1. Nguyên nhân khiến tóc hư tổn
Tóc hư tổn khi các hóa chất mạnh được sử dụng trong uốn tóc, duỗi tóc, nhuộm tóc, tẩy màu tóc… tấn công lớp biểu bì của tóc. Lớp biểu bì là lớp ngoài cùng của thân tóc và là tuyến phòng thủ đầu tiên bảo vệ cấu trúc bên trong của sợi tóc. Khi tóc bị tổn thương nghiêm trọng do hóa chất, lớp biểu bì sẽ bị bào mòn, để lộ thân tóc.
Một nghiên cứu của Tạp chí Khoa học Mỹ phẩm Mỹ đã phân tích và đo lường các phương pháp xử lý tóc bằng hóa chất làm giảm tính chất cơ học tổng thể của sợi tóc, gây tổn hại đến protein cấu trúc cũng như tổn thương bề mặt tóc. Do đó, việc xử lý màu và hóa chất lặp đi lặp lại hoặc sử dụng dụng cụ tạo kiểu nóng quá mức có thể làm thay đổi kết cấu của tóc, thậm chí dẫn đến gãy rụng.
Dấu hiệu của tóc bị hư tổn nặng do hóa chất, bao gồm:
- Sợi tóc khô, giòn, dễ rối
- Tóc bị gãy, rụng và chẻ ngọn
- Tóc xỉn màu và thiếu độ đàn hồi
2. Cách phục hồi tóc hư tổn
Bước đầu tiên trong việc phục hồi sức khỏe và kết cấu của tóc là thay đổi chế độ ăn uống. Một chế độ ăn giàu vitamin và chất dinh dưỡng sẽ cải thiện các chức năng bên trong cơ thể cũng như vẻ ngoài của làn da và mái tóc. Đảm bảo bổ sung nhiều protein nạc, biotin, sắt và vitamin E, C và A vào bữa ăn hàng ngày.
Các thực phẩm như trứng không chỉ giàu protein mà còn giàu chất dinh dưỡng như kẽm và selen giúp duy trì sức khỏe của tóc. Cá chứa omega-3 và protein cũng như nhiều loại vitamin và khoáng chất khác nhau cũng rất hữu ích cho sức khỏe của tóc. Các loại hạt giàu kẽm, axit linolenic và vitamin, giúp tóc và da khỏe đẹp. Ngoài ra mè đen, đậu đen giàu protein và cải thiện sự hình thành sắc tố melanin, ngăn ngừa tóc bạc và giúp tóc đen bóng mượt.
Bên cạnh việc thay đổi chế độ ăn uống, bạn cũng cần thực hiện các biện pháp khác để cải thiện tình trạng tóc hư tổn.
Các biện pháp này bao gồm:
- Cắt tóc định kỳ: Cách nhanh nhất để loại bỏ những phần tóc bị hư tổn là duy trì việc cắt tóc thường xuyên. Cắt tóc 6-8 tuần một lần để loại bỏ hoặc ngăn ngừa tình trạng tóc chẻ ngọn. Tóc chẻ ngọn cũng khiến tóc dễ gãy, khô và hư tổn.
- Thay đổi dầu gội và dầu xả: Hãy tìm loại dầu gội và dầu xả có công thức chứa các thành phần hỗ trợ tóc như protein, chất chống oxy hóa và dầu dưỡng ẩm để giúp phục hồi tóc. Tránh các sản phẩm có chứa sunfat, chất hoạt động bề mặt mạnh có thể làm rụng tóc. Khi gội, không cần dùng quá nhiều dầu gội. Thay vì bóp dầu gội ra và xoa trực tiếp lên tóc, bạn nên xoa dầu gội vào tay để tạo bọt trước rồi thoa lên tóc.
- Dưỡng ẩm cho tóc: Giống như da khô dễ bị tổn thương dù chỉ là một kích ứng nhỏ, tóc cũng vậy. Ðiều quan trọng là cung cấp độ ẩm cho tóc bằng cách thoa dầu, serum hoặc tinh chất để chăm sóc tóc hư tổn. Những sản phẩm này giúp tạm thời cải thiện vẻ ngoài và giữ ẩm cho các sợi tóc.
- Chăm sóc da đầu: Da đầu cũng quan trọng trong việc chăm sóc tóc. Ðể phục hồi mái tóc hư tổn, bạn cần chăm sóc không chỉ tóc mà còn cả da đầu. Trước khi gội đầu, hãy chải tóc bằng lược dày và mềm. Việc này không chỉ loại bỏ bụi bẩn, tế bào chết trên da đầu mà còn massage tóc và da đầu để dầu gội và các thành phần dưỡng tóc thẩm thấu tốt hơn. Khi gội đầu, nên dùng đầu ngón tay và massage nhẹ nhàng, thay vì dùng móng tay làm trầy xước da đầu.
- Hạn chế sấy nóng: Một trong những giải pháp tốt nhất cho tóc hư tổn là hạn chế sấy khô và sấy nóng sau mỗi lần gội. Không khí nóng từ máy sấy tóc gây kích ứng da đầu và làm hỏng protein của tóc. Nếu có thể, tốt nhất bạn nên dùng hơi lạnh để làm khô tóc.
Bên cạnh đó cũng cần giảm thiểu việc sử dụng các công cụ tạo kiểu tóc bằng nhiệt, hạn chế sử dụng hóa chất, bảo vệ tóc khỏi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời và duy trì thói quen chăm sóc tóc cân bằng và nuôi dưỡng.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Rụng tóc khi nào cần đi khám bác sĩ?