Cách phòng viêm thanh quản

08-12-2017 07:25 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Viêm thanh quản là bệnh thường gặp và do nhiều nguyên nhân. Khi trời trở lạnh là điều kiện để các yếu tố nguy cơ tấn công và gây bệnh.

Tuy không phải là một bệnh nguy hiểm và khó chữa, nhưng nó gây khó chịu cho bệnh nhân bởi khả năng nói bị giảm sút.

Thanh quản là một bộ phận của đường hô hấp được cấu tạo bởi các sụn, là phần đầu của đường dẫn khí ngay dưới họng. Trong thanh quản có 2 dây thanh âm, mỗi khi dây thanh âm rung là phát ra âm thanh. Viêm thanh quản là viêm ở dây thanh âm hoặc toàn bộ niêm mạc phủ thanh quản. Viêm thanh quản gây ra khàn tiếng, thậm chí tắt tiếng hoàn toàn. Đôi khi viêm thanh quản có thể gây khó thở do hiện tượng sưng nề nặng, đặc trưng bởi tiếng thở rít khi hít vào. Trường hợp này thường gặp ở trẻ em hơn.

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh cảm lạnh thông thường do siêu vi hoặc các nhiễm trùng khác ở vùng hầu họng là nguyên nhân thường gặp nhất ở cả trẻ em và người lớn.

Khi la hét hoặc nói to, nói nhiều quá mức cũng gây viêm thanh quản. Trường hợp này không phải do nguyên nhân nhiễm trùng mà hay gặp ở người lớn, những người phải sử dụng giọng nói nhiều trong quá trình làm việc như giáo viên, ca sĩ...

Cách phòng viêm thanh quản

Bệnh nhân hít phải hóa chất, ví dụ như chất tẩy rửa hoặc xăng dầu. Những công nhân bán xăng hay xưởng hóa chất hay bị ảnh hưởng bởi tác nhân này.

Uống quá nhiều rượu hoặc hút quá nhiều thuốc lá.

Bệnh trào ngược dạ dày, khi luồng trào ngược có độ acid cao sẽ gâ y viêm thanh quản.

Ngoài ra, có một số tình trạng không phải viêm thanh quản nhưng cũng có thể gây ra khan tiếng, thậm chí tắt tiếng, chẳng hạn như: Bất thường cấu trúc bẩm sinh dây thanh âm, nguyên nhân này thấy ở trẻ nhỏ mới sinh trong những tháng đầu; những rối loạn của cơ ảnh hưởng tới phát âm; ung thư  hầu họng.

Biểu hiện của bệnh

Tùy nguyên nhân mà có biểu hiện khác nhau, tuy nhiên đặc điểm chung của viêm thanh quản gồm có: Khan tiếng, tắt tiếng, ho ông ổng, thở rít khi hít vào (gặp ở trẻ em). Ngoài ra, sốt, ho, sổ mũi là biểu hiện hay gặp nếu viêm thanh quản do nguyên nhân nhiễm trùng hô hấp. Ợ hơi, ợ chua, đau - nóng rát sau xương ức là biểu hiện của chứng trào ngược dạ dày. Khan tiếng mạn tính, từ từ tăng dần hay gặp ở người lớn hút thuốc lá, uống rượu nhiều hay đặc thù công việc phải tiếp xúc với hóa chất hoặc nói nhiều.

Có một số trường hợp, khi biểu hiện của bệnh không rõ ràng và khó xác định, bác sĩ cần soi thanh quản để xác định nguyên nhân gây viêm thanh quản, thông qua nội soi có thể thấy được bất thường thanh quản như hạt xơ dây thanh, viêm mạn tính do trào ngược dạ dày, khối u...

Đối với trẻ nhỏ soi thanh quản thường khó thực hiện, xét nghiệm máu có thể giúp bác sĩ xác định tác nhân gây viêm thanh quản là vi khuẩn hay vi-rút.

Cần làm gì để hạn chế chứng viêm thanh quản?

Tùy thuộc nguyên nhân gây viêm thanh quản, bệnh nhân có thể làm những điều dưới đây sẽ góp phần giảm nhẹ và nhanh khỏi bệnh:

Nếu chứng viêm thanh quản là do bạn sử dụng giọng nói quá mức, chẳng hạn bạn làm giáo viên, ca sĩ..., thì nghỉ ngơi, hạn chế phát âm quá nhiều quá mạnh sẽ giúp bạn thuyên giảm. Việc sử dụng micro để phóng đại giọng nói sẽ giúp bạn đỡ phải nói lớn.

Nếu chứng viêm thanh quản do thói quen uống rượu hay hút thuốc quá nhiều, tốt hơn cả là từ bỏ nó hoặc giảm bớt càng nhiều càng tốt.

Nếu viêm thanh quản do hít phải hóa chất, hãy tránh những hóa chất đó nếu có thể. Nếu không thể tránh, ít nhất cũng phải đảm bảo rằng bạn hít được nhiều không khí sạch nhiều hơn. Nếu công việc của bạn phải ở gần khói hóa chất hãy dùng khẩu trang hoặc quạt thông gió để hạn chế bụi hóa chất có thể đi vào làm tổn thương thanh quản của bạn.

Nếu chứng viêm thanh quản gây ra bởi trào ngược acid từ dạ dày lên, cần điều trị bệnh này trước tiên. Bạn cần thực hiện đầy đủ các bước như sau: Uống thuốc giảm tiết acid dạ dày (được bác sĩ kê toa, chẳng hạn omeprazol, esomeprazol). Tránh những thức ăn có thể làm triệu chứng của bệnh trào ngược nặng lên: Rượu, cà phê , chocolate... Dừng hút thuốc nếu bạn  đang hút thuốc. Nên chia nhỏ bữa ăn, ăn nhiều lần trong ngày hơn là ăn một lần với lượng thức ăn lớn. Không nằm ít nhất là 3 tiếng đồng hồ sau bữa ăn cuối cùng. Kiểm soát trọng lượng cơ thể nếu bạn thừa cân hay béo phì. Không nên mặc đồ (áo, dây nịt...) quá chật chội.

Khi nào  cần tới gặp bác sĩ?

Trẻ em nếu có biểu hiện khan tiếng, mất tiếng, thở rít cần tới gặp bác sĩ ngay. Chứng viêm thanh quản cấp ở trẻ em có thể gây ra tình trạng khó thở, tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn đường hô hấp chỗ thanh quản gây nguy hiểm cho trẻ.

Cách phòng viêm thanh quảnHình ảnh thanh quản bình thường và biểu hiện khi bị viêm.

Đối với người lớn thì tùy thuộc vào thời gian, độ nặng cũng như các triệu chứng kèm theo của viêm thanh quản, khi cảm thấy quá mệt mỏi hoặc khó chịu thì cần đến gặp bác sĩ. Hầu hết viêm thanh quản  cấp tự phục hồi trong vòng 2-3 tuần lễ. Nhưng nếu bạn bị khan tiếng hay tắt tiếng kéo dài quá 2 tuần mà không thuyên giảm thì nên tới gặp bác sĩ để được tìm xem có tổn thương thực thể gì không và được điều trị.

Ngoài ra, bạn cũng cần tới gặp bác sĩ nếu bạn bị đau họng và có thêm các triệu chứng như: Sốt từ 38,5 độ C trở lên; họng đau nhiều và không có dấu hiệu cải thiện sau 5-7 ngày.

Cần gọi cấp cứu hoặc tới khoa cấp cứu của bệnh viện nếu bạn cảm thấy: Khó thở; khó nuốt nước miếng; sưng phù vùng cổ hoặc lưỡi; không thể quay cổ hoặc khó mở rộng miệng... vì những dấu hiệu trên có thể có một vấn đề nghiêm trọng đã xảy ra.

Điều trị vêm thanh quản như thế nào?

Đối với trẻ em, thường viêm thanh quản là do nguyên nhân nhiễm trùng cấp tính, do nhiễm siêu vi. Tùy mức độ nặng hay nhẹ mà bác sĩ sẽ quyết định theo dõi hay can thiệp bằng thuốc. Trong thực hành lâm sàng, với những em bé có dấu hiệu khó thở bác sĩ sẽ cho khí dung các thuốc chống phù nề thanh quản, thuốc kháng viêm đường uống hoặc tiêm. Nếu tình trạng khan tiếng không thuyên giảm sau 2 tuần thì trẻ cũng cần được đánh giá lại bệnh bởi bác sĩ nhi khoa.

Đối với người lớn, tùy thuộc nguyên nhân mà điều trị khác nhau. Nếu viêm thanh quản là hậu quả của cảm lạnh hay một nhiễm trùng nhẹ, thường không cần điều trị gì cả, tuy nhiên nếu tình trạng khan tiếng không cải thiện sau 2 tuần có thể có một nguyên nhân nào đó khác. Vì thế cũng tùy thuộc nguyên nhân mà bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng sẽ có hướng xử trí và phác đồ điều trị riêng.


BS. Trần Hiền Mai
Ý kiến của bạn