Vì sao trẻ em có nguy cơ bị thiếu máu, thiếu sắt?
Thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ em do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do cung cấp sắt thiếu. Ở nguyên nhân này đa phần là do chế độ ăn thiếu sắt, cụ thể: Trẻ thiếu sữa mẹ phải ăn sữa động vật, vì trong sữa mẹ sắt được hấp thụ tốt, trong khi sắt trong sữa bò chỉ được hấp thụ 10 - 20%. Tình trạng thiếu thức ăn nguồn gốc động vật, ăn bột nhiều và kéo dài, bởi trong bột có chất Acid Phytic và các Phosphat gây giảm hấp thụ sắt.
Nếu trẻ sinh non, thiếu cân lúc sinh hoặc sinh đôi… thì lượng sắt dự trữ được cung cấp qua tuần hoàn rau thai ít, sẽ gây tình trạng thiếu máu, thiếu sắt.
Trẻ mắc các bệnh lý của đường tiêu hoá sẽ hấp thụ sắt kém. Người ta đã tìm thấy nguyên nhân ở bệnh lý đường tiêu hóa làm giảm độ toan dạ dày; Tiêu chảy kéo dài; Hội chứng kém hấp thụ; Dị dạng dạ dày ruột… gây hấp thụ sắt kém, dẫn đến trẻ bị thiếu máu, thiếu sắt.
Ngoài ra, mất sắt quá nhiều do chảy máu từ từ, trong đó trẻ nhiễm giun móc, loét dạ dày tá tràng, Polyp ruột hoặc chảy máu cam… cũng có thể khiến trẻ bị thiếu máu, thiếu sắt.
Các ghi nhận cho thấy trẻ ở giai đoạn cơ thể lớn nhanh; Trẻ sinh non; Tuổi dậy thì; nhu cầu về sắt sẽ tăng cao, nếu đáp ứng không đủ sẽ gây thiếu máu, thiếu sắt.
Phòng và điều trị thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ
Tùy từng trường hợp các bác sĩ sẽ cho trẻ bổ sung sắt qua đường uống, cụ thể chế phẩm sắt Sulfat sắt, Gluconat sắt. Tiêm bổ sung trong trường hợp trẻ không thể uống hoặc không hấp thụ được. Truyền máu sẽ được chỉ định trong một số trường hợp.
Đối với trẻ mắc bệnh mạn tính dẫn đến thiếu máu, thiếu sắt, sẽ được điều trị các nguyên nhân kiểm soát bệnh và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng.
Khi trẻ thiếu máu, thiếu sắt cha mẹ cần chú ý đến chế độ ăn cho trẻ. Những thực phẩm cần tránh nhằm giảm hấp thụ sắt, cụ thể: Trẻ bị thiếu máu, thiếu sắt không nên ăn thực phẩm giàu canxi, bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa như pho mát, sữa chua, các loại hạt và chuối. Vì canxi sẽ làm cản trở sự hấp thụ sắt trong cơ thể, do đó làm trầm trọng thêm tình trạng này.
Thực phẩm giàu chất Tannin có nhiều trong nho, ngô và miến, cũng gây cản trở sự hấp thụ sắt.
Thức ăn chứa Gluten có nhiều trong mì ống, các sản phẩm lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen và yến mạch… cũng được khuyến cáo nên tránh dùng cho trẻ bị thiếu máu. Các thực phẩm trên có thể làm nặng thêm tình trạng này, làm tổn hại đến thành ruột, cản trở sự hấp thụ sắt và axit folic - hai chất cần thiết cho việc sản xuất hồng cầu.
Thực phẩm có chứa Phytate hoặc Acid Phytic như đậu, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt cũng được khuyến cáo nên tránh, vì liên kết với sắt có trong đường tiêu hóa, ngăn sự hấp thụ của nó.
Cha mẹ cần lưu ý tăng cường các thực phẩm giàu sắt cho trẻ, trong đó ưu tiên các thực phẩm chứa hàm lượng sắt cao như: Gan của các loài động vật như gà, lợn, bò; Trai, sò, hàu; Thịt bò và thịt gà… cũng là một nguồn cung cấp sắt vô cùng phong phú. Ngoài ra, các loại rau có lá màu xanh đậm như: Rau muống, cải bó xôi, rau ngót… cũng giàu sắt.
Để hấp thụ sắt tốt hơn, cha mẹ cần cho trẻ ăn kết hợp các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C.
Tuyệt đối cha mẹ không tự ý cho trẻ uống thuốc bổ sung sắt và vitamin tổng hợp có chứa sắt khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Tóm lại: Để phòng bệnh thiếu máu, thiếu sắt từ sớm, ngay trong thời kỳ bào thai sản phụ cần uống thuốc sắt theo sự chỉ định của bác sĩ, tăng cường các thực phẩm giàu sắt. Cần ăn đúng và đủ thức ăn động vật, thực vật giàu chất sắt.
Đối với trẻ thiếu tháng, non tháng và trẻ suy dinh dưỡng bào thai... cần được theo dõi và cung cấp sắt theo chỉ định của bác sĩ.
Trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu đời, để được cung cấp dưới dạng dễ hấp thụ. Tất cả các trẻ cần được thăm khám, tư vấn đánh giá về dinh dưỡng ở các độ tuổi như: Trẻ 4 tháng tuổi, trẻ 18 tháng tuổi và 24 tháng tuổi. Đối với nhóm trẻ có vấn đề sức khỏe, mắc bệnh lý... thì nên theo khuyến cáo chỉ định riêng của các bác sĩ.
Vì vậy, khi trẻ có bất kỳ biểu hiện thiếu máu, thiếu sắt, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể.
Dấu hiệu thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ:
+ Trẻ có biểu hiện da xanh, niêm mạc nhợt nhạt là dấu hiệu nổi bật.
+ Các biểu hiện kèm theo tùy mức độ nặng của bệnh.
+ Trẻ có biểu hiện mệt mỏi, ít hoạt động, nhanh mệt khi vận động, kém ăn, ăn không ngon miệng.
+ Trẻ có biểu hiện chậm phát triển thể chất.
+ Trẻ có biểu hiện bị rối loạn tiêu hoá.
+ Trẻ có biểu hiện giảm chức năng miễn dịch, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
+ Trẻ ở lứa tuổi đi học thường có biểu hiện học kém do không tập trung.
Ngoài ra, có thể teo niêm mạc và mất gai lưỡi làm trẻ khó nuốt; Móng bẹt, dễ gãy, móng tay móng chân nhợt nhạt, có khía và tim đập nhanh.
Mời độc giả xem thêm video:
Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-