Cách phục hình hàm cho người mất răng toàn hàm

08-02-2025 15:00 | Khỏe - Đẹp

SKĐS - Mất răng toàn hàm sẽ ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai và thẩm mỹ của khuôn mặt. Hiện nay có nhiều phương pháp giúp phục hình lại hàm răng...

Nguyên nhân dẫn đến mất răng toàn hàm

Mất răng toàn hàm là tình trạng toàn bộ răng đều bị mất đi. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà ở người trẻ tuổi cũng có thể gặp phải. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc mất răng, nhưng thường gặp 3 nguyên nhân chính:

- Viêm nha chu kéo dài: Viêm nha chu sẽ ảnh hưởng đến nướu răng, nếu để lâu dài sẽ làm ảnh hưởng đến xương ổ răng, có thể gây nên tình trạng rụng răng, mất răng.

- Sâu răng: Các tình trạng như sâu răng, nhiễm trùng chóp chân răng dẫn đến tủy răng bị viêm. Khi tủy răng bị viêm khiến các chân răng sẽ lung lay. Nếu không chữa trị sớm và đúng cách, để lâu ngày khiến răng bị rụng.

- Chấn thương vùng đầu mặt cổ: Một số chấn thương ở vùng đầu, mặt, cổ có thể ảnh hưởng đến toàn bộ phần hàm răng, thậm chí có trường hợp mất răng toàn hàm.

Cách phục hình hàm cho người mất răng toàn hàm- Ảnh 1.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất răng toàn hàm...

Khi bị mất răng sẽ ảnh hưởng:

- Trường hợp viêm nha chu và sâu răng không xử trí sớm, để lâu dài sẽ dần dần bị mất răng, dẫn đến xô lệch hàm, mất răng ngày càng nhiều... Răng bị mất nhiều nên chức năng nhai sẽ kém đi và ảnh hưởng đến việc tiêu hóa.

- Răng bị mất lâu năm khiến nướu răng cũng dần mất đi. Hoạt động nhai không được thực hiện, sẽ dần bị tiêu xương hàm. Khi bị tiêu xương hàm thì việc phục hình răng cũng khó khăn hơn.

- Khi bị mất răng sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nụ cười sẽ kém duyên và thiếu tự tin khi giao tiếp. Mất răng cũng khiến cấu trúc khuôn mặt thay đổi, má bị hõm lại, nhìn sẽ bị già hơn trước tuổi....

Giải pháp phục hình răng khi bị mất răng toàn hàm

Tùy tình trạng xương hàm, khả năng tài chính, nhu cầu của người bệnh... sẽ có các biện pháp phục hồi hàm khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay có 3 phương pháp phục hình được áp dụng phổ biến.

- Hàm tháo lắp cổ điển

Đây là phương pháp xuất hiện sớm nhất và từ rất lâu nhưng đến nay vẫn được áp dụng khá nhiều, đặc biệt đối với người cao tuổi thì áp dụng phương pháp này rất phù hợp.

Hàm giả tháo lắp là mô hình hàm gồm răng và lợi giả được làm từ nhựa. Mô hình này được gắn trực tiếp lên nướu để thay thế cho hàm răng thật đã mất.

Ưu nhược điểm của hàm tháo lắp cổ điển:

+ Ưu điểm

  • Có thể tháo lắp dễ dàng để làm vệ sinh.
  • Chi phí thấp.
  • Thời gian thực hiện nhanh.
  • Làm từ vật liệu an toàn, không ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng.
  • Kỹ thuật đơn giản, không gây đau, không xâm lấn đến cấu trúc răng nướu.

+ Nhược điểm

  • Khả năng ăn nhai thấp, chỉ đạt khoảng 30 - 40% so với răng thật.
  • Tính thẩm mỹ không cao.
  • Giảm cảm giác ngon miệng
  • Do hoạt động nhai không trực tiếp trên hàm thật nên dễ gây tiêu xương hàm, đồng thời hàm thật còn chịu áp lực từ hàm giả. Khi nướu và xương hàm bị tiêu đến một độ nhất định, sẽ phải làm lại hàm giả khác thay thế. Khoảng 3-5 năm cần thay hàm giả 1 lần.
  • Dễ có mùi hôi miệng, do đó cần được làm vệ sinh thường xuyên, vệ sinh hàm sau mỗi bữa ăn.
  • Cảm giác vướng víu khi đeo, hàm dễ rơi ra khi nhai, cắn thức ăn mạnh hoặc hoạt động mạnh.
Cách phục hình hàm cho người mất răng toàn hàm- Ảnh 3.

Hàm tháo lắp cổ điển.

- Hàm phủ trên implant

Hàm phủ trên implant cũng là phương pháp sử dụng hàm giả. Với phương pháp này, hàm giả sẽ được cố định bằng các implant có liên kết với các khóa cài để cố định hàm giả. Hiện nay, phương pháp hàm phủ trên implant có 2 loại phổ biến:

+ Khóa cài implant bằng bi: Các implant gắn trong xương hàm sẽ được gắn trực tiếp với hàm giả bằng các khóa cài hình bi. Khóa cài này sẽ ăn khớp với ổ chứa trên hàm giả.

+ Khóa cài bằng thanh bar: Các implant trong xương hàm sẽ được gắn với một thanh bar mỏng. Phía trên thanh bar sẽ có các khóa cài để liên kết chặt thanh bar với hàm giả.

Cách phục hình hàm cho người mất răng toàn hàm- Ảnh 4.

Hàm phủ trên implant

Phương pháp này có những ưu/nhược điểm:

Ưu điểm

  • Dễ tháo lắp, vệ sinh.
  • Có tính thẩm mỹ cao hơn so với hàm giả tháo lắp truyền thống.
  • Tăng độ chắc chắn cho hàm, sức nhai tốt hơn so với hàm tháo lắp cổ điển.
  • Áp dụng được cả với những bệnh nhân đã bị tiêu xương hàm hay bệnh nhân lớn tuổi.

Nhược điểm

  • Giảm cảm giác ngon miệng
  • Sức bền không cao, định kỳ khoảng 6 tháng phải kiểm tra và thay mới khóa cài để đảm bảo độ chắc chắn cho hàm giả.
  • Chi phí cao hơn so với hàm tháo lắp cổ điển. Giá thành phụ thuộc vào số implant.

- Phục hình toàn hàm với 4 hoặc 6 trụ implant

Đây là phương pháp phục hình răng mới, sử dụng 4 hoặc 6 trụ implant cấy vào xương hàm, nhằm cố định và nâng đỡ hàm giả. Trước khi thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ kiểm tra và xác định vị trí phù hợp để cắm các trụ implant trong xương hàm, nhằm mang lại khả năng chống đỡ tốt nhất và phân bố đồng đều lực nhai của toàn hàm lên các trụ.

Cách phục hình hàm cho người mất răng toàn hàm- Ảnh 5.

Phục hình toàn hàm bằng implant.

Phương pháp này có các ưu/nhược điểm:

+ Ưu điểm

  • Có tính thẩm mỹ cao.
  • Khả năng ăn nhai tốt nhờ lực đỡ của 4 hoặc 6 trụ implant.
  • Có độ bền cao và có khả năng ngăn chặn tình trạng tiêu xương hàm.

+ Nhược điểm

  • Chi phí cao và thời gian thực hiện cũng lâu hơn.
  • Không phải bệnh nhân nào cũng thực hiện được phương pháp này.

Mời độc giả xem thêm video:

Viêm nha chu: sát thủ thầm lặng gây mất răng | SKĐS

BS.Nguyễn Văn Thủy
Ý kiến của bạn