Kỳ nghỉ Tết kéo dài kèm theo đó là sự xáo trộn trong sinh hoạt cũng như ăn uống, nghỉ ngơi dễ khiến nhiều người gặp phải tình trạng mệt mỏi, uể oải và rất khó tập trung khi trở lại công việc.
Một số vấn đề về sức khỏe có thể gặp sau Tết
Thời điểm lễ Tết rơi vào lúc giao mùa kết hợp với những xáo trộn trong sinh hoạt, ăn uống, tập luyện… là cơ hội để một số bệnh lý bùng phát hoặc các bệnh lý nền trở nặng hơn. Các vấn đề về sức khỏe có thể gặp sau dịp nghỉ Tết là:
- Các bệnh lý đường tiêu hóa: Do dịp lễ Tết ảnh hưởng đến việc ăn uống khiến nhiều người bỏ bữa, ăn không đúng bữa, ăn nhiều đồ dầu mỡ, đồ ăn cay nóng… Vậy nên sau kỳ nghỉ Tết một số vấn đề về tiêu hóa có thể gặp là: khó tiêu, ăn uống kém, viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày….
- Các bệnh lý về đường hô hấp: Không khí nồm ẩm kèm theo mưa và sự xuất hiện của các loại nấm mốc, côn trùng, bụi trong không khí… là điều kiện thuận lợi làm gia tăng các bệnh lý về hô hấp, dị ứng. Một số bệnh lý có thể gặp như: hắt hơi, sổ mũi, đau ngực, ho đờm, khó thở… Các bệnh lý nền như viêm phổi, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… cũng có nguy cơ bị nặng lên.
- Các bệnh lý về xương khớp: Lễ Tết là thời điểm mọi người di chuyển, tham gia các hoạt động vui chơi nhiều kèm theo đó chế độ ăn uống nhiều chất đạm, thịt mỡ hay uống rượu bia có thể làm tăng axit uric trong máu dẫn tới các bệnh lý về xương khớp như: viêm khớp do gout, đau nhức xương khớp… Hơn nữa, tại thời điểm này thời tiết vẫn có những đợt không khí lạnh khiến người mắc các bệnh lý xương khớp dễ tái phát, sưng đau khớp vào buổi sáng.
- Bệnh lý nền có nguy cơ trở nặng: Các bệnh lý như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch… chịu ảnh hưởng từ chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện. Do vậy, nếu người bệnh không tuân thủ điều trị trong những ngày Tết có thể khiến sức khỏe bị ảnh hưởng và dẫn đến các tình trạng như các đợt cấp hoặc biến chứng của các bệnh lý này.
Phục hồi sức khỏe sau Tết bằng cách nào?
Để sau kỳ nghỉ Tết không phải lo lắng về việc cơ thể mệt mỏi, tinh thần uể oải hay các bệnh lý nền tăng nặng, mọi người cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Bổ sung chất dinh dưỡng đầy đủ: Sau kỳ nghỉ Tết, mọi người cần thiết lập lại chế độ ăn uống điều độ. Bổ sung thêm các thực phẩm giàu chất xơ, vitamin. Việc bổ sung Omega-3 vào thực đơn hàng ngày có thể giúp cải thiện sức khỏe và tâm trạng, một số thực phẩm chứa Omega-3 là: cá ngừ, rau màu xanh, hạt óc chó, cá hồi… Uống đủ nước mỗi ngày.
- Thiết lập lại nhịp sinh học bằng cách không thức khuya, ngủ nướng. Nên ngủ đủ giấc, ngủ từ 6-8 tiếng mỗi ngày và không nên dùng các thiết bị di động, xem tivi trước khi ngủ để tránh làm ảnh hưởng tới giấc ngủ.
- Tập luyện thể thao: Kỳ nghỉ Tết kéo dài có thể khiến việc tập luyện bị ảnh hưởng. Việc duy trì tập luyện sẽ giúp thúc đẩy quá trình giảm béo và các năng lượng đã hấp thu quá nhiều vào ngày Tết. Hơn nữa việc tập luyện còn giúp cơ thể tỉnh táo hơn, giúp cải thiện hệ tiêu hóa. Mỗi ngày, nên dành khoảng 30 phút để tập luyện các môn thể dục thể thao phù hợp.
- Những người có bệnh lý nền nên tái khám sau dịp Tết, hoặc những người cảm thấy có các vấn đề bất thường về sức khỏe cũng nên khám sau dịp Tết để sớm phát hiện bệnh lý nếu có.
Xem thêm video được quan tâm:
4 cách pha chế chanh đẩy lùi các triệu chứng cảm cúm, cảm lạnh | SKĐS