Cá mập phải to từ 100kg trở lên mới cắn người
Ngày 8/6, Đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Hải Phòng) cho biết vừa kịp thời cứu một ngư dân bị cá mập tấn công trên biển, đưa vào bờ an toàn.
TS Võ Văn Quang, Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, cá mập phân bố ở khắp các vùng biển của Việt Nam, tùy thuộc vào tập tính sinh thái của từng loài mà nó xuất hiện chỗ này hoặc chỗ kia.
TS Nguyễn Kiêm Sơn, nguyên cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, trước đây cá mập xuất hiện ở Quy Nhơn (Bình Định) được xác định là do biến đổi khí hậu. Cá mập ở Việt Nam sống chủ yếu ở các vùng biển miền Trung từ Đà Nẵng trở vào, vì vùng đó là vùng biển sâu và nhô ra ngoài biển Đông hơn cả. Vùng biển này người dân thường khai thác cá mập lấy vi, nhưng cũng chỉ khai thác được vùng biển từ Quảng Ngãi đến Nha Trang, thuộc phía nam Trường Sa.
Vùng biển phía Bắc cũng vẫn có cá mập nhưng ít hơn, tần số xuất hiện cũng thưa hơn. Do vậy việc cá mập xuất hiện ở vùng biển Hải Phòng là không có gì bất thường. Mấy năm gần đây thi thoảng vẫn xuất hiện những vụ việc người dân bị cá mập tấn công vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng. Cá mập có rất nhiều loài nhưng số cắn người thì rất ít. Những con có khả năng cắn người thì phải to từ 100 kg trở lên.
Theo TS Võ Văn Quang, trong số hơn 360 loài cá mập, dựa vào số vụ tấn công người trên thế giới, có bốn loài rất nguy hiểm đối với con người là cá mập trắng, cá mập hổ, cá mập trâu mắt trắng, cá mập thâm. Theo thống kê trên thế giới, xác suất một người bị cá mập tấn công là 1/11,5 triệu và bị cắn chết là 1/264,1 triệu.
Cá mập thường xuất hiện ở vùng nước sâu, xa bờ. Gần đây cá mập có xu hướng xuất hiện gần bờ hơn, có thể bởi nguyên nhân biến đổi khí hậu, nước biển nóng lên làm cho cá phải dịch chuyển từ phía nam Trường Sa về gần bờ. Vì đặc điểm sinh thái của loài cá mập là chỉ sống ở những vùng đại dương nước sâu.
Không tắm biển khi có vết xước rỉ máu trên người
TS Võ Văn Quang cho biết, dựa trên đặc tính sinh thái của cá mập thì có thể phòng tránh việc bị cá mập cắn.
Những dấu hiệu dễ nhận biết nhất là không tắm biển vào những lúc thời tiết xấu, trời nhiều mây mù. Không bơi ra xa một mình hoặc không tắm ở những bãi biến quá vắng người. Không mặc những đồ có màu sắc và hình dạng lấp lánh giống như vảy cá vì loại trang phục này sẽ thu hút sự chú ý của cá mập.
Khi trên người có vết xước hoặc chảy máu thì không tắm biển, hoặc chỉ tắm ở gần bờ. Cá mập có khả năng đánh hơi mùi máu rất tốt với một khoảng cách xa đến vài km.
Ngoài ra, thời điểm tắm biển cũng khá quan trọng. Không tắm biển vào lúc sáng sớm khi mặt trời chưa mọc và lúc chiều tối khi mặt trời đã tắt. Cụ thể là trước 6 giờ sáng và sau 6 giờ chiều là không nên tắm do cá mập có một đặc điểm sinh học là thói quen săn mồi mạnh nhất vào những thời điểm này. Phần lớn những người phán đoán là bị cá mập tấn công cũng là do tắm biển vào thời điểm này.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Kiêm Sơn cũng cho biết, cá mập phát hiện ra con mồi bằng nhiều giác quan như sóng âm, nhịp tim, chuyển động mặt nước, quan sát màu sắc ánh sáng… Điều đó lý giải vì sao những người đi mò ngọc trai xưa kia thường vẽ lên mình những hình thù vằn vện để tránh sự tấn công của cá mập.
Không nên tắm biển một mình ở nơi vắng vẻ, những người bị thương thì chỉ tắm gần bờ. Đặc biệt là những ngày biển động, gió biển nhiều thường làm cá mập dạt vào bờ, người dân nên tránh tắm vào thời điểm này.
Cá mập rất hiếm khi tự nhiên tấn công người. Vì thế, nếu chẳng may gặp cá mập thì đầu tiên là nên giữ bình tĩnh. Tim đập mạnh sẽ làm cho cá mập tiếp nhận được sóng âm và nghĩ rằng đó là con mồi để lao tới. Hiện ở Việt Nam vẫn chưa có hướng dẫn nào về các trường hợp bị cá mập tấn
Theo các chuyên gia, ngoài cá mập thì cũng có một số loài khác tấn công người. Cá dữ hay các đàn cá nhỏ thường xuất hiện ở các vịnh là bởi ở đây có điều kiện thuận lợi để chúng cư trú và kiếm ăn. Hơn nữa ở xung quanh các vịnh thường có các lồng nuôi tôm hùm với nhiều mồi bên trong cũng thu hút chúng tìm đến. Hiện tượng El Nino cũng làm cho nhiệt độ và độ đục của dòng chảy tăng lên cũng khiến các loài cá này di chuyển vào gần bờ hơn.
Trước đó, vào khoảng 10h45 phút ngày 7/6, đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ nhận được thông tin qua điện thoại của anh Võ Văn Tánh (SN 1995, địa chỉ tại Khu 1, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh), là thuyền trưởng tàu QN-0606 TS về việc đề nghị cứu nạn một thuyền viên của tàu gặp tai nạn trên biển.
Vị trí bị nạn tại vùng biển cách đảo Bạch Long Vỹ khoảng 12 hải lý về phía Đông Đông Bắc. Ngay sau đó, đồn biên phòng Bạch Long Vỹ đã điều động tàu BP 020604 cùng nhiều cán bộ đến tàu QN-0606 TS để cấp cứu, điều trị cho nạn nhân.
Ngư dân gặp nạn là anh Võ Văn Đạt (SN 1990), trú tại khu 1, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Anh Đạt bị cá mập cắn trong quá trình lặn dưới biển.
Thời điểm lực lượng cứu nạn tiếp cận, anh Đạt trong tình trạng bị choáng do mất máu, bắp chân phải bị dập, mạch chậm, tiên lượng rất xấu nên đã được đưa sang tàu BP 020604 để tiến hành cấp cứu ban đầu (tiêm trợ tim, truyền dịch) và chuyển về Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ để tiếp tục cấp cứu, điều trị.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Điều Tra Vụ Trung Tá Công An Bình Dương Tử Vong Bất Thường Trong Tư Thế Ngồi Tại Nơi Làm Việc | SKĐS