Tôi rất thích ăn các món gỏi nhất là gỏi cá song, hầu như tháng nào cũng ăn 2 lần. Gần đây, tôi thấy có biểu hiện đau bụng và đi ngoài lúc thì tiêu chảy, lúc thì táo bón, bụng có cảm giác đầy hơi, người hay bị ngứa. Qua tìm hiểu tôi nghi mình bị sán lá gan. Xin bác sĩ cho biết biểu hiện bệnh và cách phòng.
Nguyễn Văn Xuân (Thanh Hóa)
Do sán thường bám chặt vào ống mật, dùng mồm để hút thức ăn nên lâu dần gan sẽ bị xơ hóa lan toả và thoái hoá mỡ. Độc tố do sán tiết ra có thể gây nên các tình trạng dị ứng, đôi khi có thể gây thiếu máu. Biểu hiện lâm sàng của bệnh sán lá gan nhỏ phụ thuộc nhiều vào cường độ nhiễm và phản ứng của vật chủ. Trong trường hợp nhiễm ít có khi không có triệu chứng gì đặc biệt. Giai đoạn khởi phát người bệnh bị mắc bệnh sán lá gan nhỏ thường bắt đầu với các biểu hiện của rối loạn dạ dày ruột như chán ăn, ăn không tiêu, đau âm ỉ vùng gan, tiêu chảy hoặc táo bón thất thường. Kèm theo có thể thấy toàn thân phát ban, nổi mẩn. Giai đoạn sau người bệnh thường đau vùng gan nhiều hơn, kèm theo thiếu máu, vàng da và cổ trướng có thể xuất hiện ở giai đoạn muộn. Nếu có bội nhiễm do vi khuẩn, bệnh nhân có thể sốt thành từng cơn hoặc sốt kéo dài. Biện pháp phòng, tránh bệnh sán lá gan nhỏ tốt nhất là không ăn gỏi cá và các loại thực phẩm chế biến từ cua cá nấu chưa chín. Những địa phương có lưu hành bệnh cần có các biện pháp quản lý cũng như tuyên truyền cho cộng đồng từ việc nuôi cá (như không thả phân tươi xuống ao) đến việc chế biến các loại thực phẩm từ cá. Bệnh sán lá gan nhỏ nếu được chẩn đoán sớm, các biện pháp điều trị thường mang lại hiệu quả cao và hạn chế được nhiều biến chứng nguy hiểm.
BS. Nguyễn Thọ