Cách phòng và xử trí rắn độc cắn mùa mưa lũ

15-09-2011 09:54 | Tin nóng y tế
google news

Những ngày vừa qua, mưa lũ ở khu vực Bắc Trung Bộ và một số tỉnh Tây Nguyên đã gây ngập lụt trên diện rộng làm thiệt hại về người và tài sản.

Những ngày vừa qua, mưa lũ ở khu vực Bắc Trung Bộ và một số tỉnh Tây Nguyên đã gây ngập lụt trên diện rộng làm thiệt hại về người và tài sản. Ngập lụt còn gây ra những tác động xấu tới sức khỏe con người như mắc bệnh mắt, bệnh ngoài da... và nguy hiểm hơn nước lũ là môi trường sống của nhiều loài rắn độc. Khi bị rắn cắn cần được cấp cứu kịp thời để tránh bị tử vong.

Xem vết cắn phân biệt rắn độc và không độc

Rắn độc thường có hai răng độc lớn (còn gọi là móc độc), ở vị trí răng cửa hàm trên, nên khi cắn thường để lại vết cắn đặc trưng có thể giúp phân biệt rắn độc. Tuy vậy có một số loại rắn hổ mang ở cách nạn nhân một khoảng cách vẫn có thể phun nọc độc về phía nạn nhân và gây tổn thương ở da hoặc niêm mạc (mắt), rồi từ đó gây nhiễm độc cơ thể.

 Rắn Chàm quạp.

Triệu chứng khi bị rắn độc cắn

Mỗi loại rắn độc cắn có biểu hiện khác nhau. Rắn hổ mang cắn thường có các biểu hiện: tại vết cắn thấy đau buốt, nhìn thấy vết răng (một hoặc hai vết răng), phù nề lan toả, hoại tử. Toàn thân có các biểu hiện: sụp mi mắt, giãn đồng tử, khó há miệng, khó nuốt, khó nói, khó thở do liệt cơ hô hấp, liệt chi, phản xạ gân xương giảm; bloc nhĩ thất, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, hạ Na máu, suy thận cấp (tiêu cơ vân), có cầu bàng quang do bí đái, rối loạn tiêu hóa…

 Rắn lục cắn có các triệu chứng: tại vết cắn bị sưng tấy nhanh, chảy máu. Sau đó vùng bị cắn sưng to, bầm tím, xuất huyết dưới da, xuất huyết trong cơ, phồng rộp, chèn ép nhiều. Toàn thân có các dấu hiệu: chóng mặt, lo lắng, sốc, rối loạn đông máu, chảy máu nhiều chỗ, suy thận cấp do tiêu cơ vân, rối loạn tiêu hoá như nôn, ỉa chảy.

Rắn biển (đẻn) cắn: gây liệt cơ, tan máu, các triệu chứng liệt như các loại rắn hổ, cạp nong, cạp nia cắn.

Xử trí cấp cứu rắn độc cắn

Sau khi bị rắn độc cắn cần tiến hành sơ cứu ngay, trước khi vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện. Có thể người khác giúp đỡ hoặc do bản thân nạn nhân tự làm.

Động viên nạn nhân yên tâm, không nên lo lắng quá. Không để nạn nhân tự đi lại, bất động chi bị cắn bằng nẹp vì vận động làm tăng tốc độ lan tỏa của nọc độc. Băng ép bất động nếu do một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển, hổ mang thường) cắn để làm chậm triệu chứng liệt. Lưu ý: tuyệt đối không băng ép bất động khi rắn lục cắn vì có thể làm nặng thêm tổn thương tại chỗ. Chuyển nạn nhân bằng phương tiện nhanh nhất đến cơ sở y tế với việc duy trì băng ép, bất động. Trường hợp nạn nhân bị liệt thì khai thông đường hô hấp tư thế, hút đờm dãi, hô hấp nhân tạo...Tránh mọi việc làm can thiệp vào vết cắn vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, tăng sự hấp thu nọc độc và dễ chảy máu. Dùng băng rộng khoảng 10 cm, dài khoảng 4,5 m. Có thể băng chun giãn, băng vải, hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Không cố cởi quần áo vì dễ làm chi phải vận động, có thể băng đè lên quần áo. Bắt đầu băng từ ngón chân về phía gốc chi, băng chặt vừa phải, vẫn còn sờ thấy mạch đập. Không làm các biện pháp sau: ga rô, trích, rạch, châm, chọc tại vết cắn, hút nọc độc, đắp các loại thuốc y học dân tộc, hoá chất lên vết cắn, sử dụng hòn đá chữa rắn cắn, chườm lạnh vết cắn.

Điều trị tại cơ sở y tế : cần khám nhanh và hồi sức tích cực, chú ý hồi sức tim mạch và tuần hoàn, làm các xét nghiệm cần thiết. Dùng huyết thanh kháng nọc để trung hòa nọc độc càng sớm càng tốt.

Điều trị tại chỗ vết rắn cắn: chi bị rắn cắn cần được nâng cao, chống hiện tượng tái hấp thu dịch. Dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn, giải độc tố uốn ván. Nếu vết cắn bị hoại tử thì phải cắt lọc hoàn toàn, ghép da hở, dùng kháng sinh có hoạt phổ rộng.    
 

Nọc độc của rắn nguy hiểm như thế nào?

Nọc rắn độc gồm hơn 20 loại độc tố, chủ yếu là protein gồm các enzym và độc tố dạng polypeptide, mỗi loại có độc tính khác nhau, khi vào cơ thể nạn nhân tương tác với nhau trở nên phức tạp hơn. Có khi cùng một loại rắn nhưng ở các vùng khác nhau có thể có các độc tính khác nhau. Độc tố của rắn hổ mang gây liệt, tổn thương cơ vân, thận, tim, vết cắn. Độc tố của rắn cạp nong, cạp nia gây liệt mềm rất nặng, tổn thương cơ vân, thận. Độc tố của rắn lục gây tổn thương: vết cắn, chi bị cắn, gây chảy máu, huyết khối, cơ vân, thận. Cùng với các độc tố, trong nọc rắn còn có men hyaluronidase, có tác dụng tiêu huỷ tổ chức liên kết giúp nọc rắn lan nhanh trong cơ thể nạn nhân. Nọc độc của rắn là các protein nên có thể kích thích đáp ứng miễn dịch gây sốc phản vệ và tử vong.

Lượng nọc độc của rắn hay thay đổi, tuỳ thuộc các yếu tố: loại rắn, con rắn to hay nhỏ, vết cắn do một răng hay cả hai răng độc cùng xuyên qua da, số vết cắn. Con rắn có thể kiểm soát được việc tống nọc độc ra ít hoặc nhiều khi cắn nên có một số trường hợp người bị rắn độc cắn nhưng số lượng nọc độc bơm vào vết cắn ít không đủ gây triệu chứng nhiễm độc, gọi là “vết cắn khô”, chẳng hạn tỷ lệ vết cắn khô của rắn hổ mang từ 25- 30%. Mặt khác rắn độc không bao giờ hết nọc độc, nên dù nó đã cắn nhiều lần, rắn cũng không trở nên ít độc hơn. Khi bị rắn cắn, nọc độc được vận chuyển theo đường bạch huyết vào hệ tuần hoàn. Nguy hiểm nhất là trường hợp nọc được bơm thẳng vào tĩnh mạch, dễ gây sốc phản vệ, nhiễm độc và tử vong nhanh chóng. Nọc rắn gây tử vong giai đoạn đầu do liệt cơ hô hấp, cơ hầu họng, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, giai đoạn sau do xuất huyết nặng, suy thận, nhiễm khuẩn nặng.

   

BS. Phạm Văn Thân


Ý kiến của bạn