Cách phòng viêm tủy xương hàm

13-03-2016 14:39 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Thời gian gần đây tôi bị đau ở vùng quanh răng, hơi thở hôi, tăng tiết nước bọt, môi như bị trề ra. Vài tuần sau miệng bị sưng, làm lệch mặt.

Thời gian gần đây tôi bị đau ở vùng quanh răng, hơi thở hôi, tăng tiết nước bọt, môi như bị trề ra. Vài tuần sau miệng bị sưng, làm lệch mặt. Đi khám các bác sĩ kết luận tôi bị viêm tủy xương hàm. Nghe nói bệnh này hay bị tái phát, xin bác sĩ cho biết cách phòng bệnh.

Trần Hòa (Lạng Sơn)

Viêm tủy xương hàm là một bệnh hay gặp, do nhiều nguyên nhân như nhiễm khuẩn, chấn thương, răng khôn mọc lệch. Có thể là tổn thương tại chỗ hay bị vi khuẩn theo đường máu từ các tổ chức viêm nơi khác hoặc bệnh nhiễm khuẩn toàn thân...

Ở giai đoạn đầu, mạch máu bị giãn, ứ máu tổ chức tủy, dịch rỉ viêm xuất hiện. Giai đoạn này nếu điều trị sớm có thể hồi phục được. Nếu không được điều trị, nhiều mạch máu bị tắc, huyết khối bị nhiễm khuẩn tạo nên các ổ áp-xe trong xương làm chết tủy. Các ổ mủ nhỏ trong xương lớn dần phá hủy màng xương lan tới phần mềm quanh xương hàm. Do mạch máu bị tắc, xuất hiện hoại tử xương và tiêu xương tạo thành xương mục. Khi mủ đã thoát ra bề mặt xương thì màng xương bị bong ra. Nếu mảng xương mục to có thể gây ra gãy xương hàm bệnh lý. Khi đó nhiễm khuẩn lan rộng gây viêm khớp thái dương hàm, có thể dẫn đến cứng khớp hàm, viêm cơ, áp-xe quanh hàm, nhiễm khuẩn mủ, nhiễm khuẩn huyết, gãy xương bệnh lý, biến dạng hoặc teo xương hàm.

Để phòng bệnh hiệu quả, mọi người cần giữ gìn răng miệng hằng ngày sạch sẽ, nên đánh răng ít nhất 2 lần/ngày sau bữa ăn và sử dụng nước súc miệng diệt khuẩn. Cần đi khám răng và lấy cao răng định kỳ (6 tháng một lần). Đối với trẻ em đang thay răng và người già bị rụng răng thì vệ sinh răng miệng càng được hết sức chú ý. Đối với những người bị sâu răng, viêm lợi, lên răng khôn... cần đi khám để được hướng dẫn điều trị sớm, tránh những biến chứng đáng tiếc.

BS. Nguyễn Hạnh


Ý kiến của bạn