuyến cáo thêm.

Gặp người bị tai nạn giao thông, sơ cứu thế nào?Gặp người bị tai nạn giao thông, sơ cứu thế nào?

SKĐS - Những kiến thức được phổ biến tại lớp tập huấn giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguy cơ tai nạn thương tích, tai nạn giao thông và tầm quan trọng của sơ cấp cứu trong tình huống khẩn cấp.

K. M
Ý kiến của bạn
Tags: